Đó là cuộc đời bất hạnh của người mẹ đơn thân Đào Thị Thương (29 tuổi, xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An).
Ngày đi đẻ trong nước mắt của nữ ô sin 22 tuổi từng có con với cậu chủ nhưng bị chối bỏ
Thương là chị cả trong gia đình bất hạnh, có 4 chị em gái. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ bị tâm thần, bố suốt ngày say sỉn nên cả 4 chị em Thương đều thất học.
Mới 9 tuổi, Thương phải đi làm ô sin cho một gia đình nhà giàu cách nhà gần chục km để nuôi bản thân. Công việc hàng ngày của Thương là lau dọn nhà cửa, giặt dũ, cơm nước cho chủ nhà.
Thời gian sau này, thấy Thương ngoan ngoãn, nhanh nhẹn, làm được việc nên chủ nhà giữ chân bằng cách chi trả tiền lương từ 400 nghìn, rồi dần dần lên 800, 1 triệu đồng/tháng. Số tiền lương nhận được, Thương gửi hết về cho bố phụ trang trải cuộc sống gia đình.
Ngày đi đẻ trong nước mắt của nữ ô sin 22 tuổi từng có con với cậu chủ nhưng bị chối bỏ
Thương bên cậu con trai bị gia đình nội chối bỏ. |
Năm 22 tuổi, cuộc đời của Thương trở nên tăm tối khi trót mang thai với cậu chủ. Khi linh cảm có một sinh linh đang lớn dần trong bụng thì Thương mới chột lạ, lo sợ. Thế nhưng, chẳng biết chia sẻ cùng ai khi bên cạnh không một người thân,Thương đành chấp nhận chờ đến ngày sinh nở.
Tháng 6/2011, hàng xóm bàng hoàng phát hiện Thương có dấu hiệu chuyển dạ nên đưa đến bệnh viện. Một bé trai kháu khỉnh chào đời trong đau đớn, nước mắt.
“Tôi nói đứa trẻ là con của cậu chủ nhưng bị gia đình họ chối bỏ ra mặt, còn xua đuổi mẹ con. Tôi chỉ biết gạt nước mắt chấp nhận số phận, nhờ hàng xóm điện thoại cho người thân đến đưa hai mẹ con về quê.
Nghĩ phận mình, tôi không dám trách họ khi không chấp nhận một đứa osin như tôi. Thế nhưng, con trai tôi, nó giống bố như hai giọt nước nhưng họ vẫn nhẫn tâm chối bỏ. Tôi đành làm mẹ đơn thân cho đến tận bây giờ”, Thương gạt nước mắt nhớ lại tháng ngày tủi nhục.
Cuộc sống mới của mẹ đơn thân
Trông Thương trẻ hơn nhiều so với tuổi 29, da ngăm đen vì gió biển, dáng người nhỏ nhắn. Thương vui vẻ ôm cậu con trai và lòng, ngồi bệt giữa căn nhà nhỏ còn vương mùi sơn mới chia sẻ: “Mới đó mà con trai tôi gần 6 tuổi rồi. Thằng bé ngoan và hiếu động lắm.
Năm nay nó đang học mẫu giáo 5 tuổi. Từ ngày có con, dù phải chịu đựng nhiều đắng cay, vất vả nhưng tôi đã tự hứa phải sống để nuôi con, để bù đắp cho con những thiếu thốn mà nó đang phải gánh chịu”.
Con trai Thương mang họ mẹ, đặt tên là Đào Văn Thắng. Đứa trẻ lớn lên trong tình thương yêu của mẹ, ông bà ngoại và bà con lối xóm.
Để có tiền trang trải cuộc sống, nuôi con, chăm mẹ tâm thần, Thương không quản khó nhọc làm đủ các nghề như phụ hồ, lựa cá thuê dưới chân những con tàu vừa cập bến, nướng cá thuê… Những đứa em của Thương cũng đã trưởng thành, xa nhà đi làm thuê, thỉnh thoảng cũng gửi tiền về phụ giúp chị gái chăm sóc bố mẹ.
Từ ngày trở thành ông ngoại bất đắc dĩ, ông Đào Văn Huy (50 tuổi, bố Thương) cũng thay đổi tâm tính, chịu khó làm ăn, không còn rượu chè như trước. Sau bao năm dành dụm, tích góp được một số tiền, bố con Thương đã xây dựng được căn nhà cấp 4 kiên cố để ở.
Nói đến cuộc sống hiện tại, Thương vui mừng cho biết cuối năm nay, Thương sẽ chính thức làm dâu nhà người. Một thanh niên cùng làng ít hơn 7 tuổi hiểu được hoàn cảnh, mong muốn trở thành chỗ dựa cho mẹ con Thương đến suốt cuộc đời.
Chuyện tình cảm của Thương may mắn được gia đình người yêu chấp nhận. Người yêu Thương cũng tỏ ra rất thương yêu, chiều chuộng và hứa sẽ xem con trai riêng của Thương như con ruột. Sau bao nhiêu sóng gió, dường như hạnh phúc đã chịu mỉm cười với Thương.
“Hai đứa nó tính sau khi cưới sẽ đưa thằng bé về sống chung nhưng tôi vẫn muốn giữ lại cháu để chăm sóc, đỡ phần vất vả cho gia đình nhà chồng. Con Thương may mắn làm dâu gần nhà gần cửa nên cũng đỡ lo hơn. Chỉ mong từ nay trở đi, cuộc sống của con, cháu tôi sẽ được đổi thay, hạnh phúc”, ông Huy trải lòng.
(Tên các nhân vật trong bài viết đã được thay đổi)