Tuy nhiên, khi làm được 3 tháng, anh cảm thấy bản thân không phù hợp với công việc này nên anh quyết định xin nghỉ. Trở về nhà, anh lại nối tiếp nghề của bố mẹ, tiếp tục nuôi cá giống để bán. Các loại cá như: cá tra, diêu hồng, rô phi…
“Khi mới làm, mọi thứ diễn ra thuận lợi lắm! 1-2 năm đầu, tôi nuôi đều lãi cao và rất ham nên quyết định mở rộng. Nhưng 5 năm sau, tôi bắt đầu lỗ khi môi trường chăn nuôi cũ, không còn phù hợp nữa, trong khi đó giá thức ăn tăng cao mà giá bán lại vẫn giữ như vậy…”, anh kể lại.
Anh Luận trước nuôi cá giống nhưng thất bại và nợ đến 800 triệu đồng, sau đó anh mới chuyển hướng.
Khi số nợ đã lên tới 800 triệu đồng vào năm 2008, anh quyết định dừng lại và tìm hướng khác. Từ việc nuôi giống, anh chuyển sang kinh doanh thuỷ sản. “Tôi đã thuê đất để kinh doanh, nhập cá về và bán. Nhưng nghề này cũng không khá hơn bao nhiêu, tiền thu về cũng chỉ đủ ăn”, anh chia sẻ.
Nhờ nghề kinh doanh cá, anh được đi rất nhiều nơi và tiếp xúc với rất nhiều loại cá khác nhau. Một lần, anh mua được con cá tra rất to, nặng hơn 10kg – loại cá to này rất hiếm ở quê anh. Anh đem bán cho khách hàng và họ khen ngon. Họ lại quay lại ngỏ ý muốn mua.
Thời điểm này, anh lại để ý và biết các nhà hàng nhập cá đông lạnh kích thước lớn, có trọng lượng từ 20-50 kg mỗi con từ Thái Lan, giá bán 500.000 - 2 triệu đồng/kg. Anh mới nghĩ cá tra của nước ta thịt chắc, ngon và tươi sống, giá lại chỉ có 80.000 - 100.000 đồng/kg, chắc chắn sẽ cạnh tranh được.
Anh về thuê một ao rộng 500 m2 gần đường quốc lộ để phục vụ cho việc săn lùng những con cá tra từ 10 kg trở lên về bán lại cho các nhà hàng. Năm đầu tiên, anh thu mua được một tấn cá "khủng", lãi 70 triệu đồng. Những năm tiếp theo, anh đã nhập thêm cá lớn ở nước ngoài như cá hô, trà sóc, hồng vỹ, hải tượng... và mức thu nhập tang lên 3-4 lần.
Hiện, trang trại của anh có nhiều con cá có kích thước rất lớn, phải 3 người khiêng.
“Trong quá trình mua về rồi bán ra, tôi có thu mua được một số con cá có màu rất lạ mà ở thị trường Việt Nam chưa có. Tôi đã giữ lại ao để nuôi và thấy chúng lớn rất nhanh. Chỉ sau 2 năm, chúng tăng rất nhanh, từ 10 kg lên 20-30kg/con”, anh cho hay.
Thấy lạ, anh cắt một mẫu vây cá và gửi đến Đại học Cần Thơ làm xét nghiệm ADN và phát hiện đó là giống cá tra dầu. Kết quả khẳng định 99% là giống cá tra dầu quý hiếm.
Lên mạng tìm hiểu, anh biết được loại cá này ở Thái Lan có những trang trại nuôi quy mô lớn. Năm 2019, anh đã bỏ ra rất nhiều tiền và thời gian để sang đây tìm hiểu. “Đi đi về về cả chục lần, tôi đi thăm rất nhiều trang trại nuôi cá tra dầu và cá hô. Chủ một trang trại bên đây thấy tôi nhiệt tình nên đã tặng cho 1.000 con cá tra dầu giống về nuôi. Tôi để chúng vào 2 thùng xốp và vận chuyển về nước mất đến 80 triệu đồng”, anh nói.
Khi về tới nước ta, cá giống chết đến quá nửa. Anh thả xuống ao nuôi nhưng chúng vẫn tiếp tục chết. Anh phải mất nhiều ngày đêm tìm hiểu và quan sát mới có tìm được ra cách nuôi để chúng có thể phát triển. Cuối cùng, anh chỉ còn 200 con cá sống sót và giờ chúng đã nặng từ 15-17kg/con.
Anh hiện đang liên kết bao tiêu sản phẩm cho 10 gia đình ở Tiền Giang, Long An...
Đến nay, anh hiện có tổng cộng 5.000 con cá tra dầu, trong đó gần 300 con nặng 30-50 kg.Tuy nhiên, đàn cá này anh nuôi để bảo tồn và tìm cách cho chúng sinh sản, không muốn bán.
Ngoài cá tra dầu, anh còn nuôi các loại cá có kích thước lớn khác như cá hô, hồng vỹ, chép koi. Trong đó, cá hô, hồng vỹ… anh đã học được kỹ thuật và cho chúng sinh sản được, dù số lượng chưa có nhiều.
Hiện, anh có 3 cơ sở sản xuất: một trại cá trưng bày, một ao nuôi trung chuyển rộng 1 ha và một ao ươm giống 7 ha. Trang trại có bốn lao động làm việc thường xuyên và liên kết bao tiêu sản phẩm cho 10 gia đình ở Tiền Giang, Long An...
Nhờ việc kinh doanh cá và bán cá giống, anh tiết lộ doanh thu khoảng 3 tỷ đồng mỗi năm, lợi nhuận 30%. Thời gian tới, anh vẫn tiếp tục làm công việc này, giúp những người cùng đam mê có thu nhập ổn định từ việc nuôi các loại cá khổng lồ.