Chiều 21/3, phiên xét xử sơ thẩm ông Đinh La Thăng cùng 6 bị cáo tại TAND TP Hà Nội tiếp tục diễn ra xoay quanh vấn đề ông Thăng chỉ đạo góp vốn vào OceanBank
Bị cáo Đinh La Thăng. Ảnh: TTXVN. |
Ông Đinh La Thăng phủ nhận chỉ đạo góp vốn lần 3 vào OceanBank
Mở đầu phiên xử, nữ luật sư Huyền Trang – người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Thắng, nguyên Thành viên HĐTV PVN đã đề nghị HĐXX cho hỏi ông Đinh La Thăng để làm rõ về chủ trương PVN góp vốn lần 3 vào OceanBank, trị giá 100 tỷ đồng.
Bị cáo Đinh La Thăng khẳng định, thời gian đó ông đi công tác, người ký nghị quyết số 4266/NQ-DKVN chấp thuận điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ PVN tại OceanBank là Nguyễn Xuân Thắng.
Theo bị cáo Đinh La Thăng, thì mỗi lần đi công tác bản thân bị cáo chỉ ủy quyền hoạt động của PVN, khi ủy quyền là điều hành chung công việc tại PVN và tất cả các lần ủy quyền không ủy quyền cụ thể nào.
Tương tự lần 3 PVN góp vốn vào OceanBank, ông Thăng khẳng định, bản thân đi công tác không ủy quyền cho Thắng ký nghị quyết để bổ sung 100 tỷ đồng vào OceanBank.
Bị cáo Đinh La Thăng bày tỏ sự tôn trọng đối với lời khai của bị cáo Thắng, nhưng ông một lần nữa khẳng định không được Thắng báo cáo về việc này, cũng không yêu cầu báo cáo.
Bên cạnh đó, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng, việc PVN góp 100 tỷ đồng lần 3 vào OceanBank là chưa phù hợp với quy định của pháp luật thời điểm đó. Nhưng đến nay, bản thân bị cáo biết việc góp vốn này đã được sự đồng ý của các cơ quan quản lý Nhà nước.
“Thực tế tại phiên tòa, bị cáo đã nêu, nếu giả sử việc góp 100 tỉ là sai thì bị cáo nhận trách nhiệm trước hết là người đứng đầu và là người ủy quyền, nhận trách nhiệm thay cho các anh khác khi ký Nghị quyết này”, bị cáo Thăng nói.
Tại phiên tòa, ông Đinh La Thăng đồng thời nhắc lại thời điểm tháng 3/2011 mình đã yêu cầu thoái vốn của PVN tại OceanBank, đồng thời bày tỏ lời xin lỗi tới đồng nghiệp tại PVN.
“Mới tháng 3 bị cáo chỉ đạo thoái vốn mà đến tháng 5/2011, khi anh Thắng báo cáo, bị cáo lại đồng ý cho chuyển vốn lần 3 thì hoàn toàn vô lý. Bị cáo lúc đó đang sung sức, chưa thể mất trí nhớ được”, bị cáo Thăng nói.
Bị cáo Thăng cho rằng, các văn bản nêu đều thấy thoái hóa vốn đã chỉ đạo từ tháng 3/2011, nhưng Chính phủ sau đó không đồng ý, nên trách nhiệm thuộc người ký văn bản không cho phép thoái vốn của PVN. Bởi vậy việc mất vốn này không thuộc trách nhiệm PVN.
Đại diện Bộ Tài Chính xuất hiện
Đáng chú ý, trong phiên tòa chiều nay bất ngờ có sự xuất hiện của đại diện Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước mà ở phiên tòa trước đó HĐXX cho biết triệu tập để làm rõ những vấn đề liên quan nhưng không tới.
Đại diện Bộ Tài Chính trả lời tại phiên tòa. |
Theo đó, ông Phạm Đức Hưng, đại diện Bộ Tài chính cho biết, bản thân chỉ được ủy quyền tới tòa để làm rõ 2 công văn liên quan đến việc góp - tăng vốn điều lệ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vào Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) năm 2008 và 2010. Những câu hỏi khác của các luật sư ông Hưng từ chối trả lời và cho hay sẽ báo cáo cấp thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Phạm Đức Hưng cho biết, năm 2008, Bộ Tài Chính đã có công văn số 12144 ngày 14/10/2008, trả lời công văn số 6553 của Văn phòng Chính phủ ngày 2/10/2008, trên cơ sở đề nghị của PVN tại công văn 7224 gửi Văn phòng Chính phủ ngày 20/9/2008.
Khi PVN có công văn xin được góp vốn vào OceanBank theo các nội dung đã thỏa thuận, Thủ tướng đã hỏi ý kiến các bộ ngành liên quan gồm Bộ Tài chính về việc này. Bộ Tài chính trả lời Thủ tướng qua công văn 12144, nội dung khẳng định PVN đủ điều kiện theo quy định hiện hành tham gia góp vốn, mua cổ phần của OceanBank theo các nội dung đã thỏa thuận. Việc PVN đầu tư vào OceanBank sẽ thỏa mãn những người góp vốn lập ngân hàng Hồng Việt, chưa rút vốn và muốn đầu tư ngân hàng khác.
Qua công văn 12144, Bộ Tài chính cũng đề nghị PVN báo cáo rõ tình hình của OceanBank, đặc biệt là các khoản cho vay, chứng khoán đầu tư sẵn sàng bán, trích lập dự phòng… và khẳng định PVN chịu trách nhiệm về hiệu quả khoản đầu tư này.
Theo đại diện Bộ Tài Chính, ý kiến của PVN đủ điều kiện đầu tư của Bộ Tài Chính chỉ căn cứ trên cơ sở quản lý vốn của PVN lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tài Chính. Để thực hiện đầu tư còn nhiều hệ thống pháp luật liên quan, ý kiến Thủ tướng…
Đối với công văn thứ 2, số 10400 củaBộ Tài Chính ngày 16/9/2010, về việc PVN tham gia góp vốn điều lệ của OceanBank. Tương tự công văn trước, Bộ Tài Chính cũng trả lời Văn phòng Chính phủ đồng thời gửi sang PVN, khẳng định PVN có đủ căn cứ tham gia góp vốn.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính nhận thấy PVN là tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước, hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, có nhiều dự án PVN đề nghị vốn ưu đãi, nhiều dự án trọng điểm đề nghị nhà nước cho phép để lại nguồn lãi… Do vậy, Bộ Tài Chính đã đề nghị Thủ tướng chỉ đạo PVN rà soát, cân đối nguồn vốn các dự án dầu khí để đảm bảo đầu tư vào OceanBank. TrNog trường hợp nếu không đủ vốn PVN chuyển nhượng quyền góp vốn điều lệ vào OceanBank theo quy định hiện hành.
Cũng theo ông Phạm Đức Hưng, OceanBank trước khi được Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng là doanh nghiệp niêm yết nên giá trị thay đổi theo thị trường, cuối năm có thể đánh giá được nhưng qua năm có thể lên xuống, trồi sụt. Từ đó, tài khoản đầu tư vào OceanBank cũng có thể lên xuống.
Tại phiên xử chiều nay, khi được hỏi lý do không cho PVN thoái vốn đại diện Ngân hàng Nhà nước xin “khất” trả lời sau.