Ông Trần Bắc Hà liên quan gì 4.700 tỷ trong đại án Phạm Công Danh?
(Kiến Thức) - Với tư cách là trưởng phân ban Rủi ro tín dụng BIDV, năm 2013 ông Trần Bắc Hà đã ký quyết định phê duyệt cho 12 công ty “ma” của Phạm Công Danh được vay 4.700 tỷ đồng.
Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố một loạt kết quả quan trọng tại kỳ họp thứ 26 liên quan tới việc xử lý sai phạm của hàng loạt “quan to” ngành ngân hàng. Đáng chú ý, trong số đó có ông Trần Bắc Hà – nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
“Đồng chí Trần Bắc Hà đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV; vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng”, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết.
Trong số các vi phạm mà ông Trần Bắc Hà mắc phải, một trong những vấn đề mà dư luận hết sức quan tâm là việc ông Hà liên quan như thế nào tới đại án Phạm Công Danh – Ngân hàng Xây dựng (VNCB). Đây là một trong những vụ án kinh tế “khủng”, thất thoát hàng nghìn tỷ tỷ đồng, trải qua nhiều năm điều tra, xét xử chia làm nhiều giai đoạn tới nay vẫn chưa xong.
|
Ông Trần Bắc Hà khi còn đương chức. |
Theo kết quả điều tra, khoảng năm 2013, do cần tiền để tăng vốn điều lệ theo đề án tái cơ cấu ngân hàng, Phạm Công Danh đã tìm tới hội sở BIDV gặp ông Đoàn Ánh Sáng – Phó Tổng Giám đốc BIDV đặt vấn đề "sẽ giới thiệu khách hàng của VNCB sang BIDV vay vốn" kinh doanh vật liệu xây dựng. Nếu khách hàng không đủ tài sản thì VNCB sẽ dùng tài sản của mình để đảm bảo.
Sau khi được lãnh đạo BIDV hội sở chính đồng ý, Phạm Công Danh đã về chỉ đạo cấp dưới tiến hành lựa chọn 12 công ty để đứng tên trên hồ sơ vay vốn. Ngoài ra, ông Danh còn dùng 6 lô đất tại Đà Nẵng và hơn 3.000 tỉ đồng tiền gửi của VNCB tại BIDV để bảo lãnh cho các khoản vay lên tới 4.700 tỷ.
Thời điểm đó, ông Trần Bắc Hà đang giữ chức vụ trưởng phân ban Rủi ro tín dụng đầu tư thuộc Ủy ban Quản lý rủi ro của BIDV. Ngày 3/10/2013, ông Hà đã ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho 12 công ty mà Danh đề xuất cho vay mua vật liệu xây dựng.
Cùng ngày, ông Trần Lục Lang – Phó TGĐ BIDV đã ký 12 công văn gửi bốn chi nhánh và Ban khách hàng doanh nghiệp tiếp nhận hồ sơ vay thẩm định phương án kinh doanh, quyết định cho vay đối với các phương án có hiệu quả đảm bảo khả năng trả đầy đủ nợ gốc và lãi.
Lãnh đạo BIDV các chi nhánh Bến Thành, Gia Định, Sở giao dịch 2, Nam Sài Gòn đã lần lượt phê duyệt và giải ngân cho các công ty của ông Phạm Công Danh. Toàn bộ số tiền lên tới 4.700 tỷ sau đó đều được 12 công ty “ma” chuyển vào tài khoản để Phạm Công Danh sử dụng.
Khi đến hạn, 12 công ty không trả được nợ nên BIDV đã tự động trừ tiền trên tài khoản tiền gửi của VNCB. Vì bảo lãnh cho các khoản vay nói trên, VNCB bị thiệt hại hơn 2.500 tỉ đồng.
Kết quả giám định của Ngân hàng Nhà nước cho thấy BIDV cho 12 công ty vay tiền khi chưa có đủ cơ sở để xác định các công ty có khả năng trả nợ trong hạn cam kết, chưa thực hiện đầy đủ điều kiện cho vay đối với khách hàng, không kiểm tra việc sử dụng vốn sau cho vay…
Với những sai phạm của mình tại BIDV trong việc cho Phạm Công Danh vay 4.700 tỉ đồng, nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà từng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị kiểm điểm và xử lý hành chính. Cơ quan điều tra nhận định ông Trần Bắc Hà có sai phạm trong việc cho các công ty của Phạm Công Danh vay tiền.
Tuy nhiên, kết quả giám định cho thấy BIDV không có thiệt hại xảy ra nên ông Hà cũng như các cá nhân tại BIDV không bị truy tố về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Kết quả điều tra cũng chưa đủ căn cứ xác định ông Trần Bắc Hà là đồng phạm giúp sức cho Phạm Công Danh.
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng cho rằng ông Đoàn Ánh Sáng và Trần Lục Lang đã ký tờ trình phê duyệt cho 12 công ty mà Danh giới thiệu vay vốn nhưng không đủ căn cứ xác định những người này có liên quan đến Phạm Công Danh, nên không xử lý hình sự.
Ông Trần Bắc Hà bị ung thư gan
Tại phiên tòa xét xử các bị cáo Trầm Bê, Phạm Công Danh và đồng phạm trong đại án xảy ra tại VNCB, BIDV và Sacombank hồi tháng 1/2018, ông Trần Bắc Hà cũng được triệu tập nhưng không tới.
Trong phiên xử chiều 13/1/2018, thẩm phán Phạm Lương Toản công bố thông tin ông Trần Bắc Hà xin vắng mặt vì đang điều trị bệnh ung thư gan. Ông Hà đi chữa bệnh tại Singapore từ ngày 7/1 (1 ngày trước khi phiên tòa diễn ra).
Đại diện gia đình ông Hà cũng nộp cho HĐXX bản dịch bệnh án của bác sĩ Singapore, hộ chiếu và xác nhận của Lãnh sự quán nhằm chứng minh ông Trần Bắc Hà đã đi điều trị bệnh tại Singapore.