Theo thông báo, ngày 25/6, chính quyền Palestine đã chính thức nộp đơn kiện Israel lên ICC (Tòa án Hình sự Quốc tế) nhằm truy tố những "tội ác chiến tranh" mà Israel phạm phải.
Cảnh đổ nát sau vụ không kích của Israel xuống Rafah, phía nam Dải Gaza. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã đăng tải lên mạng xã hội Twitter một số tài liệu vừa được trình lên ICC liên quan tới "các khu định cư, Gaza và tù nhân".
Trước đó cùng ngày, hãng tin Ma'an dẫn lời Đại sứ Chính quyền Palestine (A) tại Hà Lan Nabil Abu Zneid cho biết Ngoại trưởng PA Riyad al-Maliki dự kiến dẫn đầu một phái đoàn tới trụ sở tòa án để nộp hồ sơ. Tuy nhiên, ông Zneid thừa nhận rằng ICC có thể sẽ mất "5-10 năm" để xử lý hồ sơ của Palestine vì "đây chỉ là bước đầu tiên trong hàng trăm bước".
Thủ lĩnh đảng Sáng kiến Dân tộc Palestine và là Ủy viên Hội đồng Trung ương PLO, ông Mustafa Barghouti cho biết mục đích của PA là "chứng minh những tội ác chiến tranh để Trưởng công tố viên ICC mở một cuộc điều tra".
PLO đang tìm cách loại bỏ quyền miễn trừ của Israel và các nhà lãnh đạo Israel để đưa ra xét xử. Ông Barghouti nhấn mạnh rằng phía Palestine muốn "khôi phục công lý, thực thi nhân quyền, bảo vệ người Palestine và truy tố những người chịu trách nhiệm vi phạm những điều này".
Thông báo của PLO cho biết các văn kiện được trình lên tòa án liên quan tới những "tội ác và tội ác chiến tranh của các thành viên cấp cao ban lãnh đạo Israel", nhấn mạnh mối liên hệ sâu sắc giữa "những tội ác được tiến hành tại các khu định cư và các cuộc tấn công vào thường dân ở Gaza".
Động thái của PA diễn ra chỉ vài ngày sau khi Ủy ban điều tra của Liên hợp quốc về cuộc xung đột Israel-Hamas tại Gaza hồi mùa Hè năm 2014 công bố một báo cáo, trong đó kết luận rằng cả hai bên đều phạm các tội ác chiến tranh.
Các nỗ lực của PA nhằm truy tố Israel tại ICC nằm trong chiến dịch ngoại giao chống nhà nước Do Thái kể từ sau khi các cuộc đàm phán hòa bình đổ vỡ hồi năm ngoái. Trong khi đó, các nguồn tin chính trị Israel cho rằng nước này không có ý định hợp tác với ICC do chưa từng công nhận quyền của tòa án quốc tế này.