Bài toán của Đại tướng
Từ giữa năm 1972, kế hoạch đánh B-52 đã được quân chủng PKKQ xây dựng hoàn thành. Tuy nhiên, bản kế hoạch còn thiếu sót một phần quan trọng. Đó là mục tiêu chiến dịch.
Trong chiến tranh, mỗi một chiến dịch được xem là thành công hay thất bại bao giờ cũng phải gắn với mục tiêu đặt ra từ đầu. Chỉ có đối chiếu với các mục tiêu chính trị, quân sự được vạch ra trong kế hoạch mới có thể đánh giá là thành công hay thất bại.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt kế hoạch đánh B-52. Ảnh tư liệu. |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phát hiện ra sự thiếu sót đó. Cuốn Điện Biên Phủ trên không bản hùng ca bất tử của Nguyễn Phương Diện cho biết: Một ngày giữa tháng 5 năm 1972, tại Đồ Sơn – Hải Phòng, lúc đang nghe Lê Thanh Cảnh (người trực tiếp dự thảo kế hoạch đánh B-52 của quân chủng PKKQ) báo cáo về công tác chuẩn bị đánh B52 của Quân chủng, đột nhiên Đại tướng hỏi: "Cậu cho mình biết tỉ lệ B52 bị bắn rơi: mức độ nào thì Mỹ chịu đựng được và tiếp tục cuộc ném bom, mức độ nào thì Nhà Trắng rung chuyển; mức độ nào khiến Mỹ không chịu nổi, phải thua?”
Ngay lúc đó thì ông Cảnh chưa thể trả lời được. Phải mất hàng tuần sau, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Vũ Xuân Vinh - Tham mưu phó phụ trách về tên lửa của Quân chủng, cộng với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, cơ quan tác chiến của quân chủng mới giải được bài toán mà Đại tướng đặt ra.
Theo đó, đáp số gồm 3 mức: N1 là tỉ lệ mà Mỹ còn chịu được và tiếp tục ném bom là từ 1 đến 2% số máy bay B-52. N2 là tỉ lệ làm Nhà Trắng rung chuyển là từ 6-7%. N3 từ 10% trở lên thì Mỹ không chịu được phải bỏ cuộc.
Có kết quả, Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri lên báo cáo, Đại tướng hỏi: Vậy Quân chủng nhận con số nào? Đồng chí Lê Văn Tri thưa: Báo cáo Đại tướng, bằng mọi cách chúng tôi phải loại trừ N1, quyết tâm phấn đấu đạt N2 và vươn tới N3.
Về sau, ngay trong đêm đầu tiên ta đã loại 3 chiếc B-52 tức là bằng 1,5 % trong số 193 chiếc B-52 Mỹ huy động cho chiến dịch. Cho đến hết chiến dịch, số B-52 mà quân ta bắn rơi đã lên tới 34 chiếc, đạt đến 17,6% - một tỉ lệ khiến không những Nhà Trắng mà toàn thế giới choáng váng. Nhiều tờ báo Anh, Pháp thời đó bình luận đại ý: Cứ theo tốc độ mất máy bay như những ngày qua thì không lâu nữa quân đội Mỹ sẽ không còn B-52.
Tỉ lệ thiệt hại B-52 quá cao là nhân tố chính khiến Nixon phải ra lệnh ngừng chiến dịch Linerbacker II như lời ông ta viết trong hồi ký: “Nỗi lo sợ của tôi trong những ngày này không phải là do những làn sóng phản đối và phê phán nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới, mà chính là ở mức độ tổn thất về máy bay B52 quá nặng nề”.
Qua đây, chúng ta thấy bài toán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt ra cho Quân chủng Phòng không - Không quân là một sự chỉ đạo sáng suốt giúp cho quân ta xác định rõ mức mà mình phải vượt qua để dành thắng lợi.
Đại tướng trong 12 ngày đêm khói lửa
Mặc dù bận rộn chỉ đạo tình hình chiến sự khắp cả nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc chuẩn bị đối phó với một cuộc tập kích đường không ồ ạt mà Bác Hồ và Quân ủy Trung ương từ lâu đã dự đoán.
Cuốn Điện Biên Phủ trên không – chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam cho biết: “Đầu tháng 6 năm 1971, sau khi chủ trì một cuộc họp quan trọng của Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cho mời Tư lệnh và Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân Lê Văn Tri và Hoàng Lương lên nghe chỉ thị trực tiếp: "Máy bay B52 Mỹ đang hoạt động ngày càng tăng ở chiến trường miền Nam. Đến mức độ nào đó chúng sẽ đánh rộng ra các tỉnh phía Bắc, không loại trừ Thủ đô Hà Nội. Quân chủng Phòng không - Không quân phải chuẩn bị sẵn sàng đối phó với khả năng này".
Gần 1 năm sau, khi chiến dịch Tổng tiến công xuân hè đang diễn biến ở miền Nam, Đại tướng lại chỉ thị cho Tư lệnh Lê Văn Tri vào ngày 5/4/1972: "Sắp tới Mỹ có thể cho không quân, kể cả không quân chiến lược B52 đánh phá trở lại miền Bắc". Ngay hôm sau, Quân ủy Trung ương mà Đại tướng là Bí thư đã chỉ thị cho Đảng ủy quân chủng Phòng không đưa miền Bắc vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu để chuẩn bị đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ.
Tháng 11/1972, trước khi cuộc tập kích Linerbacker II diễn ra, trong cuộc họp quan trọng bàn phương án đánh B-52, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp nhiều ý kiến bổ sung và chính thức kết luận những điểm chính của bản kế hoạch đánh B-52 của Quân chủng. Những nét chính trong ý kiến của Đại tướng như nhận định mục tiêu bảo vệ chủ yếu, hướng đánh chủ yếu, quyết tâm sử dụng lực lượng, bố trí đội hình chiến đấu...đã gợi mở nhiều điều cho các cán bộ Phòng không Không quân của ta.
Đại tướng cùng Bác Tôn thăm một trận địa tên lửa. Ảnh tư liệu. |
Cuối buổi họp, Đại tướng nhấn mạnh: "Âm mưu của Mỹ cho B52 đánh Thủ đô Hà Nội, linh hồn của cuộc kháng chiến, sẽ là hành động gây sức ép cuối cùng để buộc chúng ta phải nhân nhượng. Vì vậy chúng ta phải kiên quyết đánh thắng chúng trên bầu trời Thủ đô”.
Trong suốt 12 ngày đêm diễn ra chiến dịch, Đại tướng thường trực tại Tổng hành dinh để theo dõi tình hình và có những chỉ đạo kịp thời, cụ thể. Ngay đêm 18/12 khi tên lửa ta hạ chiếc B-52 đầu tiên, Đại tướng đã lập tức qua đường dây nóng nối từ Tổng hành dinh xuống sở chỉ huy sư đoàn phòng không Hà Nội (đoàn B61) biểu dương thành tích của sư đoàn.
Vào giữa đêm 20/12, biết tin một số tiểu đoàn tên lửa sắp hết đạn, Đại tướng trao đổi với tướng Văn Tiến Dũng và chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Quân chủng PKKQ tập trung mọi nỗ lực giải quyết, đồng thời nhắc nhở: "Đạn tên lửa chỉ được dành để đánh B52".
Mặc dù trong bom đạn ác liệt của kẻ thù, trong suốt 12 ngày đêm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước vẫn đi thăm, đi thị sát nhiều nơi để động viên cán bộ chiến sĩ và nhân dân ta kiên cường đánh giặc. Đại tướng đến tận trận địa của tiểu đoàn tên lửa 77 để biểu dương tinh thần chiến đấu của đơn vị vào ngày 22/12. Ngay hôm sau, Đại tướng cùng Bác Tôn đến thăm trận địa Vân Đồn của các chiến sĩ súng máy phòng không đã bắn rơi máy bay F-111 Mỹ. Đại tướng cũng đến thăm khu phố Khâm Thiên bị máy bay Mỹ hủy diệt. Từ đây trở về, ông gửi điện cho cán bộ chiến sĩ PKKQ: “Hãy biến đau thương thành sức mạnh, đánh tốt hơn nữa, bắn rơi nhiều B52 hơn nữa, để trả thù cho đồng bào Khâm Thiên, đồng bào Hà Nội".
Trận Điện Biên Phủ trên không thắng lợi đã buộc Mỹ phải ký hiệp định Paris và rút quân ra khỏi Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thống nhất đất nước 2 năm sau đó. Chiến công này là của toàn dân Việt Nam, nhưng cũng là một thắng lợi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong vai trò người cầm quân của Việt Nam với những ý kiến tỉnh táo và sâu sắc trong những bước quyết định.