Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, đều cho rằng, việc triệt phá các đại án kinh tế góp phần làm cho thị trường kinh doanh của Việt Nam được lành mạnh hơn, triệt để thu hồi tài sản cho ngân sách Nhà nước, cảnh báo, răn đe góp phần làm ổn định nền kinh tế.
Một số bị can vụ án Tập đoàn Phúc Sơn. |
Xử lý triệt để các đại án kinh tế sẽ làm ổn định nền kinh tế
Thời gian qua, Bộ Công an triệt phá nhiều đại án kinh tế, mới nhất là hai vụ Thuận An, Phúc Sơn. Việc này tác động tích cực đến nền kinh tế như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Như Tiến: Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Bộ Công an đã trực tiếp vào cuộc phanh phui các vụ án kinh tế lớn như Thuận An, Phúc Sơn, Sài Gòn - Đại Ninh, hoặc trước đó là Vạn Thịnh Phát - SCB…Tôi cho rằng, việc này góp phần làm ổn định nền kinh tế.
Trước đây, có luồng ý kiến cho rằng, nếu cứ phanh phui vụ án kinh tế, xử lý nghiêm, xử lý mạnh thế này sẽ không còn ai dám làm việc. Tuy nhiên, đó chỉ là quan điểm của số ít. Những quan chức, doanh nghiệp làm ăn chân chính, không đưa, nhận hối lộ, không móc nối trục lợi thì làm sao phải sợ. Cái sợ lớn nhất thời gian qua chính là những kẻ tham nhũng, trục lợi đã băng hoại đạo đức, móc nối đưa, nhận hối lộ, làm ảnh hưởng ổn định và phát triển của nền kinh tế.
Trong hai vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An, Tập đoàn Phúc Sơn, các doanh nghiệp đã hối lộ, mua chuộc, lợi dụng người có chức vụ, quyền hạn từ mối quan hệ thân quen rồi gây lũng đoạn thị trường, thiệt hại ngân sách Nhà nước.
Các doanh nghiệp năng lực vừa phải nhưng đã trúng những gói thầu trị giá hàng nghìn tỷ đồng tại nhiều địa phương trên cả nước, trong khi nhiều doanh nghiệp lớn có năng lực cũng không nhận được dự án lớn đến như thế.
Theo tôi, việc triệt phá đại án kinh tế mang lại nhiều tích cực đối với nền kinh tế khi vừa cảnh báo, răn đe, đồng thời thu hồi triệt để tài sản về cho Nhà nước. Mỗi đại án kinh tế như Vạn Thịnh Phát - SCB, chúng ta thu hồi hàng trăm nghìn tỷ bằng tiền và các bất động sản, tài sản khác. Hay vụ Tập đoàn Phúc Sơn, đến nay, cơ quan điều tra thu giữ trên 300 tỷ đồng, gần 2 triệu USD, trên 500 lượng vàng và hơn 1.000 sổ đỏ các loại.
Ông Lê Như Tiến. |
Có thể khẳng định, việc triệt phá các đại án kinh tế góp phần làm ổn định nền kinh tế chứ không phải như ai đó nói phòng, chống tham nhũng làm ảnh hưởng kinh tế. Nếu doanh nghiệp làm nghiêm chỉnh, làm tốt, không hối lộ tham nhũng, làm sao phải đứng trước vòng lao lý, kỷ luật.
Trước thực trạng doanh nghiệp sai phạm lớn như thế, chúng ta có để im được không, hay phải làm nghiêm chỉnh để đạt mục tiêu trong sạch đội ngũ, cảnh báo, lấy lại niềm tin của Nhân dân và thu hồi tài sản do tham nhũng mà có, góp phần ổn định kinh tế xã hội, trật tự an toàn xã hội.
Liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố 23 bị can; với Tập đoàn Phúc Sơn đầu tư 21 dự án, đang tập trung điều tra, truy tố các sai phạm tại dự án ở Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi.
Với vụ án Thuận An, cơ quan Công an khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can và bị can mới nhất là Dương Văn Thái, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Bộ Công an đã triệt phá nhiều vụ án kinh tế lớn, góp phần làm cho thị trường kinh doanh của Việt Nam lành mạnh hơn. Các hành động vi phạm luật pháp trong kinh doanh kinh tế chắc chắn bị kiềm chế. Doanh nghiệp có ý định làm sai phải dè dặt. Đó là tác động tích cực.
Mặt khác, cũng cho thấy rõ, khung pháp luật của Việt Nam hiện còn có nhiều chồng chéo, trùng lắp, có mâu thuẫn. Có doanh nghiệp nói rằng, họ dựa theo điều này của luật này như Luật Đầu tư, nhưng lại bị truy xét vì có liên quan Luật Đất đai…
Tôi nghĩ, trong bối cảnh đó, Nhà nước nên tổ chức những cuộc tọa đàm, mời chuyên gia về pháp luật, kinh tế cùng doanh nghiệp đối thoại để tích cực sửa đổi, hoàn chỉnh khung pháp luật, làm cho môi trường kinh doanh của Việt Nam công khai, minh bạch, rõ ràng, tạo điều kiện doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Từ đầu năm đến nay, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra 2.100 vụ với 4.211 bị can; truy tố 2.030 vụ với 4.042 bị can; xét xử sơ thẩm 1.686 vụ với 3.198 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Trong đó, khởi tố mới 285 vụ án, 646 bị can về tội tham nhũng.
Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, đã khởi tố mới 2 vụ án với 8 bị can, khởi tố thêm 135 bị can trong 7 vụ án; kết luận điều tra 3 vụ án với 318 bị can; kết luận điều tra bổ sung 2 vụ án với 10 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 2 vụ án với 304 bị can; xét xử sơ thẩm 5 vụ án với 140 bị cáo; xét xử phúc thẩm 2 vụ án với 9 bị cáo.
Cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra, kiên quyết xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, tiêu cực, phức tạp, xảy ra đã lâu, liên quan nhiều bộ, ngành, địa phương, như: Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An; hoàn thành kết luận điều tra, ban hành cáo trạng truy tố vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm một số địa phương và vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC; hoàn thành xét xử sơ thẩm 2 vụ án trọng điểm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và Tập đoàn Tân Hoàng Minh, mức án rất nghiêm khắc cũng rất nhân văn. Trong đó, lần đầu tiên tuyên phạt tử hình một bị cáo là chủ doanh nghiệp tư nhân về tội "Tham ô tài sản".
Niềm tin “sau cơn mưa, trời lại sáng”
Việc triệt phá các đại án kinh tế trên không chỉ góp phần làm ổn định nền kinh tế mà còn mang lại niềm tin đối với người dân, chuyên gia có ý kiến thế nào?
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Triệt phá những đại án kinh tế mang lại niềm tin rất lớn, không chỉ với người dân, mà còn với cộng đồng doanh nghiệp.
Sau mỗi đại án, các cơ quan chức năng khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội, góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, xây dựng đội ngũ cán bộ, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Đồng thời, nó góp phần từng bước làm lành mạnh hóa các quan hệ kinh tế, thị trường tài chính, tiền tệ và giá cả một số mặt hàng quay về giá trị thực..., đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP của đất nước những năm qua.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh |
Ông Lê Như Tiến: Công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước giúp lấy lại niềm tin của Nhân dân, không để cho sâu mọt đục khoét ngân sách quốc gia, đó chính là tiền thuế của người dân đóng góp. Qua việc triệt phá các đại án kinh tế, chúng ta triệt để thu hồi tài sản do tham nhũng mà có, trả lại cho ngân sách Nhà nước.
Đồng thời, hoạt động này cũng góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước, vừa cảnh báo đối với quan chức, cán bộ có ý định “nhúng chàm”, cảnh báo răn đe, phòng ngừa tham nhũng, loại trừ sâu mọt trong đội ngũ quản lý.
Những vụ án trên cho thấy, đều có người đảm nhận chức vụ, quyền hạn tham gia, xem một số doanh nghiệp như “sân sau” để nâng đỡ, tạo điều kiện, thậm chí ưu ái chỉ định thầu, chứ không theo quy định của Luật Đấu thầu.
Theo quy định, chỉ định thầu là những trường hợp đặc biệt, hội tụ đủ các yếu tố do luật quy định hoặc cấp có thẩm quyền chỉ định, chứ không phải chỉ định thầu một cách tràn lan như thế, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước. Chúng ta thấy rõ ràng đó là “sân sau” của những cán bộ này.
Tôi đánh giá cao sự phối hợp nhịp nhàng của Cơ quan điều tra của Bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Đồng thời, các phương tiện thông tin truyền thông đưa tin rất kịp thời để người dân hiểu rõ hơn thành quả của công cuộc phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch đội ngũ, đem lại niềm tin trong Nhân dân.
Công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt và đúng tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ để rung tiếng chuông cảnh báo đổi với những người có ý định bao che, đi đêm với doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp đi đêm với quan chức, khi bị phanh phui sẽ bị xử lý, mang tính răn đe cao.
Xin cảm ơn các chuyên gia về cuộc trao đổi trên!
Kỷ lục số tài sản thu hồi vụ Vạn Thịnh Phát - SCB
Ngày 11/4, TAND TP HCM tuyên bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) mức án tử hình về các tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Tham ô tài sản và Đưa hối lộ. Bà Trương Mỹ Lan bị tòa buộc bồi thường gần 674.000 tỷ đồng cho SCB.
Đối với 1.122 mã tài sản đang thế chấp tại SCB, Hội đồng xét xử đề nghị SCB phối hợp C03 - Bộ Công an để xác minh tài sản nào là của bị cáo Trương Mỹ Lan thì xử lý để đảm bảo việc thi hành án.
Căn biệt thự cổ tại 110 - 112 Võ Văn Tần hiện chưa thu giữ được sổ đỏ, Hội đồng xét xử cho rằng, cổ đông công ty sở hữu tòa nhà này thực chất là con cháu của Trương Mỹ Lan nên đây là tài sản của bị cáo Lan và tuyên tiếp tục kê biên để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn.
Tòa nhà ở 75 Nguyễn Huệ mà Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cho SCB thuê, Hội đồng xét xử xác định đây là tài sản của Trương Mỹ Lan, nên tuyên tiếp tục kê biên nhằm đảm bảo nghĩa vụ thi hành án. Các bất động sản tại các quận 1, 7, 4, Phú Nhuận… cũng được tuyên tiếp tục kê biên để đảm bảo nghĩa vụ dân sự của bị cáo.
Công ty Cổ phần TH Hạ Long và Công ty Âu Lạc đã nhận từ Trương Mỹ Lan hơn 6.090 tỷ đồng để chuyển nhượng 18 triệu cổ phần. Bị cáo Lan có nghĩa vụ phải thực hiện, tiền bị cáo đưa cho 2 công ty trên là tiền từ SCB. Hội đồng xét xử cho rằng phải thu hồi 6.090 tỷ đồng về cho SCB.
Trước đó, quá trình điều tra vụ án, Bộ Công an thu giữ hơn 590 tỷ đồng, gần 15 triệu USD của bà Trương Mỹ Lan và nhiều tổ chức, cá nhân. Trong đó, có 14,5 triệu USD bà Lan đưa cho Tạ Hùng Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Greenhill Village, để nhận chuyển nhượng Dự án Greenhill Quy Nhơn do Việt làm chủ đầu tư; Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương tự nguyện chuyển gần 415 tỷ đồng - một phần trị giá trong tổng số hơn 120 triệu cổ phần công ty mà bà Lan đã giao cho các cá nhân nắm giữ gần 70% vốn điều lệ...
Các cơ quan tố tụng cũng phong tỏa 42 tài khoản của các bị cáo và cá nhân đứng tên hộ - tổng cộng gần 1.900 tỷ đồng và hơn 8,4 triệu USD; ngăn chặn giao dịch đối với số dư gần 790 tỷ đồng trong tài khoản mở tại SCB của Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương.
1.237 bất động sản liên quan trực tiếp bà Lan đã bị kê biên, bao gồm hàng loạt tòa nhà ở quận 1, 3, 5...; 8 bất động sản của Công ty TNHH u Lạc Quảng Ninh (tại tỉnh Quảng Ninh) liên quan thỏa thuận hợp tác của bà Trương Mỹ Lan với Tập đoàn Tuần Châu; 857 triệu cổ phần của bà Lan và các cá nhân đứng tên hộ tại SCB; hơn 137 triệu cổ phần 5 công ty của các pháp nhân, cá nhân đứng tên hộ bà Lan; một du thuyền, 2 tàu, 19 ôtô…
Trong giai đoạn truy tố, cơ quan chức năng thu giữ thêm từ các bị cáo gần 55,5 tỷ đồng và quá trình xét xử các bị cáo đã nộp tiếp 73 tỷ đồng.