“Hồi đó, người dân chỗ tôi đi đào dúi rừng về bán giá cao, khoảng 200.000 đồng/kg. Nhưng nhu cầu ngày một cao mà số lượng dúi đào được ngày một ít, tôi mới bắt đầu tìm hiểu thì thấy dúi ăn tre rừng. Khu vực tôi ở thì tre rừng rất nhiều, đất nông nghiệp có sẵn. Tôi nảy ra ý định sẽ khởi nghiệp với con vật này”, anh cho hay.
Khi tìm hiểu, anh biết được nuôi dúi chi phí thức ăn thấp hơn so với nuôi gà, heo công nghiệp nếu làm theo quy mô kĩ thuật bài bản. Đặc biệt, thức ăn lại dễ kiếm và rất rẻ. Vì thế, anh bàn với gia đình để nuôi con vật này.
Anh Sơn Trường khởi nghiệp nuôi dúi thành công sau bao năm thất bại.
Được gia đình ủng hộ, đầu tư cho anh khoảng 70 triệu tiền vốn để khởi nghiệp vào năm 2011, tại thời điểm đó, số tiền này khá lớn so với anh. Cầm tiền trong tay, anh lao đầu vào tìm hiểu nhưng trên mạng cũng rất ít thông tin chia sẻ, ngoài đời thực cũng chẳng biết ai để theo học.
“Kiến thức ít ỏi cộng với việc kinh nghiệm chưa có, tôi gặp thất bại nhiều đến mức giờ không thể đếm nổi là bao nhiêu lần. Đã có lúc, tôi nản chí và muốn bỏ cuộc. Suốt mấy năm, từ khi khởi nghiệp đến 2017, đó là quãng thời gian mà tôi không muốn nhớ tới”, anh tâm sự.
Anh kể có lần dúi bị bệnh chết hàng loạt, rồi những lần dúi chậm lớn, dúi mẹ đẻ ra ăn dúi con… Những lần đó, anh đau đầu tìm phương án giải quyết, thay đổi cách chăm sóc, kiểu chuồng... nhưng càng cố gắng khắc phục, mọi thứ càng tệ.
Đã có nhiều lúc nản chí, muốn bỏ cuộc, anh lại suy nghĩ rất nhiều và tiếp tục với việc nuôi dúi.
Anh Sơn Trường đã nghĩ đến việc dừng lại việc nuôi dúi vì bao năm qua anh tốn không biết bao nhiêu tiền của, công sức và thời gian mà chưa thu lại được kết quả gì. “Nhưng tôi lại nghĩ đến việc mình từng thất bại trong học vấn, học nghề giờ lại thất bại tiếp sao? Bao kỳ vọng của gia đình chẳng lẽ mình lại bỏ hết? Rồi những lời tôi từng tuyên bố hùng hồn sẽ thành công với gia đình, bạn bè…? Chẳng lẽ giờ lại bỏ hết tất cả những gì bao năm cố gắng?”, hàng loạt câu hỏi đặt ra trong đầu khiến anh không thể dừng lại.
Tuy nhiên, một năm sau đó, tức năm 2018, anh không chỉ nuôi dúi để cho có, mà tập trung nhiều vào nghiên cứu và tìm hiểu cách nuôi. Bên cạnh đó, anh thuê đất làm nông nghiệp, mở xưởng làm gỗ… khỏa lấp những thời gian trống.
Theo anh, dúi chỉ cần ăn 2 bữa/ngày, không cần chăm sóc gì nhiều nên rất nhàn cho người nuôi.
Năm 2019, anh bắt đầu có doanh thu và lợi nhuận sau bao lần thất bại từ nuôi dúi. Đến nay, anh nhận định nuôi dúi rất nhàn và lợi nhuận cao. Chỉ cần nuôi khoảng 3-4 tháng, người nuôi có thể bán con giống với giá khoảng 1,5 triệu đồng/cặp, nuôi 8-9 tháng là bán dúi thịt với giá 550.000 đồng/kg.
Với số tiền thu lại được từ nuôi dúi, anh tái đàn và xây dựng thêm trang trại sản xuất thức ăn, chăn nuôi khép kín, thuận tiện trong việc chăm sóc. Tính đến thời điểm hiện tại, trang trại nhà anh có khoảng 1.000 con dúi.
“Nuôi dúi rất nhàn, thức ăn của chúng là tre, mía, cỏ voi, bắp hạt… những thứ này dễ kiếm ngoài tự nhiên và dễ trồng. Đầu ra của chúng thì rất ổn định, nếu hàng chất lượng thì kể cả trong tương lai cũng không phải lo. Riêng về dúi thịt, người nuôi chú ý đến chất lượng tốt, không được để dúi mập quá, người tiêu dùng không thích, nhà hàng họ cũng không thu mua”, anh chia sẻ.
Đến nay, trang trại của anh có khoảng 1.000 con dúi.
Mỗi ngày, dúi chỉ cần ăn 2 bữa là sáng và chiều tối. Đặc biệt, dúi có sức đề kháng rất tốt, không tiêm hay uống thuốc phòng bệnh. Nếu làm đúng quy trình, chúng sẽ rất ít khi bị bệnh. Một năm, anh chỉ tốn khoảng 20-30 nghìn tiền thuốc – đó là thuốc kháng sinh điều trị chúng cắn nhau bị thương khi giao phối.
Theo anh, tất cả các quy trình từ làm chuồng, con giống, kỹ thuật chăm sóc đều thực hiện đúng thì nuôi dúi rất nhàn, ít bị bệnh mà mang lại lợi nhuận cao.
Vì nuôi dúi nhàn, anh đã để cho vợ anh quản lý. Chỉ khi nào cần, anh sẽ đứng ra làm và hỗ trợ. Còn anh, anh mở thêm xưởng mộc và làm các công việc khác để có thêm thu nhập.