Nhiều người dân thủ đô Helsinki buộc phải kết thúc kỳ nghỉ hè sớm và trở lại nhiệm sở để tổ chức hội nghị giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16/7.
Tuy nhiên, khác với những cuộc gặp trước đây nhằm giữ cho châu Âu ổn định, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga sắp tới lại diễn ra giữa hai cường quốc khiến châu lục này hỗn loạn.
“Người Phần Lan có cảm xúc lẫn lộn về cuộc gặp”, Janne Riihelainen, chuyên gia an ninh quốc gia Phần Lan, nhận định. “Chúng tôi xây dựng hình ảnh là nước trung lập và tự hào với vị trí là bên dàn xếp hội nghị. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lo ngại về những thỏa thuận mà ông Trump và ông Putin có thể đạt được tại đây”.
Phủ tổng thống tại thủ đô Helsinki, nơi diễn ra cuộc gặp Trump - Putin. Ảnh: AFP.Cả Phần Lan hướng mắt về hội nghị |
Sau khi hội nghị thượng đỉnh được xác nhận vào cuối tháng trước, chính quyền Phần Lan đã gấp rút chuẩn bị hậu cần và đảm bảo an ninh. Helsinki nhanh chóng “phủi bụi” Phủ tổng thống, địa điểm tổ chức hội nghị, và các quan chức đã phải hủy hoặc dời lịch nghỉ hè.
Trước nguy cơ biểu tình, chính phủ yêu cầu hàng nghìn cảnh sát, lực lượng tuần tra và nhân viên cứu hộ đang trong kỳ nghỉ quay lại làm việc. Cảnh sát trên cả nước được điều động về làm nhiệm vụ tại thủ đô, nâng số sĩ quan tại đây lên tới 2.000 người.
Ngày 13/7, chính phủ tái ban hành lệnh kiểm soát khách du lịch từ vùng Schengen, vùng tự do đi lại giữa 26 nước châu Âu, nhằm “nhận diện những người có nguy cơ đe dọa” trong thời gian hội nghị diễn ra. Người phát ngôn Sở cảnh sát Helsinki, Juha Hakola, khẳng định hội nghị sẽ diễn ra “bình yên và không có vấn đề”.
Trong lúc đó, các khách sạn nhanh chóng được lấp đầy bởi khoảng 2.000 nhà báo nước ngoài dự kiến sẽ có mặt cho cuộc gặp lịch sử. Juha Ristamaki, nhà báo từ Italehti, tờ báo nhiều người đọc nhất tại Phần Lan, đáng lẽ sẽ tới vùng quê nghỉ ngơi, nhưng lại phải lên "tăng cường" cho tòa soạn của mình.
“Người Phần Lan đang theo dõi sát mọi thứ. Đây chắc chắn là chuyện lớn nhất ở đây. Nó không chỉ là chính trị. Họ muốn xem sự huyên náo xung quanh hai tổng thống”, Ristamaki nói.
Theo AFP, nhiều người dân nước này rất háo hức với sự kiện và mong thấy đất nước của họ trở thành tâm điểm của sự chú ý toàn cầu trong ngày 16/7.
Siêu thị tại Helsinki bày bán những chai bia với hình ông Putin và ông Trump chơi oẳn tù tì được in trên vỏ chai cùng dòng chữ "Hãy dàn xếp việc này giống như người lớn". Ảnh: AFP/Getty. |
Hai nhà lãnh đạo không được ưa thích
Trong khi ngoại giao và đối thoại là nền tảng chính sách đối ngoại của Phần Lan, Trump và Putin lại là hai nhà lãnh đạo đặc biệt không được người dân nước này ưa thích. Một khảo sát gần đây cho thấy 83% người Phần Lan không ưa Trump và 76% có cái nhìn tiêu cực về Putin.
Nhiều cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch từ ngày 14/7 đến 16/7. Cuộc biểu tình lớn nhất với tên gọi “Helsinki vẫy gọi!” sẽ tập trung vào các vấn đề mà người dân cho rằng hai nhà lãnh đạo đang lảng tránh: nhân quyền, dân chủ, quyền tự do ngôn luận, bình đẳng và người nhập cư.
“Ở Phần Lan, chúng tôi đối xử với trẻ em như con người. Chúng tôi không cho các em vào lồng cũi”, Peter Vesterbacka, một trong những nhà sáng tạo trò chơi Angry Birds, cho biết.
Các nhà tổ chức biểu tình hy vọng sẽ thu hút 15.000 người, tuy nhiên đến ngày 13/7, chỉ có 2.200 người xác nhận trên Facebook rằng họ sẽ tham gia, quy mô nhỏ hơn cuộc biểu tình chống ông Trump trong chuyến công du nước Anh của ông.
“Đối với Tổng thống Trump, chúng tôi phản đối chiến tranh thương mại và muốn nói rằng ‘Hãy làm nước Mỹ trao đổi hàng hóa trở lại’. Đối với Tổng thống Putin, thông điệp của chúng tôi là ‘Hãy ngừng đóng quân trái phép ở Ukraine’”, lãnh đạo nhóm thanh niên của đảng Liên hiệp Dân tộc cánh hữu, Henrik Vuornos, nói với AFP.
Tổng thống Trump gặp gỡ Tổng thống Putin tại hội nghị G20 ở Đức năm 2017. Ảnh: Getty. |
Bầu không khí bồn chồn, không chắc chắn
Thành phố Helsinki từ lâu đã là “điểm hẹn” để Moscow và Washington tới giải quyết bất hòa. Cựu tổng thống George H.W. Bush và lãnh đạo Mikhail Gorbachev từng gặp mặt tại đây để thảo luận chiến tranh Iraq - Kuwait. Tương tự, Helsinki cũng từng đăng cai tổ chức hội nghị đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo Bill Clinton và Boris Yeltsin về kiểm soát vũ khí và mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tuy nhiên, có lẽ thành tựu ngoại giao lớn nhất của thành phố này là hội nghị năm 1975 đưa Liên Xô, Mỹ và 33 nước khác lại gần để xoa dịu căng thẳng Chiến tranh Lạnh. Đối thoại thiện chí giữa các bên đối lập được thể hiện bằng cụm từ “tinh thần Helsinki”, và đến nay, tinh thần hòa hoãn này vẫn có tác động lớn tới chính sách ngoại giao của Phần Lan.
“Chúng tôi được chọn vì chúng tôi có kinh nghiệm và là một trong số ít những nơi trên thế giới có khả năng tổ chức hội nghị an toàn, hiệu quả dù được thông báo gấp”, Jan Vapaavuori, thị trưởng Helsinki, cho biết. “Dù có chuyện gì xảy ra giữa Trump và Putin, bạn cũng không thể ca ngợi hay đổ lỗi cho Helsinki. Tất cả những gì chúng tôi làm là cung cấp địa điểm tốt cho hội nghị”.
Ngoài những chủ đề rộng như Syria, Ukraine và vũ khí hạt nhân, hiện chưa có chi tiết cụ thể về cuộc nội dung hội nghị. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng có lẽ nhân quyền sẽ không nằm trong chương trình nghị sự.
Theo quan sát của Alpo Rusi, cố vấn chính sách ngoại giao của cựu tổng thống Phần Lan Martti Ahtisaari trong hội nghị 1997, hội nghị sắp tới là dịp để các bên thăm dò những lĩnh vực có tiềm năng hợp tác, mở rộng đàm phán trong tương lai. Dù nhận định đây là bước đi tích cực trong bối cảnh hai nước căng thẳng, ông Rusi cho rằng mối quan ngại chính vẫn là kết quả cuối cùng.
“Năm 1997, chúng ta biết các bên muốn gì. Nhưng giờ chúng ta không có được điều đó. Không ai thực sự biết ông Trump muốn gì từ hội nghị này”, Rusi nói.