Hướng đi mới
Khai trương vào cuối tháng 12, Sojo Hotel Ga Hanoi nằm trong chuỗi khách sạn do doanh nghiệp Việt Nam phát triển khai trương trong bối cảnh dịch bệnh. Trong khi các khách sạn đang gặp khó, thậm chí đóng cửa thì chuỗi khách sạn này lại đồng loạt mở rộng thị trường tại Nam Định, Thái Bình và Bắc Giang.
Ông Nguyễn Bá Luân, Tổng giám đốc Sojo Hotels, cho biết, "vũ khí chiến lược" là mô hình khách sạn thuận ích không điểm chạm, dựa trên nền tảng công nghệ mới nhất, nhằm phục vụ tốt nhu cầu khách hàng.
Khi đến lưu trú, khách hàng lần lượt thực hiện hành trình không chạm: check-in online, gửi đồ tự động. Vào trong phòng, khách hàng tùy ý điều chỉnh hệ thống âm thanh, ánh sáng, nhiệt độ, đổi màu cabin tắm, kéo rèm... thông qua app.
Khách sạn đồng thời thiết lập mô hình nhân viên đa năng, đa nhiệm, có thể linh hoạt đảm nhận các vị trí từ lễ tân, bartender hay trở thành hướng dẫn viên địa phương.
Khách sạn chuyển đổi số vượt qua đại dịch (Ảnh:D.A) |
Cũng khai trương trong năm 2021, Wink Hotels là một thương hiệu 'made in Vietnam' dành cho người Việt. Bà Hoa Phạm, đại diện khách sạn, cho biết, mô hình khách sạn thông minh cho phép khách được nhận phòng bất kỳ thời điểm nào và tính theo 24h, chứ không ràng buộc phải check-out trước 12h giờ trưa như truyền thống.
Nhờ công nghệ mà các chương trình thẻ hội viên cũng rất đa năng, như khách có thể sử dụng các dịch vụ trong hệ thống, tích hợp quyền lợi với các đối tác của cơ sở lưu trú như giảm giá bữa ăn, gọi xe công nghệ... "Công nghệ được áp dụng trong trải nghiệm du lịch mang đến một phong cách mới và xu hướng này đang ngày càng phổ biến", bà nói.
Theo kế hoạch, các dự án sẽ được triển khai tại Đà Nẵng, Cần Thơ, Hà Nội; quy mô rộng khắp Việt Nam lên đến hơn 20 khách sạn trong 10 năm tới.
Tại Alma Resort, nhằm tăng cường tối đa giao tiếp không chạm giữa khách và nhân viên, Alma cũng đã nâng cấp ứng dụng di động, mở thêm tính năng thanh toán, cho phép khách thanh toán hóa đơn không dùng tiền mặt, cũng như tiếp cận các thông tin về thời tiết theo thời gian thực nhờ vào việc lắp đặt camera thời tiết trực tiếp trên bãi biển của khu nghỉ dưỡng.
Dịch vụ cách ly
Theo báo cáo của Savills khảo sát từ năm 2001 đến năm 2019, lượng khách quốc tế giảm 8% trong dịch SARS vào năm 2003, giảm 12% trong khủng hoảng tài chính toàn cầu (GFC) năm 2009 và đại dịch Covid-19 cũng không ngoại lệ.
Báo cáo quý 3 năm nay do CBRE thực hiện cho thấy công suất phòng bình quân đạt 26,2% và doanh thu trên mỗi phòng chỉ đạt 24,7 USD (khoảng 568.000 đồng) đồng phòng một đêm.
Không có khách du lịch, dịch vụ cách ly đang là nguồn thu của nhiều khách sạn. Thống kê cho thấy, Hà Nội có 20 khách sạn chuyển đổi theo mô hình này, tương đương khoảng 1.600 phòng. Đà Nẵng có 34 khách sạn với khoảng 3.000 phòng. Ở TP.HCM con số này là 25 khách sạn, với hơn 3.000 phòng; trong đó, số lượng khách sạn ở quận 1 chiếm 42%, tương đương 13 khách sạn, quận Tân Bình là 32%, số còn lại ở các quận 7, quận 3 và quận 5.
Dịch vụ cách ly mang lại nguồn thu cho khách sạn |
Mô hình khách sạn chuyển đổi thành cơ sở cách ly y tế với tỷ lệ lấp đầy có thể lên tới 78% đang được coi là một điểm sáng của ngành, từ đó mang tới nhiều kỳ vọng phục hồi.
Hiện khoảng 10% số lượng các khách sạn trên thị trường được chuyển đổi thành các cơ sở cách ly, con số này sắp tới có thể tăng lên để đáp ứng nhu cầu cấp bách về việc cách ly và hỗ trợ chống dịch.
Ở mảng nhà hàng, khách sạn, từ thói quen chỉ bán ẩm thực, phục vụ khách hàng trực tiếp thì từ khi dịch bệnh xuất hiện, các khách sạn 5 sao đã bắt đầu thay đổi tư duy và đẩy mạnh bán hàng trực tuyến qua các nền tảng số nhiều hơn.
Ông Nguyễn Hữu Nam Phương, Giám đốc Kinh doanh Tiếp thị khách sạn Majetic, cho biết, dịch bệnh xuất hiện đã khiến khách sạn phải thay đổi mạnh mẽ để thích ứng với dịch bệnh. Theo đó, đa số các khách sạn đều phải chuyển sang ứng dụng công nghệ số trong việc đặt phòng khách sạn, ẩm thực...
Kỳ vọng phục hồi
Dù dịch bệnh vẫn đang tác động đáng kể đến ngành dịch vụ khách sạn, nhưng các chuỗi khách sạn cho rằng có nhiều lý do để lạc quan và bày tỏ sự hào hứng với kế hoạch mở rộng các danh mục phát triển tại Việt Nam.
Với 80% khách nội địa và người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam, khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, sự phục hồi của ngành công nghiệp khách sạn là điều hoàn toàn khả thi.
Trong giai đoạn 2022-2023, một loạt thương hiệu mới sắp ra mắt trên thị trường du lịch nghỉ dưỡng như Grand Mecure, Fairmont, Eastin, Four Seasons, Lottee, Dusit and Wink Hotel, với số lượng hơn 1.200 phòng chắc chắn sẽ thu hút nhiều du khách nước ngoài tới Việt Nam, ngay sau khi các quy định về hạn chế du lịch được nới lỏng.
Kỳ vọng về sự phục hồi của ngành du lịch |
Tập đoàn IHG Hotels & Resorts công bố kế hoạch phát triển thêm 50% dự án khách sạn resort tại Việt Nam trong 2 năm tới, đồng thời ra mắt thêm 4 thương hiệu trong lộ trình phục hồi từ đại dịch Covid-19.
Bà Serena Lim, Phó Chủ tịch phụ trách Phát triển của IHG tại Đông Nam Á và Hàn Quốc, cho biết, đơn vị quản lý này sẽ mở thêm nhiều khách sạn phục vụ nguồn khách nội địa tại Việt Nam, phát triển xung quanh Thủ đô Hà Nội, TP.HCM và tại các khu vực công nghiệp như Vinh (Nghệ An), Hải Dương, Hải Phòng, Bình Dương, cũng như xây dựng các điểm resort phục vụ khách gia đình tại Quy Nhơn (Bình Định), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Hòa Bình.
Ông Rajit Sukumaran, Giám đốc điều hành IHG tại Đông Nam Á và Hàn Quốc, nhận định, Việt Nam là một ví dụ tuyệt vời về niềm tin tích cực rằng ngành dịch vụ khách sạn sẽ tiếp tục đi lên theo đà phục hồi Covid-19.
“Tất cả các khách sạn của chúng tôi tại Việt Nam đều đã hoạt động đón khách trở lại và ghi nhận sự tăng trưởng về số lượng phòng đặt cho mục đích du lịch nghỉ dưỡng và công vụ. Điều này cho thấy các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng mà chúng tôi nhìn nhận trước đại dịch vẫn duy trì, và ngành du lịch khách sạn sẽ quay trở lại đà tăng trưởng trong tương lai", ông đánh giá.