TS.BS Tô Thanh Phương - Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương - cho biết thực tế những trường hợp phụ nữ bị xâm hại tình dục đến phát điên không phải là hiếm gặp.
Nhiều trường hợp bị xâm hại, nạn nhân và người thân đã mạnh dạn lên tiếng để trừng phạt thủ phạm. Ngược lại, ở một góc khuất khác, có những nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục lại cam chịu chấp nhận số phận nghiệt ngã của mình. Từ đó, họ bị ám ảnh và phát bệnh bởi những nỗi đau giằng xé.
Mỗi bệnh nhân tâm thần đều có câu chuyện và nỗi đau riêng. Ảnh: Việt Hùng. |
Tiến sĩ Phương từng tiếp nhận một nữ bệnh nhân tên là Nguyễn Thị Hạnh (ở Bắc Ninh) từng bị xâm hại tình dục. Khi được đưa đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương, người phụ nữ này luôn có ý định tự tử, trầm uất.
Cách đây 20 năm, bà Hạnh bị một người thanh niên cùng xóm xâm hại tình dục (khi mới 20 tuổi), và dọa giết nếu chuyện được kể với người khác.
Lo sợ, người phụ nữ này cũng không kể cho bất kể ai, chỉ đến khi có bầu, gia đình phát hiện, sự thật mới được tiết lộ. Tuy nhiên, sau khi hai gia đình nói chuyện với nhau, bà Hạnh buộc phải lấy người xâm hại mình làm chồng.
“Suốt 20 năm qua, người phụ nữ ấy phải sống trong cảnh “địa ngục trần gian” mà không biết phải kêu ai, thậm chí có những lúc chị muốn tìm đến cái chết để giải thoát mình, nhưng không dám làm vì thương con, thương bố mẹ”, tiến sĩ Phương kể lại.
Ngoài những trường hợp người bị tâm thần bị xâm hại tình dục, Bệnh viện Tâm thần Trung ương cũng tiếp nhận không ít trường hợp nhập viện điều trị trong tình trạng hoảng loạn vì bị hãm hiếp.
Tiến sĩ Tô Thanh Phương cho hay cách đây vài tháng, ông đã tiếp nhận một trường hợp nữ sinh cấp 3 phải nhập viện trong tình trạng rất nặng. Khai thác bệnh sử được biết nhà nữ sinh này ở Hà Nội, sau khi cùng bạn lên Tuyên Quang chơi thì bị xâm hại tình dục. Sau đó, nữ sinh này đã bị hoảng loạn, bỏ đi lang thang.
Sau khoảng một tuần, công an phát hiện em đi ngoài đường nên đã đưa về trụ sở và được gia đình lên đón về. Khi về nhà, cô vẫn hoảng loạn về mặt tâm lý và được gia đình đưa đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương điều trị.
Tại đây, ngoài điều trị bằng thuốc, các bác sĩ áp dụng thêm liệu pháp tâm lý. Sau hơn một tháng, bệnh nhân đã ổn định hơn, có thể nói chuyện bình thường với người thân.
Từ những trường hợp trên, tiến sĩ Phương chia sẻ mỗi bệnh nhân nhập viện đều mang trong mình căn bệnh trầm cảm tâm căn (xuất phát từ tâm lý). Vì thế khi điều trị, ngoài vấn đề thuốc, các bác sĩ cần phải có những chia sẻ, tâm sự để bệnh nhân giải thoát được những suy nghĩ, uất ức ở trong lòng.
Theo chuyên gia, bệnh trầm cảm đang ngày càng gia tăng. Ông khuyến cáo: “Không cái gì đau đớn bằng bệnh trầm cảm. Người bị trầm cảm chỉ muốn tìm đến cái chết. Thậm chí đau đớn như bệnh ung thư con người còn chịu đựng được chứ trầm cảm thì khó ai chịu đựng được”.