Chiều 3/11, Quốc hội đã bỏ phiếu và biểu quyết thông qua Nghị quyết bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh với tỷ lệ tán thành 89%. Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội, nội quy kỳ họp Quốc hội, Quốc hội đã bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khoá XIV đối với ông Phạm Phú Quốc.
Ông Phạm Phú Quốc bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội do không trung thực trong báo cáo với tổ chức, vi phạm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri và nhân dân.
Ông Phạm Phú Quốc. |
Trước đó, ông Quốc bị phát hiện có thêm quốc tịch Cộng hòa Síp (Cyprus). Theo quy định tại Điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam nêu rõ "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp luật này có quy định khác". Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, khoản 1a Điều 22 về tiêu chuẩn một quốc tịch với đại biểu Quốc hội quy định như sau: "Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam".
Điều này có nghĩa rằng, đại biểu Quốc hội chỉ có một quốc tịch Việt Nam, không có quốc tịch thứ hai. Việc ông Phạm Phú Quốc xin nhập quốc tịch Cộng hoá Síp và đã có quốc tịch Cộng hoà Síp nhưng không báo cáo với cơ quan, tổ chức là không trung thực, vi phạm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội theo quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội.
Trong báo giải trình gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trước đó, ông Phạm Phú Quốc đã nhận thấy khuyết điểm, thiếu sót của bản thân làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức và tự nhận thấy bản thân không còn đủ tư cách của người đại biểu Quốc hội không xứng đáng với sự tin tưởng của tổ chức.
Dư luận quan tâm, sau khi bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, ông Phạm Phú Quốc sẽ làm gì?
Trước đó, ngay khi thông tin có 2 quốc tịch được báo chí đăng tải, bản thân ông Phạm Phú Quốc đã thừa nhận việc này và đã có đơn xin thôi là Đại biểu Quốc hội và thôi chức vụ Tổng Giám đốc tại Công ty TNHH Một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận vào ngày 25/8.
Tháng 9/2020, Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) báo cáo và xin ý kiến Thường trực Thành ủy TP HCM, Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM và Thường trực UBND TP HCM về việc thống nhất giải quyết đơn thôi việc của ông Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc IPC.
Mới đây, tại buổi họp báo chiều ngày 3/11, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cho biết, ông Phạm Phú Quốc đã có đơn xin thôi việc. Hiện nay Sở Nội vụ đang chờ xin ý kiến các cơ có thẩm quyền để xem xét giải quyết trường hợp xin thôi việc của ông Phạm Phú Quốc.
“Khi có ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền, Sở Nội vụ TP HCM tham mưu để giải quyết thôi việc của ông Phạm Phú Quốc theo đơn xin thôi việc” - Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM thông tin.
Do đó, trường hợp TPHCM giải quyết cho ông Quốc thôi việc và các nhiệm vụ do Thành ủy và UBND TP HCM phân công tại Công ty Tân Thuận (IPC) thì bản thân ông Quốc sẽ không còn giữ chức vụ nào nữa.
Theo Luật Quốc tịch Việt Nam: "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”. Do đó, nếu ông Quốc vẫn sống, làm việc và mang quốc tịch Việt Nam thì phải bỏ quốc tịch Síp.
Tuy nhiên, trước đó, khi trả lời báo chí, ông Phạm Phú Quốc nói rằng, quốc tịch Cộng hòa Cyprus là do vợ con ông, đang là doanh nhân bảo lãnh, để tương lai khi ông được nghỉ sẽ thuận tiện đi lại, chăm sóc gia đình. Nên nhiều ý kiến cho rằng, rất có thể ông Quốc sẽ sang Cyprus để sinh sống cùng gia đình.
Ông Phạm Phú Quốc trúng cử ĐBQH khóa XIV (2016-2021) khi đang là Tổng Giám đốc Công ty đầu tư tài chính nhà nước TPHCM. Sau đó, ông có thời gian giữ chức Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM. Hiện ông là Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).
Trước đó, Hãng tin Al Jazeera (hãng tin nhà nước của Qatar) công bố tài liệu cho thấy nhiều chính trị gia đã mua hộ chiếu Cộng hòa Síp, một quốc gia châu Âu. ĐBQH Phạm Phú Quốc có tên trong danh sách này.
>>> Mời độc giả xem thêm video Ông Phạm Phú Quốc: “dính” nghi vấn chi triệu đô mua quốc tịch Síp
Nguồn: VTV1