Biến nước thải thành nước uống
Hệ thống lọc nước nano được các nhà khoa học Hàn Quốc giới thiệu và trình diễn công nghệ tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Theo đó, hệ thống lọc nước bằng mạc lọc nano. Nguồn nước được lấy thử nghiệm là nước ở các sông ô nhiễm nhất Hà Nội là Tô Lịch, Kim Ngưu, một số ao hồ nước tù đọng để lọc. Hệ thống lọc không cần điện, loại được các chất hữu cơ hay vi khuẩn độc hại và không có nước thải. Hệ thống thế năng có độ cao 2m trở lên sẽ đẩy nước qua màng lọc giống như những cột áp đẩy qua hệ thống lọc và nước sạch được chảy ra tại vòi. Hơn 99% lượng nước đi vào sẽ được đi ra.
Ống lọc 1 sẽ lọc những vật thể lớn như đất đá, cát sỏi, oongcs lọc thứ 2 lọc các vật liệu nhỏ hơn và ống lọc thứ 3 lọc các vật liệu có kích cỡ micromet. Ống thứ 4 tùy theo chất lượng nước đầu vào để lắp đặt vì là ống lọc than hoạt tính, cho phép loại bỏ mùi hôi và chất độc hại trong nước. Với màng lọc này, ngay cả asen là thành phần kim loại gây hại trong nước cũng sẽ được giữ lại để cho một nguồn nước sinh hoạt an toàn. Để chứng minh khả năng lọc sạch của hệ thống, nhóm các nhà khoa học đã thực hiện trình diễn hệ thống, nước được uống ngay từ vòi lọc với mùi và vị giống như nước uống tinh khiết.
TS Nguyễn Văn Lạng, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, cho biết, nước sau khi lọc có khoáng chất tốt cho cơ thể. So với hệ thống lọc RO phổ biến hiện nay thì đây là một giải pháp công nghệ hữu ích, phù hợp với nhiều địa phương ở Việt Nam. Mỗi năm chỉ cần thay bộ lọc 1 lần là có thể sử dụng mãi mãi.
Hiện các nhà khoa học đã tiến hành lắp thử nghiệm ở một số tỉnh như Đồng Tháp, Hà Nội. Nếu được đón nhận và phát huy hiệu quả thì các cơ quan chức năng sẽ tiến hành ký kết chuyển gia công nghệ, sản xuất màng lọc trong nước để hạ giá thành sản phẩm.
Hệ thống lọc nước bằng màng lọc nano. |
Cẩn trọng nguồn nước đưa vào lọc
TS Trần Đức Hạ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường đặt câu hỏi về nước nguồn đưa vào lọc. Nếu lấy nước nguồn từ sông Tô Lịch, Kim Ngưu thì sợ là nước uống sẽ có vấn đề vì đây là những con sông ô nhiễm nhất Hà Nội, hơn nữa có thể sẽ làm tắc màng lọc.
Tuy nhiên, theo khẳng định của các nhà khoa học Hàn Quốc, điều này hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến màng lọc. Vì có thể lọc được vật liệu có kích thước nano nên asen cũng sẽ bị chặn lại. Duy chỉ có một tồn tại là hệ thống không lọc được nước mặn thành nước ngọt. Hệ thống chỉ xử lý được nước ngầm, nước mưa, nước sông hồ.
Ông Phạm Đình Kiên, Viện Nước, Khí tượng và Môi trường cho hay, hiện trên thế giới cũng như ở Việt Nam, để xử lý asen thì người ta phải sử dụng vật liệu hấp thụ cứ không dùng màng lọc. Việc xử lý asen cần cẩn trọng vì nếu không cẩn thận, sau khi sử dụng một thời gian, vật liệu màng lọc sẽ bão hòa, không hấp thụ được asen nữa dẫn đến lượng asen bị giữ lại trong quá trình lọc trước sẽ đi vào đường nước lọc.
Việt Nam đang nhập khẩu hạt hấp thụ asen từ Nga và đã ứng dụng khá rộng rãi để xử lý nước. Màng lọc asen có thể coi là một đột phá mới về công nghệ cần khảo nghiệm chắc chắn trước khi ứng dụng.
Theo các chuyên gia, hệ thống lọc nước cho cả vùng nông thôn đang là vấn đề rất thiếu, hiện mới chỉ có các hệ thống lọc thí điểm phục vụ người dân vùng lũ, chưa có một hệ thống hoàn chỉnh để áp dụng. Tới đây, các nhà khoa học sẽ cùng nhau thử nghiệm chất lượng nước sau lọc tại Hà Nội và Đồng Tháp để tính phương án nhân rộng ở các địa phương có nhu cầu về nước sạch.
Hiện giá thành của hệ thống là 15.000 - 20.000USD với tần suất tối đa là 18 khối nước/ngày tương đương với 5 lít/phút, 300 lít/giờ. Mỗi năm sẽ phải thay hệ thống lọc 1 lần. Theo tính toán thì đầu tư lớn nhưng có thể sử dụng lâu dài, một hệ thống đáp ứng đủ nhu cầu nước sinh hoạt cho nhiều hộ dân.