Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).
Theo ông, việc thay đổi nhân sự và việc bán ra cổ phiếu của một thành viên Ban điều hành Eximbank trong thời gian qua có gì không bình thường?
Khi ông Phước (ông Trương Văn Phước, nguyên Tổng giám đốc Eximbank) có quyết định ra Hà Nội (ông Phước từ nhiệm để nhận nhiệm vụ mới tại Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia theo Quyết định 1529/QĐ-TTg ngày 30/8), chúng tôi đã tìm người thay thế.
Người chúng tôi tìm trong số những Phó tổng giám đốc hiện hữu. Việc lựa chọn ai là rất khó, vì có nhiều người có năng lực và xứng đáng với vị trí này.
Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank.
Cần phải nói rõ là việc lựa chọn và bổ nhiệm Tổng giám đốc tại Eximbank vừa qua được thực hiện rất khoa học và khách quan.
Đầu tiên, chúng tôi tham khảo ý kiến của các cổ đông lớn của Eximbank và họ ủng hộ phương án chọn ông Quốc Hương.
Sau đó, chúng tôi xin ý kiến các thành viên HĐQT và kết quả là đa số thành viên chọn ông Quốc Hương.
Chưa hết, chúng tôi còn thăm dò ý kiến các cán bộ lãnh đạo toàn hệ thống Eximbank.
Tại cuộc họp sơ kết tình hình hoạt động của Eximbank, chúng tôi đã phát ra 142 phiếu, trong đó ghi tên tất cả các thành viên trong Ban điều hành để mọi người lựa chọn. Cuối cùng, chúng tôi thu về được 140 phiếu, trong đó ông Quốc Hương được nhiều người lựa chọn nhất.
Với tư cách là Chủ tịch HĐQT, ông đánh giá thế nào về ông Hương?
Quốc Hương là người có năng lực, có trình độ chuyên môn và có thể sẽ tiến xa hơn nữa, vì hiện nay vẫn còn trẻ, mới 42 tuổi. Hơn nữa, từ lâu Quốc Hương là Phó tổng giám đốc phụ trách Sở giao dịch, mảng kinh doanh lớn của Ngân hàng, nên việc đưa Quốc Hương lên làm Tổng giám đốc là điều tốt.
Những người không được lựa chọn lúc đó phản ứng thế nào?
Tôi cũng nói chuyện với những người còn lại rằng, ai cũng xứng đáng cả, nhưng bây giờ, sau 3 vòng thăm dò ý kiến thì mọi người đã quyết định chọn Quốc Hương.
Làm lãnh đạo phải được nhiều người ủng hộ thì mới làm tốt. Còn chuyện người này người kia bán cổ phiếu của Eximbank, tôi nghĩ đây cũng là chuyện bình thường. Tôi cũng có hỏi, nhưng chuyện bán cổ phiếu chỉ là chuyện cá nhân.
Kể từ khi ông Hương lên làm Tổng giám đốc, công việc điều hành có như kỳ vọng? Thái độ của mọi người đối với Tổng giám đốc mới hiện nay ra sao?
Đến nay được chừng một tháng rưỡi, chúng tôi thấy mọi chuyện đang theo chiều hướng tốt. Là người trực tiếp tham dự các cuộc họp giao ban của Ban điều hành sáng thứ Hai hàng tuần, tôi đánh giá ông Hương bắt nhịp công tác điều hành rất nhanh, tổ chức điều hành công việc khoa học. Tôi cũng quan sát và thấy anh em trong Ban điều hành hợp tác tốt với tân Tổng giám đốc và cũng có phần nể phục.
Còn việc thay đổi và bổ nhiệm một loạt nhân sự chủ chốt khác thì sao?
Chúng tôi thấy cần thiết phải tăng cường nhân sự cho bộ máy điều hành và phân vùng quản lý để quản lý chặt hơn, nên đã cất nhắc một số Giám đốc chi nhánh lên làm Phó tổng giám đốc. Họ cũng là những người còn trẻ, nên rất năng động.
Cũng có thông tin là ông sắp nghỉ hưu?
Tôi chỉ nghỉ hưu bên SJC (Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn) thôi, vào quý I năm sau. Nghỉ hưu bên SJC, tôi sẽ có thời gian nhiều hơn để tập trung cho Eximbank.
Về tình hình kinh doanh của Eximbank, số liệu 6 tháng đầu năm cho thấy, thu nhập lãi và các khoản tương tự thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, trong khi tín dụng 6 tháng đầu năm tăng 7,37%, cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn hệ thống ngân hàng. Vậy nguyên nhân của sự sụt giảm thu nhập này là gì, thưa ông?
Các ngân hàng bây giờ cạnh tranh lãi suất rất khốc liệt. Chúng tôi để lãi suất cho vay hiện nay tương đối thấp, vậy mà nhiều khách hàng cho biết, ở chỗ khác còn thấp hơn. Chính vì cạnh tranh như thế nên margin (chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay) hiện giờ rất thấp.
Kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm nay của Eximbank là 3.200 tỷ đồng, nhưng 6 tháng mới chỉ đạt hơn 755 tỷ đồng. Ông có thể cho biết kết quả kinh doanh đến thời điểm này như thế nào và liệu năm nay có đạt kế hoạch?
Lợi nhuận 9 tháng mới đạt xấp xỉ 38% chỉ tiêu đề ra cho năm 2013; cả năm phấn đấu đạt khoảng 1.600 tỷ đồng, tức 50% kế hoạch. Những năm trước đây, đặc biệt là năm 2011, Eximbank đạt được mức tăng trưởng vượt bậc. Tuy nhiên, huy chương nào cũng có hai mặt.
Mặc dù kế hoạch năm nay không đạt, nhưng mình phải chấp nhận thực tế, để rồi từ đó có kế hoạch và giải pháp khắc phục. Chúng tôi cho rằng, hoạt động của Eximbank đã thực chất hơn.
Nói như thế cũng có nghĩa là Eximbank không chấp nhận nới lỏng điều kiện cho vay?
Dự kiến, tín dụng cả năm của chúng tôi tăng khoảng 15%, tức tăng hết room, nhưng chúng tôi khẳng định, không hạ chuẩn tín dụng. Thà lợi nhuận ít đi nhưng hoạt động thực chất hơn, không vì sự sụt giảm lợi nhuận mà hạ chuẩn cho vay, vì làm như thế chẳng khác nào mình cài một “quả bom hẹn giờ” và nó sẽ nổ trong tương lai. Quan điểm nhất quán của chúng tôi là không cho vay dưới chuẩn. Tình hình khó khăn nên tôi nghĩ, các ngân hàng khác cũng thế. Với tình hình này mà có ngân hàng nào tăng trưởng lợi nhuận cao mới “sợ”.
Ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế sắp tới?
Chúng tôi thấy, môi trường kinh doanh, tình hình đầu tư có chiều hướng tốt hơn. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vốn vào Việt Nam. Tuy nhiên, phải mất một, hai năm nữa thì tình hình mới thực sự được cải thiện. Phải chấp nhận sống chung với khó khăn, dù rất sốt ruột. Năm 2013 phản ánh thực chất hơn hoạt động của các ngân hàng: nợ xấu lộ ra, kết quả kinh doanh đi xuống. Phải biết chấp nhận và đưa ra giải pháp để từng bước khắc phục.