1. Dạy con trai cách cư xử tử tế với phụ nữ
Dạy cho con trai cách cư xử tôn trọng là chìa khóa để giúp con hiểu cách đối xử với mọi người trong cuộc sống, bằng sự tôn trọng và tử tế, đặc biệt với phụ nữ. Làm gương cho con là cách tốt nhất để trẻ thấy sự tôn trọng là chuẩn mực chứ không phải ngoại lệ.
Nói chuyện với con một cách tôn trọng, cẩn thận sử dụng ngôn ngữ không có bình luận và trò đùa phân biệt giới tính. Khi nghe người khác đưa ra bình luận xúc phạm, hãy phê bình họ. Cho con thấy tôn trọng luôn là điều đúng nhất, bất kể tình huống nào.
Nếu muốn con trai tôn trọng và đối xử bình đẳng với phụ nữ, cần phải cho con thấy bạn không thiên vị giới tính này hơn giới tính khác trong cách nói chuyện, cách đối xử với mọi người và cách nói về phụ nữ.
Cha mẹ nên khuyến khích con coi phụ nữ là bình đẳng, không phải đối tượng để tôn kính hay sợ hãi. Hãy hành động để cho con thấy phụ nữ có khả năng như nam giới.
|
Để nuôi dạy con trai giỏi giang thành đạt, có nhân phẩm tốt, cha mẹ cần nhớ các nguyên tắc. Ảnh minh họa. |
2. Đừng ép con trai luôn phải mạnh mẽ
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng, sau này con trai lớn lên sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống, vì thế chúng không được trẻ con, không được rụt rè, đặc biệt không được khóc. Bởi những hành động đó chỉ dành cho con gái mít ướt yếu đuối. Vì quan niệm này, phụ huynh thường ép con trai mình phải mạnh mẽ, phải dũng cảm. Nhưng cũng chính điều đó khiến cho khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày 1 xa cách. Bởi cảm xúc của con không được người thân cảm thông. Con không cảm thấy được sự gần gũi từ cha mẹ mình. Dần dần con tự khép mình, ngại chia sẻ hơn.
Thực tế, bé trai hay bé gái đều có những nỗi buồn, nỗi sợ giống nhau. Khi con khóc không hẳn chúng yếu đuối mà chỉ là con đang "xả" cảm xúc tiêu cực ra mà thôi. Việc giữ những suy nghĩ không tích cực trong lòng còn có thể khiến trẻ bị trầm cảm, stress. Hoặc con cũng trở nên lạnh lùng, không biết quan tâm và chia sẻ, cảm thông cho người khác.
3. Dạy con trai cũng cần biết làm việc nhà
Một cậu bé nọ ở Trung Quốc phàn nàn rằng bản thân mệt mỏi sau khi đi học cả ngày, về nhà còn bị mẹ yêu cầu phải rửa bát, nấu cơm, gập quần áo. Cậu bé phụng phịu cãi lại: "Con vẫn chỉ là một đứa trẻ, sao mẹ bắt con làm nhiều vậy?".
Nghe con nói vậy, người mẹ từ tốn giải thích: "Cho dù con học rộng hiểu sâu, biết nhiều thứ ngôn ngữ thì con cũng cần trở thành một người sống có trách nhiệm với gia đình. Con cần phải biết chia sẻ công việc với mọi người".
Làm việc nhà không chỉ là trách nhiệm của riêng con gái. Ngay cả trẻ trai cũng nên được khuyến khích làm việc nhà. Tinh thần trách nhiệm sẽ không chỉ giúp con trong trường học, mà còn hỗ trợ cuộc sống đời thường. Kỹ năng làm việc nhà cũng giúp con tự tin khi sống độc lập, không có cha mẹ bên cạnh.
4. Giúp con trai có ý thức về những luật lệ
Người Nhật Bản có một câu nói như sau: "Tình yêu và quy tắc song hành với nhau, nó là gia sư tốt nhất cho cuộc đời mỗi người". Nếu lớn lên trong tình yêu thương, sự quan tâm, đùm bọc nhưng không có luật lệ, trẻ sẽ mất đi sự cân đối.
Nếu một đứa trẻ không được giáo dục bằng các luật lệ, quy định sẽ rất dễ mắc lỗi sai trong cuộc sống. Bởi khi đó, trẻ không có sự ràng buộc, hành động theo bản năng. Vì vậy, ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ cần thiết lập các quy tắc để trẻ biết nể sợ. Trẻ phải hiểu được đâu là việc nên làm, đâu là việc tuyệt đối không được mắc lỗi.
Những bé trai biết tôn trọng luật lệ và chịu trách nhiệm theo quy định sẽ hình thành tính tự giác, tự lập, có lí trí mạnh mẽ. Và trẻ thường có cơ hội thành công cao trong tương lai.
|
Dạy con trai bạn về bình đẳng giới là điều tối quan trọng cho sự phát triển và trưởng thành, giúp trẻ trở thành người đàn ông biết tôn trọng. Ảnh minh họa. |
5. Khuyến khích giao tiếp cởi mở
Bước tiếp theo là khuyến khích con giao tiếp cởi mở. Cho con trai bạn có cơ hội đặt câu hỏi và bày tỏ suy nghĩ bằng cách sẵn sàng trả lời và hướng dẫn con.
Cha mẹ nên tạo ra một môi trường an toàn, không phán xét, nơi con trai có thể đặt câu hỏi mà không cảm thấy xấu hổ.
6. Đừng nuông chiều con trai thái quá
Ngược lại với sự nghiêm khắc, nhiều cha mẹ lại thiên vị, nuông chiều con trai một cách thái quá. Đặc biệt những trẻ lớn lên trong gia đình giàu có, con được bố mẹ chu cấp không thiếu thứ gì. Điều này khiến bé trai trở nên phụ thuộc. Con không thể tự lập. Không những thế trẻ còn nghĩ mình là trung tâm của vũ trụ và yêu cầu mọi người phải đáp ứng mọi nhu cầu của chúng.
Tương lai không ai biết trước điều gì, cha mẹ không thể lúc nào cũng bên con trai. Vì thế phụ huynh cần dạy cho trẻ sự tự lập. Đừng nuông chiều chúng quá mức.
7. Cho con trai được thể hiện sở thích cá nhân
Nếu con trai thích khiêu vũ, bạn hãy để con đi học. Các bậc cha mẹ đừng nên chê cười hoặc cấm đoán con thích những hoạt động được mặc định không phải của con trai như múa hát, mỹ thuật... Thay vào đó, bạn nên ủng hộ niềm đam mê của trẻ và khuyến khích con đối phó những lời trêu chọc từ người khác.
|
Các bậc cha mẹ đừng nên chê cười hoặc cấm đoán con thích những hoạt động được mặc định không phải của con trai như múa hát, mỹ thuật... Ảnh minh họa.
|
8. Cho con trai tự do khám phá
Các nhà khoa học người Anh đã tiến hành một nghiên cứu sau: Họ để 10 đứa trẻ trong tầm tuổi 9 – 12 tuổi vào một không gian có nhiều giấy bút, màu vẽ, đồ chơi và không có sự giám sát của cha mẹ. Trẻ lập tức vẽ màu lên tường những đường nét ngoằn nghoèo, cắt dán giấy khiến khắp nơi bừa bãi. Thậm chí trẻ còn vẽ cả lên mặt nhau.
Nhiều phụ huynh quan sát con trong một góc kín không khỏi "tăng xông", muốn cho con một trận đòn.
Tuy nhiên trên thực tế, sự tự do khám phá là điều không thể thiếu trong quá trình phát triển của trẻ. Nếu cha mẹ không cho trẻ tự do khám phá, trẻ sẽ mất đi sự tự chủ, nhanh nhạy trong cuộc sống. Ngược lại, nếu cha mẹ trao cho con quyền năng này, con sẽ phát triển toàn diện, trở nên thông minh, nhanh nhẹn và tự tin trước mọi khó khăn.
9. Dạy con trai biết thừa nhận thất bại
Cha mẹ cần dạy con trai biết rằng không ai hoàn hảo. Vì vậy, không có lý do gì để tự trách bản thân khi gặp thất bại. Biết gạt bỏ cái tôi và lòng tự trọng để thừa nhận thất bại có thể giúp con trưởng thành hơn từ những sai lầm.