Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), con trai và phi tần của hoàng đế Trung Hoa đầu tiên, Tần Thủy Hoàng, bị thảm sát trong một trong những cuộc thanh trừng và nổi dậy lớn nhất của nông dân Trung Quốc.
Phác họa khuôn mặt con trai và phi tần của Tần Thủy Hoàng. |
Các nghiên cứu tìm thấy hài cốt bị phân xác của người phụ nữ khoảng 20 tuổi trong tổ hợp khoang 100 ngôi mộ ở lăng mộ của hoàng đế Tần Thủy Hoàng ở Tây An, Trung Quốc.
Đây chỉ là một trong số hàng loạt hài cốt phụ nữ trẻ trong lăng mộ. Dựa theo phân hạng và đồ mai táng tìm thấy, nhóm khảo cổ cho rằng họ có thể là phi tần và người hầu của hoàng đế. Một số hài cốt bị phân xác và đặt bên ngoài hành lang dẫn tới mộ thất được cho là chứa thi thể của các phi tần.
Các nhà nghiên cứu suy đoán những phụ nữ bị giết theo nghi thức cúng tế sau cái chết của hoàng đế Trung Quốc. Bằng chứng là những người hành quyết dường như không bận tâm tới tuổi tác hay tước vị.
Nhóm khảo cổ phục dựng gương mặt của một phụ nữ có tước vị cao trong mộ, có thể là phi tần của vị hoàng đế này.
Đội quân đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng. |
Nhóm nghiên cứu còn tìm thấy hộp sọ của người đàn ông từ cụm mộ tách biệt ở làng Shangjiao thuộc vùng ngoại vi phía đông lăng mộ. Một đầu mũi tên bằng đồng cắm vào xương thái dương bên phải gần đáy sọ. Đầu và tứ chi bị chặt khỏi cơ thể và đặt trên nắp rương đựng kho báu trong quan tài.
Hài cốt của những người đàn ông và phụ nữ trẻ khác trong các ngôi mộ gần đó cũng bị phân xác theo cách tương tự. Họ được chôn cùng với nhiều đồ tạo tác quý giá, bao gồm gốm sứ, trang sức ngọc bích, lụa, kiếm đồng, đồ bạc và vàng thỏi.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng số hài cốt này có thể là thành viên hoàng tộc, bị sát hại trong cuộc thanh trừng quy mô lớn xảy ra không lâu sau khi hoàng đế Tần Thủy Hoàng qua đời.
Người đàn ông có thể là chính là con trai Tần Thủy Hoàng, khoảng 30 tuổi, có đôi mắt hình hạnh nhân và cánh mũi to. Li Kang, phó giáo sư tại Trường Khoa học và Công nghệ Thông tin thuộc Đại học Đông Bắc, Tây An, rất tin tưởng vào kết quả này.
Nhưng điều này cũng làm dấy lên nhiều tranh cãi giữa các nhà khảo cổ. Hai gương mặt, đặc biệt là chân dung người phụ nữ, thể hiện sự khác biệt chủng tộc so với kiểu mặt đặc trưng của người Hán. Một số nhà nghiên cứu suy đoán người phụ nữ có gốc gác phương Tây, có thể là người Ba Tư hoặc châu Âu.
Sau thống nhất Trung Hoa, lên ngôi hoàng đế, Tần Thủy Hoàng không sắc phong hoàng hậu mà lựa chọn rất nhiều thiếu nữ xinh đẹp trong cả nước làm phi tần.
Những phi tần này hạ sinh khoảng 40 hoàng tử và công chúa, theo sử gia nổi tiếng Tư Mã Thiên.
Các sử gia Trung Quốc cho rằng, tổng cộng hơn 30 người con trai và con gái của Tần Thủy Hoàng bị thảm sát sau khi hoàng đế qua đời. Sử ký của Tư Mã Thiên ghi chép 10 công chúa phải chịu cảnh phanh thây.
Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng ở tây bắc tỉnh Thiểm Tây là lăng mộ lớn nhất thế giới cho đến nay. Các cấu trúc trên mặt đất và dưới lòng đất trải rộng hơn 56 km2, gấp 78 lần Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh.
Lăng mộ nổi tiếng thế giới với đội quân đất nung mà các nhà khảo cổ đã khai quật. Nhưng kiến trúc cốt lõi là gò đất hình kim tự tháp cao 76 m, chứa quan tài của hoàng đế và kho báu thì hầu như chưa được khám phá.