Ngày 17/4, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Phan Hữu Tuấn (SN 1955, nguyên Tổng cục phó Tổng cục Tình báo, Bộ Công an) về hành vi Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Mời độc giả xem video "Khám nhà ông Phan Hữu Tuấn" tối 17/4: (Nguồn Tuổi Trẻ)
Ông Phan Hữu Tuấn bị khởi tố, bắt giam liên quan vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, “Trốn thuế”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” của Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm - ngụ tại 82 Trần Quốc Toản, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, là chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79) mà cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra.
Ngay trong tối 17/4, lực lượng cảnh sát, viện kiểm sát đã tới nhà ông Phan Hữu Tuấn ở số 105B Yên Phụ, quận Tây Hồ, TP Hà Nội để tiến hành khám xét và quá trình khám xét hoàn thành trong vòng 1 giờ đồng hồ.
Dư luận quan tâm về vai trò của ông Phan Hữu Tuấn trong vụ án Phan Văn Anh Vũ.(Người trong ảnh là Phan Văn Anh Vũ). |
Ông Phan Hữu Tuấn – nguyên Tổng cục phó Tổng cục Tình báo (Tổng cục V) Bộ Công an Việt Nam. Năm 2010, ông Tuấn mang quân hàm Thiếu tướng. Năm 2014, ông Tuấn mang quân hàm Trung tướng, giữ chức vụ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo (Tổng cục V), Bộ Công an Việt Nam.
Trước thời điểm bị bắt, ông Phan Hữu Tuấn đã nghỉ hưu và ở tại số nhà số 105B Yên Phụ, quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Theo hàng xóm đánh giá, ông Phan Hữu Tuấn Tuấn là người hiền lành, thường xuyên giúp đỡ mọi người xung quanh.
Thời điểm bị khởi tố, bắt tạm giam, ông Phan Hữu Tuấn đã bị Chủ tịch nước đã ký quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân.
Hiện nay, vai trò của ông Phan Hữu Tuấn có liên quan gì trong vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, “Trốn thuế”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” của Phan Văn Anh Vũ đang được cơ quan công an tiếp tục làm rõ.
Tuy nhiên, một nguồn tin cho biết, có đủ căn cứ để xác định ông Phan Hữu Tuấn có hành vi "Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước" liên quan vụ án trên.
Lực lượng công an khám nhà ông Phan Hữu Tuấn. |
Phan Văn Anh Vũ được biết đến là một đại gia bất động sản, giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 và là cổ đông của nhiều công ty khác.
Ngày 20/12/2017, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã có quyết định khởi tố ông Phan Văn Anh Vũ về hành vi "Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước" và "trốn thuế" xảy ra tại thành phố Đà Nẵng và một số địa phương. Tối 21/12/2017, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã khám nhà riêng của ông Vũ ở Đà Nẵng. Thời điểm công an khám xét, ông Vũ không có mặt tại nơi cư trú.
Sau khi công bố quyết định khởi tố, do xác định bị can không có mặt tại nơi cư trú ở số 82 Trần Quốc Toản (Đà Nẵng) và không biết bị can đang ở đâu nên Cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định truy nã bị can. Ông Phan Văn Anh Vũ bỏ trốn sang Singapore và bị Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Singapore (ICA) bắt ngày 28/12/2017 do vi phạm Đạo Luật di trú của nước này và bị trục xuất sau đó.
Ngày 4/1, thông tin từ Bộ Công an cho biết cơ quan An ninh Điều tra đã tiếp nhận bắt bị can Phan Văn Anh Vũ và tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật. Sau đó vụ án được chuyển sang cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra.
Ngày 7/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh tạm giam trong thời hạn 4 tháng đối với bị can Phan Văn Anh Vũ về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại điều 356 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án làm rõ trách nhiệm của các đối tượng có liên quan, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước (Điều 337 Bộ luật hình sự 2015):
1. Người nào cố ý làm lộ hoặc mua bán bí mật Nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:
a) Bí mật Nhà nước thuộc độ tối mật;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.
3. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Bí mật Nhà nước thuộc độ tuyệt mật;
c) Phạm tội 2 lần trở lên;
d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.