Phát hiện gần 120 người nhiễm cúm H1N1 ở Kiên Giang
(Kiến Thức) - Từ ngày 20 đến 22/9, tại Nhà máy may Vinatex Kiên Giang, đã phát hiện 117 trường hợp bệnh nhân nghi ngờ mắc cúm A H1N1.
Các bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho, sổ mũi, đau họng, trong đó có 34 ca phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Gò Quao.
Mới đây nhất, ngày 24/9, ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Kiên Giang cũng cho biết, đã có kết luận từ Viện Pasteur TPHCM khẳng định những công nhân trong Nhà máy may Vinatex Kiên Giang (ngã ba Lộ Quẹo, ấp An Hòa, xã Định An, huyện Gò Quao) bị dương tính với cúm A H1N1.
|
Ảnh minh họa. |
Trước tình hình trên, Trung tâm y tế huyện Gò Quao tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch như tuyên truyền, trấn an để công nhân ở đây an tâm tiếp tục làm việc và thực hiện các biện pháp vệ sinh, phòng chống dịch tại công ty. Đồng thời, hướng dẫn công nhân đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân, theo dõi và báo cáo các trường hợp mắc mới theo hướng dẫn.
Bên cạnh đó, thường xuyên mở cửa thông thoáng, khử trùng nhà xưởng, nhà ăn, khu vệ sinh. Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm y tế huyện trong công tác xử lý ổ dịch và sớm thành lập tổ y tế cơ quan theo quy định.
Trước đó, các biện pháp phòng chống cúm luôn được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo hàng đầu tới người dân. Với những người dân trong vùng dịch, để phòng ngừa cho chính mình và cộng đồng, phải:
- Thường xuyên đeo khẩu trang, tăng cường vệ sinh cá nhân như: rửa tay, sát khuẩn mũi, họng, mắt bằng các nước sát khuẩn. Dung dịch nước tỏi cũng là một biện pháp sát khuẩn tốt.
- Tránh tối đa đưa tay lên miệng, mắt mũi.
- Khi ho, hắt hơi phải lây khăn che mũi, miệng
- Tránh tập trung đông người khi có dịch xảy ra, tránh tiếp xúc gần với những người không khỏe và những người bị sốt, ho. Hạn chế các chuyến du lịch đến các vùng dịch.
- Tăng cường ăn các loại thực phẩm có khả năng nâng cao sức đề kháng phòng chống cúm cho cơ thể như: tỏi, sữa chua, cá và các loại sò, thịt bò, cá, khoai lang, trà, yến mạch.
- Nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng, đau đầu…phải báo cho cơ quan y tế nơi lưu trú để được hướng dẫn, khám và điều trị kịp thời theo đúng quy định của ngành y tế.