Sau khi Nghị định số 116/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, nhiều ý kiến cho rằng xe nhập khẩu khó có thể tràn vào Việt Nam.
Ngoài những quy định ngặt nghèo với xe nhập khẩu, thời gian tới, nhiều khả năng sẽ có thêm những hàng rào ngăn cản. Cùng với đó, giá tính thuế nhiều mẫu ô tô nhập khẩu có thể được nâng lên. Như vậy, xe nhập khẩu dù có vào Việt Nam, nhưng chưa chắc giá đã rẻ.
Từ 2018, dự báo giá xe trong nước sẽ rẻ. |
Trong khi đó, từ năm 2018, thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô từ ASEAN về Việt Nam sẽ giảm xuống 0%. Hiện các DN FDI nhập khoảng 70-80% bộ linh kiện từ ASEAN, còn 20-30% nhập ngoài khu vực này phải chịu thuế. Như vậy, tính ra thuế nhập khẩu bộ linh kiện bình quân chỉ còn khoảng 5% từ 2018. Còn hiện nay, thuế nhập khẩu bộ linh kiện bình quân từ 14-16%.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đưa ra đề xuất giảm thuế nhập khẩu bộ linh kiện ô tô về mức từ 7-11% chung cho tất cả các thị trường. Thuế nhập khẩu bộ linh kiện giảm, giá xe trong nước có cơ hội giảm theo.
Cùng với đó là đề xuất không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước. Đây được xem là ưu đãi lớn cho các DN ô tô. Phần giá trị tạo ra trong nước, bao gồm linh kiện nội địa hóa, công lao động, khấu hao máy móc, nhà xưởng,... DN nào sử dụng càng nhiều linh kiện trong nước, đầu tư máy móc hiện đại càng có lợi.
Ô tô nhập khẩu có khả năng bị chặn bởi các hàng rào kỹ thuật, khó tràn vào Việt Nam. |
Thêm nữa là đề xuất điều chỉnh thuế thu nhập DN với các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô có quy mô lớn, không phân biệt địa bàn đầu tư; áp dụng các chính sách khuyến khích về tín dụng đầu tư đối với hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước
Chỉ riêng với việc không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với giá trị tạo ra trong nước, theo tính toán, giá ô tô sẽ giảm mạnh. Chẳng hạn với ô tô có dung tích 2.0L vào năm 2018 sẽ có thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 40%. Nếu một DN nhập khẩu xe nguyên chiếc về phân phối, với giá 10.000 USD thì thuế tiêu thụ đặc biệt phải chịu là 4.000 USD. Nhưng một DN ô tô nhập bộ linh kiện về Việt Nam lắp ráp, chỉ có giá trị 8.000 USD, thì thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ có 3.200 USD.
Hơn thế nữa, nếu các DN tăng mua linh kiện trong nước, giảm nhập khẩu, tức là gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, thì càng hưởng lợi. Chẳng hạn, một DN chỉ nhập 50% giá trị bộ linh kiện là 4.000 USD thì thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ có 1.600 USD.
Theo tính toán, nếu được hưởng những ưu đãi kể trên, thời gian tới, ô tô sản xuất lắp ráp trong nước cũng có điều kiện giảm giá khoảng 20%, giá xe sẽ rẻ và cạnh tranh tốt với xe nhập khẩu nguyên chiếc.
Ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia ô tô, nhận xét, tuy các chính sách ưu đãi được đề xuất khá muộn, nhưng muộn còn hơn không. Nhờ đó, sẽ hỗ trợ các DN ô tô trong nước đầu tư công nghệ tốt hơn, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đang yếu thế so với các nước sản xuất ô tô trong khu vực ASEAN, do vậy cần được hỗ trợ để phát triển. Từ đó, tạo ra thị trường cho ô tô trong nước với những chiếc xe có giá cạnh tranh để thúc đẩy công nghiệp ô tô phát triển.