Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP (Lilama), thành lập từ năm 1960, cùng với các công ty thành viên và công ty liên kết, doanh nghiệp này đã tham gia nhiều lĩnh vực hoạt động như: Tổng thầu EPC; bảo trì bảo dưỡng; lắp đặt, quản lý dự án và chế tạo.
Trong đó, với vai trò Tổng thầu EPC, Lilama đã và đang thực hiện nhiều công trình như: Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng (300MW), Nhà máy Điện khí chu trình hỗn hợp Cà Mau 1&2 (1.500MW), Nhơn Trạch 1 (450MW), Nhơn Trạch 2 (750MW), Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1(1.200MW), Nhà máy Xi măng Sông Thao (2.500 tấn clinker/ngày), Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 (1.200MW), Sân phân phối 500 kV, 220 kV Trung tâm Điện lực Long Phú…
Lilama còn đóng vai trò chủ công trong công tác thi công lắp đặt các dự án lớn như: Nhiệt điện Phú Mỹ 1,2,3,4, Thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Nhiệt điện Mông Dương 1&2, Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Long Phú 1, Lọc dầu Dung Quất, Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Nhà máy phân đạm tại Vương quốc Brunei…
Thống kê sơ bộ cho thấy, Lilama đã tham gia đấu và trúng ít nhất 28 gói thầu, với tổng giá trị trúng thầu hơn 25.970,15 tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị trúng thầu với vai trò độc lập hơn 758,69 tỷ đồng và tổng giá trị trúng thầu với vai trò liên danh hơn 25.211,46 tỷ đồng.
Ảnh minh họa. |
Theo báo cáo tài chính quý I/2024 của Lilama, doanh nghiệp này ghi nhận 1.650 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, gấp 3,92 lần cùng kỳ năm 2023. Sau khi trừ các khoản chi phí, Lilama ghi nhận 33,89 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Lilama đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.880 tỷ đồng, thấp hơn 2,7% so với thực hiện năm 2023; lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 60 tỷ đồng, tăng 2,4%; nộp ngân sách nhà nước 40 tỷ đồng. Với kết quả đạt được quý đầu năm, Lilama đã hoàn thành 33,8% mục tiêu doanh thu và 58,8% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.
Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Lilama là 6.203,6 tỷ đồng, giảm 16% so với hồi đầu năm. Nợ phải trả của công ty ghi nhận ở mức hơn 5.223,2 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu hơn 980,3 tỷ đồng.
Đáng chú ý, giai đoạn 2021 - 2023 nợ phải trả của Lilama lên tới hàng nghìn tỷ đồng và biến động qua từng năm. Cụ thể, năm 2021 là 6.341,9 tỷ đồng, sang năm 2022 giảm về mức hơn 5.223,2 tỷ đồng và tăng lên 5.426,6 tỷ đồng vào năm 2023.
Giai đoạn 2021 - 2023, tổng nợ vay của Lilama lần lượt tương ứng là 1.531 tỷ; 1.123,3 tỷ và 1.642,9 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của Lilama tương ứng lần lượt là: 1.051,1 tỷ; 980,3 tỷ và 943,4 tỷ đồng. Như vậy, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E) tương ứng lần lượt là 6,03 lần; 5,32 lần; 5,75 lần.
Theo Đề án cơ cấu lại Lilama giai đoạn 2021 - 2025 đã được Bộ Xây dựng thông qua ngày 23/11/2023 và Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 ngày 18/1/2024 bỏ phiếu tán thành, Lilama sẽ duy trì tỷ lệ sở hữu 36% vốn điều lệ tại 2 công ty liên kết là Công ty CP Lilama 10 và Công ty CP Lilama 18; thoái vốn toàn bộ tại 19 công ty con, công ty liên kết, các khoản đầu tư tài chính còn lại (Công ty CP Lilama 5, Công ty CP Lilama 7, Công ty CP Cơ khí Lắp máy Lilama, Công ty CP Lilama 69-1, Công ty CP Lilama 69-3…).
Riêng Công ty TNHH Lilama South East Asia SDN BHD (Lilama SEA), trong thời gian tới, tùy thuộc tình hình việc làm tại Brunei và trong khu vực, Lilama sẽ xem xét lựa chọn để công ty này tiếp tục hoạt động theo phương án hiệu quả nhất hoặc chuyển nhượng/giải thể để thu hồi vốn...
Theo tờ Đầu tư tài chính, lợi nhuận gộp của LILAMA năm 2021 ghi nhận hơn 191,8 tỷ đồng; tới năm 2022 giảm còn 90,2 tỷ đồng (giảm hơn 100 tỷ đồng) và sang năm 2023 quay trở lại đường đua khi tăng lên 119,6 tỷ đồng (tăng hơn 29 tỷ đồng).
Giai đoạn 2021 – 2023, LILAMA có khoản lỗ nặng nhất vào năm 2022 lên tới hơn 54,2 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2021 và 2023 công ty đều ghi nhận khoản lỗ quanh mức 19,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý I/2024 cho thấy Lilama đã chấm dứt chuỗi lỗ liên tiếp, ghi nhận 33,89 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.