* Bài viết có sử dụng tài liệu Lịch sử pháo binh Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Cuối năm 1966, Sư đoàn 3 Lính thủy Đánh bộ Mỹ lập căn cứ hỏa lực 241 khống chế vùng rộng lớn ở khu vực đường 9 – Bắc Quảng Trị. Căn cứ rộng 12.000m2, bố trí 7 pháo đội gồm: 40 lựu pháo 105-155mm và 8 khẩu pháo pháo tự hành M107 175mm.
Vào thời điểm đó, pháo tự hành M107 175mm được coi là khẩu siêu pháo của nước Mỹ với tầm bắn xa, uy lực lớn. Khi đưa sang Việt Nam, quân đội Sài Gòn còn đặt biệt danh cho loại pháo này là “vua chiến trường”.
"Vua chiến trường" M107
Hệ thống pháo tự hành tầm xa M107 được thiết kế theo yêu cầu của Quân đội Mỹ cuối những năm 1950. Nó được thiết kế nhằm bắn những viên đạn đi khoảng cách xa, nhắm vào mục tiêu chiến lược vùng hậu phương đối phương (như là kho nhiên liệu, trạm xe lửa, căn cứ không quân, bộ chỉ huy).
Hệ thống M107 trang bị nòng pháo M113 cỡ 175mm (tuổi thọ 700-1.200 phát) đặt trên giá pháo M158. Tất cả cùng được lắp trên khung gầm cơ sở xe bánh xích M548.
Pháo tự hành M107 khai hỏa. |
Pháo M107 trang bị 2 loại đạn chủ yếu: đạn thuốc nổ mạnh M437 nặng 66,6kg và đạn hạt nhân nặng sức công phá 15 kiloton (tuy nhiên loại đạn này hiếm khi sử dụng). Pháo có thể đạt đạt tầm bắn tối đa tới 40km, nhưng tốc độ bắn thì “siêu chậm”, tối đa 2 phát/phút, trung bình 1 phát/phút.
Ngày 22/2/1967, pháo địch từ bờ nam bắn sang bờ bắc sông Bến Hải gây nhiều tội ác với nhân dân ta. Chúng còn bắn cả loại đạn mang theo truyền đơn vẽ hình khẩu pháo 175 với lời thách thức ngạo mạn.
Bão lửa ĐKB “trừng trị” siêu pháo 175mm
Trước hành động khiêu khích của địch, cấp trên giao cho Trung đoàn 84B mang theo 54 khẩu ĐKB cùng với Tiểu đoàn pháo phản lực H6 (thuộc Trung đoàn Pháo binh 164), Đại đội cối 120, và Đại đội cối 82 (thuộc Sư đoàn bộ binh 304) được lệnh vào chiến trường Quảng Trị đánh trả địch.
Đêm ngày 7/3/1967, các trận địa bắn đồng loạt vào mục tiêu đã tính toán sẵn trong căn cứ hỏa lực 241 của Mỹ. Xen kẽ giữa các đợt bắn của ĐKB, pháo cối 120mm và 82mm cùng pháo phản lực H6 bắn liên tục để chế áp các trận địa pháo của địch. Trước sức tấn công dữ dội của những khẩu pháo nhỏ bé, ông “vua chiến trường” khổng lồ hoàn toàn im bặt.
Pháo phản lực ĐKB được Liên Xô cải tiến từ phía Việt Nam để phù hợp trên chiến trường. |
Kết thúc trận này, theo Lịch sử pháo binh Quân đội Nhân dân Việt Nam ghi nhận, ta đã bắn tổng cộng 1.056 viên đạn gồm: 224 viên ĐKB, 375 viên H6, 157 viên cối 120mm, 300 viên cối 82 mm vào căn cứ 241 của lính thủy đánh bộ Mỹ.
Trận pháo kích làm phần lớn các kho tàng, nhà cửa của địch bị phá hủy. Cùng với đó là 22 khẩu pháo, 35 xe quân sự và 1500 lính Mỹ bị loại khỏi vòng chiến đấu.
Thiếu tướng Tạ Xuân Thu, chính ủy Bộ tư lệnh Pháo Binh đã gửi điện khen các đơn vị tham gia trận đánh: “Một trận pháo đánh độc lập giỏi. Các đơn vị đã nắm chắc tình hình, kiên trì chờ thời cơ có lợi, táo bạo đánh trúng đánh hiểm; một trận tập kích hỏa lực quy mô lớn đạt hiệu suất cao bằng pháo hỏa tiễn ĐKB của pháo binh quân đội ta”.
Sau trận đánh này, pháo binh Việt Nam ở Quảng Trị được trang bị pháo xa nhất, uy lực nhất của quân đội ta khi đó, M-46 130mm. Một lần nữa, “ông vua” pháo binh Việt Nam buộc quân Mỹ phải khiếp sợ.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: