Với những ai là "tín đồ" ăn trứng vịt lộn đều không thể bỏ qua phần được xem ngon nhất của quả trứng, đó là phần nước ngon, ngọt khi ăn vào. Khi được hỏi, nước đó như thế nào, ai cũng trả lời là "rất bổ", thậm chí là "bổ như sâm". Tuy nhiên, nước trứng lộn có thực sự bổ như nhiều người kỳ vọng?
Sự thật thông tin "nước trứng trong quả vịt lộn bổ như sâm" Để trả lời về vấn đề này, trước hết chúng ta cần tìm hiểu về giá trị dinh dưỡng của trứng vịt thường và trứng vịt lộn xem có khác nhau nhiều hay không. ThS BS Đặng Ngọc Hùng (Viện nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng) cho biết: "Về thành phần thì 2 loại trứng này không khác nhau nhiều. Một trứng vịt thường chứa: 90 kcal, đạm 6.4g, béo 7g, glucid 0.5g, cholesterol 294mg. Một trứng vịt lộn chứa: 98 kcal, đạm 7.3g, béo 6.7g, glucid 2.2g, cholesterol 324mg.
Đây là so sánh 2 trứng bất kỳ, còn nếu cùng 1 trứng cho 2 quá trình (như trứng vịt lộn) thì sự khác biệt không lớn. Nghĩa là bản thân vịt lộn và vịt thường cũng không bổ hơn nhau bao nhiêu".
Chia sẻ về thông tin nước trong quả trứng vịt lộn được xem là phần bổ nhất của quả trứng, chuyên gia phân tích như sau: Ở con vịt thì đó là phần lớn nước tiểu con vịt. Chúng ta chỉ nên xem nó như một món ăn bình thường, cũng ngon và thú vị chứ phần nước đó không quá bổ như nhiều người nghĩ.
ThS BS Đặng Ngọc Hùng chia sẻ, trứng vịt lộn tuy bổ nhưng không nên ăn nhiều vì có thể gây tăng cholesterol, mỗi lần chỉ nên ăn 1-2 quả.
Ăn trứng vịt lộn vào thời điểm nào trong ngày là tốt nhất?
Theo Viện Dinh dưỡng Lâm sàng, "thời điểm vàng" để ăn trứng vịt lộn chính là vào buổi sáng. Tránh ăn vào bữa tối vì lúc này quá trình trao đổi chất của cơ thể diễn ra chậm hơn nên dễ gây đầy bụng, khó tiêu, đầy hơi, khó ngủ nhất là khi ăn nhiều.
Đối tượng nào không nên ăn trứng vịt lộn?
1. Người bệnh thận
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), người bệnh thận thường gặp vấn đề lớn trong quá trình trao đổi chất, lượng nước tiểu giảm khiến thận không thể lọc hết mọi độc tố ra bên ngoài. Trong khi đó, việc ăn trứng vịt lộn sẽ làm cho lượng urê trong cơ thể tăng cao, gây tổn thương thận, thậm chí nhiễm độc đường tiết niệu. Do đó đối tượng này không nên hoặc cần hạn chế ăn.
2. Bệnh nhân bị bệnh gan nhiễm mỡ, tim mạch
Theo PGS.TS. Trần Đình Toán (Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Lâm sàng), nhóm người này nên kiêng hoặc tránh ăn nhiều vì trứng vịt lộn nhiều chất. Nếu ăn sẽ làm tăng gánh nặng cho gan, tăng nguy cơ vữa xơ động mạch gây tắc nghẽn động mạch, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
3. Người mắc bệnh gút
Món ăn này có chứa rất nhiều protein, càng ăn nhiều càng gây tăng lượng protein trong máu khiến tình trạng bệnh gút trở nên nguy hiểm hơn.
4. Trẻ dưới 5 tuổi
Hệ tiêu hóa của trẻ lúc này vẫn chưa thực sự trưởng thành, chỉ nên cho ăn hạn chế để tránh tình trạng chướng bụng, đầy hơi, ậm ạch khó tiêu thậm chí là tiêu chảy.
5. Người bị cao huyết áp
Bệnh nhân cao huyết áp cần tránh ăn trứng vịt lộn bởi khi ăn thực phẩm này, cơ thể sẽ thu nạp một lượng lớn chất đạm và cholesterol – 2 chất gây nên tình trạng cao huyết áp.