Trên thế giới có ba quan điểm tiếp cận vấn đề mại dâm. Một là hợp pháp hóa, hai là phi hình sự hóa và ba là hình sự hóa.
Trong nhóm các nước hợp pháp hóa mại dâm, chúng ta có thể xem Hà Lan như hình mẫu nghiên cứu bởi Hà Lan là quốc gia đầu tiên thừa nhận mại dâm là lao động tình dục, dù trước đó một số bang ở Úc đã hợp pháp hóa mại dâm.
Làm ăn trên phố đèn đỏ De Wallen
Ngày 1-10-2000, luật cho phép hành nghề nhà chứa có hiệu lực ở Hà Lan. Đón đầu luật mới, ông chủ Jan Broers đã cải tạo năm phòng ngủ và năm buồng kính trên phố đèn đỏ De Wallen ở Amsterdam để cho các cô gái thuê hành nghề.
Tại Amsterdam, người muốn mở nhà chứa, buồng kính, sex-club phải xin giấy phép do thị trưởng cấp. Chủ kinh doanh phải có lý lịch tư pháp tốt.
Ông Jan Broers phải bảo đảm phòng ốc rộng tối thiểu 5m2, vệ sinh, có lắp hệ thống báo động và chống cháy. Các cô gái ăn mặc khêu gợi chờ khách sau cửa kính.
Giá thuê một buồng kính trong 12 tiếng từ 150-200 euro. Mỗi tháng thu nhập của chủ có thể lên đến 14.000 euro.
Ông Jan Broers chỉ sử dụng lao động tình dục đã thành niên, là công dân EU. Ông không được ép họ làm việc liên tục. Họ có thể chọn làm tự do hay làm công ăn lương cho chủ.
Họ được hưởng các chế độ bảo hiểm y tế, nghỉ hưu, phải đóng thuế thu nhập (nếu làm công) hoặc thuế giá trị gia tăng (nếu làm tự do). Bắt buộc họ phải dùng bao cao su khi "hành sự".
Ngoài cảnh sát, thanh tra lao động và nhân viên thuế thường xuyên đến kiểm tra. Chỉ cần một cô gái không có giấy tờ đầy đủ, giấy phép sẽ bị thu hồi, ông chủ Jan Broers có thể bị phạt.
Từ tháng 2/2013, tuổi tối thiểu hành nghề từ 18 tuổi đã được nâng lên 21 tuổi.
Phố đèn đỏ phải đóng cửa từ 4h-9h sáng trong tuần và từ 5h-9h sáng ngày cuối tuần. Đây là thời gian nguy hiểm vì cơ quan chức năng ít kiểm tra trong khi có nhiều khách say xỉn hung hăng.
Trong buồng kính ở Amsterdam - Ảnh: AFP |
Du khách tham quan Bảo tàng tình dục Red Light Secrets ở Amsterdam - Ảnh: parool.nl |
Các tổ chức phụ nữ ủng hộ
Trước đây, nhà chứa bị cấm hoạt động ở Hà Lan. Đầu thập niên 1990, các nhóm Tin lành và tổ chức bảo vệ phụ nữ đấu tranh đưa các điều luật mới cấm mại dâm vào bộ luật hình sự vì cho rằng mại dâm là một hình thức bất bình đẳng về giới tính.
Vì vậy, Hà Lan đã hình sự hóa hành vi mở nhà chứa. Song trên thực tế, mại dâm vẫn được chấp nhận như một hiện tượng xã hội.
Với thái độ "khoan dung thực dụng" (gedogen), chính phủ và các địa phương vẫn cho phép nhà chứa hoạt động tại một số khu vực. Sau đó, chính quyền một số địa phương đã vận động hủy bỏ quy định cấm nhà chứa.
Chính phủ và hai viện Quốc hội mở nhiều diễn đàn thảo luận về hợp pháp hóa mại dâm. Từ năm 1977 đến năm 1999, tổng cộng có bảy đề tài tranh luận về mại dâm.
Đến tháng 10-1999, thượng viện thông qua dự luật hủy bỏ quy định cấm nhà chứa trong bộ luật hình sự, mở đường cho pháp luật điều chỉnh mại dâm như một loại hình nghề nghiệp. Dự luật được các đảng thế tục ủng hộ song các đảng đại diện tôn giáo lại phản đối kịch liệt.
Thế nhưng các tổ chức bảo vệ phụ nữ và các cơ quan về chính sách nữ giới trong chính phủ lại ủng hộ vì nhận định đây là bước ngoặt thay đổi cơ bản về pháp luật để cải thiện vị thế người hành nghề mại dâm.
Ban hành quy định quản lý
Luật số 464 ngày 28-10-1999 được gọi là "luật về bãi bỏ lệnh cấm chung đối với mại dâm" có hiệu lực từ ngày 1-10-2000. Luật hợp pháp hóa tổ chức mại dâm nhưng tăng nặng hình phạt đối với cưỡng bức mại dâm và bóc lột trẻ em.
Luật trao trách nhiệm kiểm soát mại dâm cho các địa phương. Bộ Tư pháp ban hành khuôn khổ pháp lý chung. Các địa phương căn cứ vào đó ban hành quy định cụ thể.
Hầu hết các địa phương ở Hà Lan đều quy định cấp giấy phép cho hoạt động mại dâm.
Các quy định được thực hiện phổ biến gồm hạn chế số lượng nhà chứa, quy hoạch vị trí nhà chứa, xác minh tiền sử phạm tội đối với chủ nhà chứa và người quản lý, quy định về y tế, vệ sinh, an ninh, quy định đối tượng làm việc trong nhà chứa.
Chủ nhà chứa và người quản lý phải chịu trách nhiệm nếu có người chưa thành niên và dân nhập cư lậu làm việc. Người vi phạm sẽ bị cảnh cáo, phạt tiền, thu hồi giấy phép có thời hạn hay vĩnh viễn.
Đối với mại dâm không tự nguyện, chủ, người quản lý hoặc cả hai sẽ bị truy tố. Người bóc lột hành nghề mại dâm, ép buộc hay khuyến khích hành nghề mại dâm bị phạt tù đến 18 năm.
Lao động của người hành nghề mại dâm được điều chỉnh theo luật lao động. Họ cũng có công đoàn riêng. Sau khi mại dâm được hợp pháp hóa, thu nhập của họ tăng lên. Họ không còn cạnh tranh vô tội vạ như trước, không phải trả tiền cò cho bọn chủ chứa, bọn bảo kê.
Họ có thể tham gia các hội đồng và các ủy ban tư vấn, tham gia soạn thảo chính sách địa phương. Niềm tin của họ đối với cảnh sát cũng được nâng lên. Họ sẵn sàng báo cảnh sát nếu bị quấy rối hay bị cưỡng bức.
Phố đèn đỏ là khu vực an ninh nhất
Tại Amsterdam có ba phố đèn đỏ. Nổi tiếng nhất là phố đèn đỏ De Wallen rộng 6.500m2 gồm nhiều khối nhà tọa lạc ở khu vực cổ xưa nhất của thành phố.
Đây là khu vực an ninh nhất vì có cảnh sát tuần tra và các vệ sĩ riêng do chính các cô gái mại dâm thuê.
Ngoài Amsterdam, nhiều thành phố khác như Alkmaar hay La Haye cũng có phố đèn đỏ.
Trong khu vực phố đèn đỏ có trung tâm thông tin mại dâm, các tiệm sex-shop (bán đồ chơi tình dục, băng video), peep show (xem phim khiêu dâm), bảo tàng khiêu dâm và coffe-shop có bán cần sa.
Luật Hà Lan cho phép sử dụng một ít chất gây nghiện loại nhẹ.