Trên con phố nhộn nhịp bậc nhất thành phố Thượng Hải, một ngôi biệt thự sừng sững gây sự chú ý của người đi đường không chỉ bởi đó là tòa nhà cao nhất ở đây mà còn gợi lên hình ảnh những năm 30 của thế kỷ trước.
Trong nhiều năm, mặt tiền hoành tráng của tòa biệt thự cũng đủ để thể hiện sự vượt trội của chủ nhân, vốn là trùm mafia nức tiếng nhất lịch sử Thượng Hải trong vương quốc cờ bạc, mại dâm, bắt cóc, tống tiền, buôn bán ma túy.
Đỗ Nguyệt Sinh được mô tả là một ông trùm thuốc phiện, thủ lĩnh mafia hung hăng, điên cuồng và có quyền lực khủng khiếp. |
Tuổi thơ dậy sóng
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở làng Cao Kiều, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc năm 1887, Đỗ Nguyệt Sinh mất mẹ khi mới bốn tuổi, ngay sau khi sinh em gái hắn. Sự nghèo đói mà gia đình phải đối mặt đã khiến người cha phải cho đi đứa con gái này. Tuy nhiên, bi kịch không dừng lại ở đó. Cha của Đỗ Nguyệt Sinh chết một năm sau đó trong một mùa đông khắc nghiệt rồi khi lên chín, người mẹ kế cũng biến mất do nghi bị bắt cóc.
Năm 14 tuổi, Đỗ Nguyệt Sinh đến Thượng Hải, làm việc tại một cửa hàng bán hoa quả. Trong thời gian này, Đỗ Nguyệt Sinh gặp gỡ và nhanh chóng kết thân với Trần Thế Xương của Thanh Bang.
Lúc bấy giờ, Trần Thế Xương là người cầm đầu đám lưu manh ở khu cửa Đông của Thượng Hải. Nhờ mối quan hệ với Trần Thế Xương, Đỗ Nguyện Sinh có được cơ hội vào làm việc cho Hoàng Kim Vinh - “đầu não” của Thanh Bang tại Thượng Hải lúc bấy giờ. Công việc của hắn là giám sát mọi hoạt động cờ bạc, bán dâm và bảo kê.
Sự nghiệp của Đỗ lên như diều gặp gió dưới sự giúp đỡ của người vợ quyền lực của Hoàng Kim Vinh, cũng là nhân vật có quyền lực trong giới xã hội đen Thượng Hải. Người đàn bà này đã phát hiện ra tiềm năng của Đỗ sau khi anh ta bí mật giúp ả một thương vụ mua bán thuốc phiện.
“Diều gặp gió”
Đến năm 1924, Đỗ Nguyệt Sinh chính thức trở thành nhân vật số 1 của thế giới ngầm Bến Thượng Hải sau khi Hoàng Kim Vinh bị cánh quân đội bắt giữ vì một cuộc đụng độ. Lúc bấy giờ, Đỗ đã tìm cách cứu Hoàng Kim Vinh ra khỏi chốn lao tù. Từ đó, Hoàng và Đỗ cùng nhau nắm giữ vị trí đầu lĩnh.
Năm 1925, Đỗ Nguyệt Sinh thành lập Công ty Sanxin, lũng đoạn thị trường vận chuyển và buôn bán thuốc phiện Thượng Hải. Từ đây, Đỗ Nguyệt Sinh cùng với Hoàng Kim Vinh, Trương Tiêu Lâm trở thành “ba ông trùm của Thượng Hải”.
Việc kinh doanh thuận lợi, hắn bắt đầu mở rộng mạng lưới của mình.
Một nhà báo người Anh làm việc tại Thượng Hải vào thời điểm đó, đã mô tả Đỗ là “Vua của thế giới ngầm, là ông trùm thuốc phiện, thủ lĩnh mafia hung hăng, điên cuồng và có quyền lực khủng khiếp”.
Hắn cũng nổi tiếng với nguyên tắc bất di bất dịch không làm tổn hại đến phụ nữ và độ hào phóng thì có thừa. Trong số những người bạn của Đỗ, có đủ mọi thành phần, từ những lãnh chúa, chính trị gia, người nổi tiếng và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Khi bạn bè của mình cần vốn vay, hắn luôn sẵn sàng giúp đỡ họ. Noài ra, hắn còn thành lập một trường học và làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc trong Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai.
Tuy nhiên, Đỗ Nguyệt Sinh chỉ thực sự trở thành ông trùm thống trị Thượng Hải khi Hoàng Kim Vinh bị cảnh sát Thượng Hải bắt. Sau khi nắm được thế lực từ Hoàng Kim Vinh, Đỗ Nguyệt Sinh thực sự trở thành ông trùm lớn nhất tại Thượng Hải. Thế lực của Đỗ Nguyệt Sinh gần như bao trùm mọi lĩnh vực tại Thượng Hải và người ta bắt đầu gọi Đỗ là “hoàng đế Thượng Hải”.
Ngày tàn của “Hoàng đế Thượng Hải”
Đỗ Nguyệt Sinh vốn có quan hệ thân thiết với Tưởng Giới Thạch. Hai bên thiết lập liên minh chính trị trong những năm 1920. Thanh Bang của Đỗ Nguyệt Sinh ủng hộ tài chính và vũ khí cho Chính phủ Quốc dân. Để trả công, Đỗ được quyền kiểm soát toàn bộ thị trường thuốc phiện toàn Trung Hoa.
Tuy nhiên, quan hệ giữa 2 bên ngày càng xấu đi sau Thế chiến II, khi nạn tham nhũng và tội ác của các chính trị gia cao cấp và các băng đảng xã hội đen ngày càng đe dọa nghiêm trọng đến nội bộ Quốc dân đảng. Con trai Tưởng Giới Thạch là Tưởng Kinh Quốc tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng tại Thượng Hải cuối những năm 1940, và những người thân của Đỗ nằm trong số người bị bắt đầu tiên.
Việc chính quyền Quốc dân Đảng bỏ tù con trai Đỗ là dấu chấm hết cho “sự hợp tác” giữa Tưởng và Đỗ.
Năm 1949, Quốc dân Đảng thất bại trong cuộc nội chiến với Đảng Cộng sản, phải chạy ra Đài Loan. Tuy nhiên, Đỗ Nguyệt Sinh không chạy theo chính quyền Quốc dân Đảng mà bỏ sang Hồng Kông.
Năm 1951, ở độ tuổi 70, khi bắt đầu trở nên mù lòa, Đỗ Nguyệt Sinh có mong muốn cháy bỏng là được trở về đại lục nhưng không thể thành hiện thực. Đỗ chết vì bệnh tật ở Hồng Kông năm đó. Trong những năm tháng cuối đời, ông trùm quyền lực này đã đốt hết tất cả các giấy tờ ghi lại mọi khoản tiền nợ và chỉ để lại 100.000USD cho gia đình. Mặc dù muốn được chôn ở quê nhà, nhưng linh hồn Đỗ cuối cùng vẫn phải lưu vong nơi đất khách quê người.