Câu chuyện làm vợ đau lòng của người phụ nữ Ấn Độ được tờ Dân Việt cho hay:
Ấn Độ vốn là quốc gia còn nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ. Nỗi thống khổ vì bị phân biệt đối xử và bạo lực mà phụ nữ nước này phải chịu đựng vẫn trở thành nỗi ám ảnh luôn thường trực. Những vụ án nổi tiếng được đề cập trong loạt bài “Phụ nữ Ấn Độ và nỗi ám ảnh về bạo hành, hiếp dâm” sau đây sẽ phần nào hé lộ cuộc sống đọa đày của không ít phụ nữ tại đất nước này.
Cô sinh được ba cậu con trai nhưng không thể biết chính xác ai là bố những đứa trẻ đó. |
Kiếp vợ chung
Munni đến làm dâu ở một làng thuộc thành phố Baghpat, bang Uttar Pradesh - vùng đất màu mỡ đang phát triển mạnh ngành công nghiệp mía đường ở phía bắc Ấn Độ ấy khi còn là một thiếu nữ. Cũng như nhiều phụ nữ khác, tuy là bị bán tới đây trong 1 cuộc hôn nhân bị ép buộc, bản thân không biết chồng mình và những người bên nhà chồng là ai nhưng Munni luôn tậm niệm sẽ hết lòng vì gia đình mới của mình.
Tuy nhiên, trái ngược hẳn với mong muốn đơn giản đó, sau khi các nghi thức hôn lễ kết thúc, chưa kịp hưởng một giây phút hạnh phúc thì cô đã nhận ra phải đối mặt với một cuộc sống ê chề ngoài sức tưởng tượng.
Khi được gia đình chồng thông báo rằng cô sẽ phải thực hiện nghĩa vụ làm vợ và mang thai với cả 2 người anh em khác nữa bên chồng, bởi họ không thể tìm được vợ, bầu trời như sụp đổ dưới chân cô dâu mới.
Ngồi tại một trung tâm cộng đồng ở thành phố Baghpat, Munni đau xót kể lại: “Chồng và cha mẹ chồng nói rằng tôi phải làm vợ chung của ba anh em nhà chồng”.
"Họ đã đưa tôi bất cứ khi nào họ muốn - ngày hay đêm. Khi tôi chống cự, họ đánh tôi bằng bất cứ thứ gì trong tầm tay", Munni nói. Nhớ lại những ngày tháng ấy, Munni không khỏi rùng mình khi ký ức về những trận đòn ác độc khi cô không cam chịu cảnh vợ chung hiện về. Cô kể lại: “Thỉnh thoảng họ đạp tôi ra khỏi nhà và bắt tôi ngủ ngoài trời. Chưa hết, họ còn đổ dầu hỏa lên mình tôi và châm lửa đốt…”.
Sau những năm tháng chịu cảnh làm vợ chung cho ba anh em bên chồng, Munni đã nhiều lần tự tử nhưng bất thành. Cô sinh được ba cậu con trai nhưng ngay cả bản thân cô cũng không thể biết chính xác ai là bố những đứa trẻ đó.
Cuộc chạy trốn khỏi địa ngục
Munni sinh ra và lớn lên trong một gia đình rất nghèo. Tuổi thơ cô trôi qua trong đói rách, cơ cực. Vì thế, gia đình cô đã đồng ý bán con gái với giá 15.000 rupi (hơn 5 triệu VND). “Bằng cách này, bố mẹ tôi vừa có 1 khoản tiền lại vừa bớt đi một khoản hồi môn đáng kể cho gia đình thông gia theo tục lệ”, Munni nói.
Tuy nhiên, gia đình ông Kansas – người đứng ra mua Munni về làm vợ cho con trai cũng nghèo không kém. Họ không thể cưới vợ cho con và phải dùng tiền để mua cô dâu từ những vùng lân cận. Ngoài ra, đây cũng là một cách để dễ dàng chia phần thừa kế. Vậy là, ông Kansas quyết định lấy vợ chung cho 3 cậu con trai đang tuổi lớn của mình.
Ba tháng bị hành hạ sau khi lấy chồng, Munni kiệt sức và phải đi khám bệnh. Tại đây, cô được bác sĩ khuyên nên chạy trốn khỏi nơi địa ngục trần gian ấy đồng thời tố cáo những kẻ đã làm hại mình. Tuy nhiên, Munni không đủ dũng khí và quyết tâm để thực hiện việc đó.
Những năm sau đó, cô tiếp tục cuộc sống làm vợ chung và sinh con cho nhiều người đàn ông trong một gia đình, bị bố chồng, chồng và 2 người anh em chồng hành hạ. Nhiều lần cô định chấm dứt cuộc sống này bằng cách đứng lên tố cáo với cảnh sát nhưng Munni lại không có nhiều cơ hội vì không được phép đi ra ngoài mà không có người nhà đi theo.
Cuối cùng, không thể chịu được sự hành hạ, Munni đã tìm đến cầu cứu trung tâm cứu trợ cộng đồng. Tại đây, cô được bảo vệ an toàn và đã làm đơn gửi tới cảnh sát. Gia đình chồng Munni sau đó đã bị bắt giữ.
“Tôi phải thay đổi cuộc sống của mình và các con”, Munni nói về quyết định của mình.