Đó là câu hỏi mà nhà phân tích Mark Leonard, giám đốc của Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại và là tác giả của cuốn sách "Trung Quốc đang nghĩ gì?", nêu ra trong bài viết đăng trên trang mạng CNN ngày 13/12/2016.
Vào ngày 3/12, ông Trump đã nhận một cuộc gọi điện thoại chúc mừng của bà Thái Anh Văn và gọi bà này trên Twitter là "Tổng thống Đài Loan”. Cố vấn của ông Trump sau đó xác nhận rằng cuộc điện đàm nói trên không phải là một “tai nạn”.
Ông Trump đả kích Trung Quốc trên Twitter về việc làm mất giá tiền tệ và xây dựng “một tổ hợp quân sự lớn ở giữa Biển Đông”. Ảnh The Daily Beast |
Một ngày sau đó, ông Trump lại đả kích Trung Quốc trên Twitter về việc làm mất giá tiền tệ và xây dựng “một tổ hợp quân sự lớn ở giữa Biển Đông”.
Triết lý làm cho “nước Mỹ vĩ đại một lần nữa” của ông Trump xem ra đồng nghĩa với việc biến đối thủ địa chính trị trở nên xấu xa. Liệu triết lý này có phát huy tác dụng?
Theo nhà phân tích Mark Leonard, có một điều chắc chắn là Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sẽ phải đối mặt với vô số vấn đề đầy thách thức trong tương lai.
Trong suốt thập kỷ qua, Trung Quốc đã phát triển nhanh hơn so với Mỹ. Về tiền tệ, GDP của Mỹ trong năm 2000 gấp 8,5 lần GDP của Trung Quốc. Trong năm 2016, chênh lệch này đã giảm xuống dưới 1,5 lần. Với tốc độ phát triển như hiện nay, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trong vòng 10 năm tới (và GDP của Trung Quốc đã vượt Mỹ, nếu tính theo sức mua tương đương).
Cán cân quyền lực kinh tế đã thay đổi. Trung Quốc đã làm lu mờ Mỹ trên cương vị đối tác thương mại và nguồn vốn đầu tư - không chỉ ở châu Á mà còn trên toàn châu Phi, Trung Đông, khu vực Âu-Á và thậm chí ở cả Tây bán cầu. Song song với tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc đã tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng, trong khi chuyển trọng tâm từ bảo vệ lãnh thổ sang phô trương sức mạnh toàn cầu.
Trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2020, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên 233 tỷ USD - nhiều hơn ngân sách quốc phòng của tất cả các nước Tây Âu gộp lại.
Các cộng đồng chính sách đối ngoại của Mỹ đã phát triển “phương pháp tiếp cận ba trụ cột” để làm chậm cán cân quyền lực nghiêng về phía Trung Quốc.
Đầu tiên, phương pháp tiếp cận này tập trung vào việc phát triển kinh tế Mỹ làm đối trọng cho sự trỗi dậy của Trung Quốc. Điều này còn được gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định thương mại tự do của các nước ven Thái Bình Dương, trừ Trung Quốc.
Trụ cột thứ hai nhằm mục đích tiếp thêm sinh lực cho liên minh an ninh với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Australia - những nước vốn phản đối ý tưởng Trung Quốc “trung tâm châu Á”.
Trụ cột thứ ba là Mỹ đã cố gắng kiềm chế hành vi của Trung Quốc bằng cách đưa nước này vào các tổ chức đa phương như WTO hay G20.
Nhưng ông Trump đã quay lưng lại với tất cả ba cách tiếp cận nói trên. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã bác bỏ TPP và bây giờ, ông tuyên bố sẽ không bao giờ ký thỏa thuận này.
Điều này đã khiến cánh cửa rộng mở cho đề xuất Đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP), một hiệp ước thương mại tư do cạnh tranh với TPP và gạt Mỹ ra rìa.
Ông Trump cũng xa lánh các đồng minh châu Á của Mỹ về các vấn đề an ninh, khuyên Nhật Bản và Hàn Quốc nên sở hữu vũ khí hạt nhân và không dựa vào chiếc ô an ninh của Mỹ. Không những thế, ông Trump còn tỏ thái độ khinh thị đối với trật tự kinh tế tự do toàn cầu và các tổ chức được thành lập trên nền tảng trật tự này.
Nỗ lực tập trung quân đội và các nguồn lực của Mỹ vào châu Á đã vấp phải nhiều trở ngại do sự can dự vào Trung Đông và Syria. Hiện chưa rõ liệu các tổ chức toàn cầu có thay đổi được Trung Quốc hay Trung Quốc lại đang làm thay đổi các tổ chức này.
Nhà phân tích Mark Leonard kết luận: Dù sao đi chăng nữa, chính quyền Obama cũng đã có một chiến lược đối phó với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc. Chiến lược đó rõ ràng là có tác dụng hơn việc ông Trump sử dụng Twitter để làm cho “nước Mỹ vĩ đại trở lại”.