Cử tri Pháp trong ngày 20/11 được kêu gọi đến 10.228 điểm bỏ phiếu trên toàn nước Pháp để lựa chọn ra 2 trong số 7 ứng cử viên của các đảng cánh hữu và các đảng trung dung tham dự cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Pháp năm 2017.
Từ 2 người này, một cuộc bỏ phiếu vòng 2 sẽ được tổ chức vào ngày 27/11 để chọn ra ƯCV đại diện cho cánh hữu và các đảng trung dung tham dự cuộc đua vào điện Elysees tháng 4/2017.
Tổng thống đương nhiệm Francois Hollande. (Ảnh: AP). |
Dù chỉ là cuộc bầu cử sơ bộ vòng 1 của các đảng cánh hữu và trung dung nhưng cuộc bầu cử này được truyền thông và dư luận Pháp đặc biệt quan tâm. Những cuộc thăm dò dư luận trước ngày bầu cử cho thấy sẽ có khoảng 10% cử tri Pháp đi bầu, tương đương khoảng 4,5 triệu cử tri.
Nếu điều này được khẳng định thì đây sẽ được coi là thắng lợi lớn của các đảng cánh hữu bởi năm 2011, cuộc bầu cử sơ bộ vòng 1 của các đảng cánh tả chỉ thu hút được hơn 2,8 triệu cử tri Pháp.
Bầu cử Tổng thống mi-ni
Nhìn vào cục diện trên chính trường Pháp hiện nay, hai vòng bầu cử sơ bộ của cánh hữu trên thực tế được không ít nhà phân tích chính trị Pháp coi như là một cuộc bầu cử Tổng thống mi-ni bởi rất nhiều yếu tố cho thấy, ƯCV đại diện cho cánh hữu nắm giữ khả năng rất lớn trở thành Tổng thống mới của nước Pháp vào năm 2017.
Kịch bản như sau đã được nói đến suốt từ nhiều tháng qua: 1 ƯCV cánh hữu (khả năng lớn là Alain Juppé hoặc Nicolas Sarkozy) đối mặt với Marine Le Pen (Mặt trận quốc gia) và Francois Hollande (Tổng thống đương nhiệm, đại diện cánh tả) tại vòng 1 bầu cử Tổng thống Pháp vào tháng 4/2017.
Chiến thắng vòng 1 là Marine Le Pen và ƯCV cánh hữu. Tại vòng 2, trước mối đe doạ đến từ một đảng cực hữu bài ngoại (giống cuộc bầu cử 2002), cử tri Pháp sẽ ồ ạt bỏ phiếu cho ƯCV cánh hữu và khi đó cánh hữu sẽ giành lại chính quyền sau khi để mất vào tay đảng Xã hội năm 2012.
Kết quả các cuộc thăm dò dư luận và các phân tích bầu cử thời gian qua ủng hộ kịch bản này bởi với sự thăng tiến mạnh mẽ của đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) trong vài năm qua và trong bối cảnh quốc tế ghi nhận sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, dân tuý và bài ngoại, cơ hội để Chủ tịch đảng này là Marine Le Pen vượt qua vòng 1 bầu cử Tổng thống Pháp được xem là lớn nhất trong số các ƯCV hiện nay. Câu hỏi còn lại, vì thế, chỉ là xem ƯCV nào của cánh tả hay cánh hữu sẽ là đối thủ của bà Marine trong vòng 2?
Mọi dữ kiện ở hiện tại đều chỉ ra rằng, ƯCV thất bại ở vòng 1 khả năng lớn sẽ là người của cánh tả. Nguyên do là sau 5 năm cầm quyền của đảng PS và Tổng thống Francois Hollande, cánh tả Pháp đang suy yếu nghiêm trọng. Các chính trị gia nổi bật của cánh tả đều đang có uy tín thấp trong xã hội Pháp, điển hình như Tổng thống Hollande chỉ được khoảng 10% dân chúng ủng hộ do thành tích điều hành kinh tế yếu kém.
Điều nghiêm trọng nhất, đó là sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ cánh tả và nội bộ đảng Xã hội. Các đảng cánh tả như Mặt trận cánh tả (FG), đảng Cộng sản Pháp (PCF) hay đảng Xanh từ lâu nay tuyên bố không liên minh và không ủng hộ các chính sách của đảng PS cầm quyền.
Trong nội bộ PS có các phe phái nổi lên công khai thách thức quyền lực của Tổng thống Hollande, dẫn đầu là các cựu Bộ trưởng trong chính quyền của ông Hollande như Arnaud Montebourg, Benoit Hamon... và một số lượng lớn các nghị sỹ “nổi loạn” trong Quốc hội.
Tất cả những điều này buộc cánh tả Pháp cũng phải làm một việc hiếm hoi là tổ chức vòng bầu sơ bộ vào tháng 1/2017 dù theo truyền thống chính trị Pháp, Tổng thống sắp hết nhiệm kỳ đầu tiên được xem là ƯCV tự nhiên của phe cầm quyền.
Nhưng, tình trạng bế tắc đó bên cánh tả chính là thứ làm nên sức mạnh cho cánh hữu. Cánh tả càng chia rẽ, càng suy yếu thì cơ hội cho cánh hữu giành lại quyền lực vào năm sau càng cao.
Kịch bản ưa thích của cánh hữu, như những gì các cuộc thăm dò chỉ ra là: ông Hollande tiếp tục đại diện cánh tả ra tái tranh cử và 90% sẽ bị loại ngay sau vòng 1.
Tất nhiên, cho đến hiện tại thì ngay cả việc ông Francois Hollande có ra tái tranh cử hay không cũng đang là một nan đề với đảng Xã hội. Nhưng, dù đại diện cho cánh tả là ai, Tổng thống Hollande hay Thủ tướng Manuel Valls, phe cánh hữu đều đang rất tự tin vào cơ hội của mình.
Cuộc đua tay ba?
Chính vì những tính toán như trên nên cuộc bầu cử sơ bộ để chọn ra ƯCV đại diện cánh hữu và trung dung tranh cử Tổng thống năm sau diễn ra cực kỳ quyết liệt và khắc nghiệt.
Có 7 ƯCV tham gia nhưng nổi bật là cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, người thất bại trước ông Hollande năm 2012, và hai cựu Thủ tướng Alain Juppé và Francois Fillon. Trên thực tế, việc bất ngờ thăng tiến mạnh mẽ trong các cuộc thăm dò dư luận 2 tuần qua mới đặt ông Fillon vào thế có thể cạnh tranh còn trước đó, hầu hết các phân tích đều nghiêng về kịch bản đây là cuộc đua tay đôi giữa Sarkozy và Juppé.
Alain Juppé, cựu Thủ tướng trong chính quyền Jacques Chirac, cựu Ngoại trưởng trong chính quyền Nicolas Sarkozy, đương kim Thị trưởng Bordeaux, được xem là ƯCV số 1 trong một thời gian dài, với dự tính số phiếu nhận được từ 32-35%.
Nicolas Sarkozy xếp sau với khoảng 25-28% và Francois Fillon từ 23-25%. Tuy nhiên, sau cuộc tranh luận thứ 3 trên truyền hình hôm 17/11 và sát đến ngày bầu cử, sự ủng hộ giành cho Fillon càng tăng và cuộc thăm dò mới nhất của IPSOS hôm 18/11 cho thấy cả 3 ƯCV Alain Juppé- Nicolas Sarkozy-Francois Fillon đều có thể giành từ 28-30% số phiếu bầu và Fillon thậm chí dẫn đầu.
Điều này tạo nên một cuộc đua tranh rất khó lường bởi không giống như một cuộc bầu cử Tổng thống, nơi mà những công dân Pháp đã đăng ký trong danh sách cử tri và có phiếu cử tri gần như bắt buộc phải đi bầu, cuộc bầu cử sơ bộ vòng 1 này là cuộc bầu cử “mở” với rất nhiều ẩn số.
Thứ nhất, tuy là cuộc bầu cử sơ bộ của các đảng cánh hữu và các đảng trung dung nhưng bất cứ công dân Pháp nào có đăng ký trong danh sách cử tri mới nhất cập nhật ngày 30/12/2015 đều được phép đi bầu với lệ phí chỉ 2 euro, sau khi đã ký vào một cam kết tôn trọng các giá trị của cánh hữu.
Vì thế, tỷ lệ cử tri đi bầu thực sự sẽ là một ẩn số và có tác động lớn đến kết quả. Trên lý thuyết, càng nhiều cử tri “ngoại đạo” (tức không phải đảng viên hay cảm tình viên cánh hữu) đi bầu thì các ƯCV như Juppé hay Fillon càng lợi bởi những người này đa số đã mất hết lòng tin với ông Sarkozy sau nhiệm kỳ Tổng thống 2007-2012.
Ngược lại, nếu các cử tri mang tư tưởng cánh hữu đi bầu đông đảo thì ông Nicolas Sarkozy có thể hưởng lợi bởi trong nội bộ đảng LR (Những người Cộng hoà), uy tín của ông Sarkozy vẫn cao hơn ông Juppé. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một nghịch lý khác: có khả năng nhiều người của cánh tả đi bầu cho ông... Sarkozy, nếu muốn ngăn chặn ông Alain Juppé, ƯCV được xem là “chắc thắng” nhất nếu đại diện cho cánh hữu ra đua tranh chức Tổng thống năm sau.
Ngoài ẩn số về tính chất và số lượng cử tri đi bầu, còn nhiều yếu tố khác khiến cuộc bầu cử sơ bộ này khó đoán định, như liệu hiệu ứng của cuộc bầu cử Mỹ với chiến thắng của một ƯCV dân tuý và có phần bảo thủ như ông Donald Trump sẽ tác động ra sao đến lựa chọn của cử tri Pháp? Hay lý giải ra sao về sự thăng tiến rất mạnh vào phút chót của ông Francois Fillon?... Và cuối cùng, là liệu cử tri sẽ ưa thích một ƯCV ôn hoà như ông Alain Juppé hay đã sẵn sàng bỏ qua những di sản tồi tệ của ông Sarkozy thời làm Tổng thống và trao cho ông này cơ hội thứ 2 với những hứa hẹn chính sách cứng rắn, thậm chí là không kém phần cực hữu nếu so với Mặt trận quốc gia?
Tuy nhiên, vì đây là cuộc bầu cử 2 vòng nên chắc chắn, câu hỏi được chờ đợi nhất ở vòng 1 sẽ là: liệu Francois Fillon có đủ sức chen chân vào cuộc đua tưởng như đã mặc định là dành cho Alain Juppé và Nicolas Sarkozy?