Ông Nguyễn Văn Thoại (64 tuổi, ngụ tại xã Thanh Hòa, TX Cai Lậy, Tiền Giang) được dân chơi kiểng biết đến là người có vườn cây kiểng giá trị bậc nhất cả nước với những sản phẩm có một không hai.
Ông Thoại bên gốc cây tiền tỷ (Ảnh: Nguyễn Cường). |
Ông Thoại cũng được biết là người đầu tiên phát động phong trào trồng tùng kiểng từ những năm 90 của thế kỷ trước, để có làng tùng Cai Lậy nổi tiếng như bây giờ.
"Xưa tôi làm gỗ, nhưng rồi thua lỗ, tai nạn nên năm 1990 thì chuyển qua làm cây kiểng. Hồi đó có hơn nghìn mét vuông vườn cây ăn trái, tôi phá đi rồi đi khắp nơi tìm giống tùng mang về trồng. Cha mẹ cấm cản dữ lắm vì xưa nay không ai làm thế cả" - ông Thoại kể.
Ban đầu không có kinh nghiệm nên ông khởi nghiệp không dễ dàng, nhưng càng lâu, việc càng thuận. Ông tính, mỗi mét vuông trồng một cây tùng thì sau 10 năm, tiền cây đã đắt hơn tiền đất.
"Giờ tôi có mấy khu vườn, cả đất thuê cả đất nhà là hơn 30.000m2", vừa tập tễnh đi vì một chân bị di chứng tai nạn, ông Thoại vừa kể về cơ duyên đổi nghề, thành tỷ phú của mình.
Mỗi khu vườn của ông Thoại có một chức năng riêng, chuyên biệt như quy trình công nghiệp. Cây tùng được ông Thoại ươm từ hạt, cây lớn sẽ được chuyển đến một vườn khác để tạo tác, cây thành phẩm lại được chuyển đến một vườn khác để chăm sóc.
Trong vườn ông Thoại có hơn 40 cây cổ thụ có giá trị hàng trăm triệu trở lên (Ảnh: Nguyễn Cường). |
Tùng là loại cây kiểng đắt nhất, khi nào cũng có nhu cầu lớn mà không lo mùa vụ. Những cây thành phẩm trong vườn của ông Thoại đều có giá cả trăm triệu đồng. Những cây hơn 20 năm thì có giá cả tỷ đồng, thậm chí 4 - 5 tỷ đồng cũng có.
Ban đầu chỉ có mình ông Thoại trồng tùng kiểng, đến sau năm 2000 thì nhiều người bắt đầu làm theo, người này truyền người kia.
Những cây tùng hoàn thiện dù kích thước không lớn nhưng có giá rất cao vì trồng lâu năm, thế của cây rất đẹp (Ảnh: Nguyễn Cường). |
"Trung bình một năm, mỗi cây tăng thêm một triệu đồng, có những cây giá năm sau đã gấp đôi năm trước. Giờ làng tùng Cai Lậy là nổi tiếng cả nước, được xếp là một trong 4 làng trồng kiểng lớn nhất miền Tây rồi", ông Thoại cho biết.
Ngoài tùng, ông Thoại cũng có một khu vườn chỉ chăm sóc cổ mộc, dị mộc mua từ các nơi về. Những cây lớn phải 4, 5 người mới ôm xuể, có những cây, bộ đế đồ sộ rộng hàng chục mét vuông độc nhất vô nhị. Khu vườn trông không khác một khu rừng với cây lớn, cây nhỏ chen chân.
Những cây lớn có bộ đế rộng đến 20m2 (Ảnh: Nguyễn Cường). |
"Tính riêng cây có giá từ 500 triệu đồng đến hàng tỷ đồng, tôi có trên 40 cây. Tổng số tiền kiểng trong vườn là khoảng 60, 70 tỷ đồng chứ không ít hơn được", ông Thoại bày tỏ sự thành công của mình.
Vườn tùng trị giá hàng chục tỷ đồng của ông Thoại (Ảnh: Nguyễn Cường). |
Ông Lê Bá Sanh, một người trong vùng cũng học nghề từ ông Thoại, nay đã thành tỷ phú, mua được nhà đất ở TPHCM cho biết, trong vùng giờ có rất nhiều nhà vườn chặt cây ăn trái chuyển sang trồng kiểng. Giá trị cây kiểng lớn, lại ổn định đầu ra nên không ít người trong vùng chỉ sau mấy năm trở nên khá giả.