Trải qua nhiều năm trong nghề, luật sư Trần Quốc Toản (SN 1972), Phó trưởng đại diện văn phòng luật sư Trương Anh Tú - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, trong các vụ án tranh chấp tài sản thừa kế anh ấn tượng bởi một vụ việc ở phố cổ Hà Nội.
Bởi vì lòng tham, tình anh em trong một gia đình đang êm ấm, hòa thuận phải sứt mẻ. Để rồi sau đó, họ đều mang những day dứt khó nguôi ngoai.
Luật sư Toản cho biết, người phụ nữ đến gặp anh nhờ giúp đỡ trong câu chuyện này là bà Nga (SN 1953, ở Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Bà Nga là chị cả trong gia đình, sau bà còn hai em gái, đều đã có gia đình riêng.
Cuộc sống của gia đình bà trước đây vốn vất vả vì chỉ trông chờ vào đồng lương công nhân may của bố mẹ. Trong một lần đến nhà họ hàng chơi, bà Nga được người anh họ chỉ cho lối thoát để mưu sinh. Theo đó, bà sẽ phải sang nước ngoài làm thuê, kiếm tiền thay đổi cuộc sống.
Nghe phương án có vẻ khả thi, bà quyết định bàn với bố mẹ gán nợ ngôi nhà của gia đình cho ngân hàng để vay một số tiền ra nước ngoài. Nghĩ đến tương lai của những đứa con, bố mẹ bà gật đầu đồng ý.
6 tháng sau, bà xuất cảnh thành công. Ở nước ngoài, bà kết hôn, sinh con rồi cùng chồng ra sức làm lụng mở cửa hàng cho riêng mình. Kiếm được bao nhiêu tiền, ngoài vun vén cho cửa hàng, bà đều tìm cách gửi về cho bố mẹ và hai em trả nợ. Nhờ đó, cuộc sống tại quê nhà của họ được cải thiện đáng kể.
Phó trưởng đại diện văn phòng luật sư Trương Anh Tú - Đoàn luật sư TP Hà Nội. Ảnh: Diệu Bình |
Sau khi bố mẹ mất, họ không để lại di chúc. Bản thân bà Nga vẫn sinh sống và định cư ở nước ngoài. Bao năm đầu tư tích cóp, gia thế ông bà thuộc dạng có của ăn của để. Người em thứ 2 lấy chồng, sinh sống ở nơi khác. Vì vậy, bà Nga và người em này quyết định làm thủ tục tặng tài sản là mảnh đất 108m2 có giá trị hàng tỷ đồng của bố mẹ cho người em út quản lý, thờ tự.
Có tiền từ người chị cả trợ giúp, người em út tu chí làm ăn, mở thêm cửa hàng bán quần áo. Trái lại, người em thứ hai của bà bỗng sinh hư, không chịu làm ăn. Có bao nhiêu tiền, bà ta và các con “nướng” hết vào đề đóm, cờ bạc. Hết tiền, bà còn mang toàn bộ giấy tờ, nhà cửa đi cầm cố và vay nặng lãi để đánh bạc tiếp. Đến một ngày, lãi mẹ đẻ lãi con, bà ta đành bán đi ngôi nhà che nắng che mưa của mình.
Không có nhà, lại theo lời xúi giục của các con, bà này quyết định đến gặp em gái út để đề nghị chia đôi mảnh vườn thừa kế của bố mẹ. Khi không được em chấp thuận, bà ta chửi bới, thuê côn đồ dọa dẫm, khiến người em út bị thương không nhẹ. Bà còn tuyên bố từ nay về sau, tình chị em chấm dứt.
Lúc này, bà Nga ở nước ngoài nghe thông tin hai em mâu thuẫn liền gọi điện về quê nhờ người tìm hiểu sự tình.
Sau đó, bà Nga lập tức bay về nước để giải quyết chuyện mâu thuẫn gia đình. Tuy nhiên trước mặt bà, hai người em càng hung hăng, lao vào nhau đánh một trận tơi tả. Đỉnh điểm, họ còn ném ghế, đập bàn đến chảy máu mũi. Bà Nga là chị cả trông thấy thế thì vô cùng đau lòng.
Trong lúc đau khổ ấy, bà tìm đến một vài người bạn và được họ giới thiệu đến gặp luật sư Toản. Bà mong luật sư giúp bà phân định đúng sai, giữ lại tình chị em trong gia đình.
Luật sư Toản nghe câu chuyện, anh thấy rất thương cảm người đàn bà này. Cả một đời lam lũ xứ người, nay về quê, lại chứng kiến cảnh chị em xâu xé vì mảnh đất hương hỏa.
Anh cho biết, về lý thì bà và người em thứ hai đã làm giấy cam kết nhường tài sản cho em út của mình nên trên pháp luật người em này được toàn quyền sử dụng mảnh đất ấy. Nếu kiện ra tòa, người em thứ hai không được chấp thuận. Tuy nhiên muốn cứu vãn tình cảm lúc này thì hiệu quả nhất là dựa vào tình. Anh khuyên bà Nga nên khéo léo nói chuyện với em út để người này ‘nhường’ một phần đất nho nhỏ cho chị.
“Rất may ít ngày sau, người chị hai thấy hành động của mình là nông nổi nên xin lỗi em út. Người em út cũng bao dung nghe lời khuyên can của chị cả nên quyết định cắt hơn 40m2 cho chị gái để kết thúc mâu thuẫn và giữ tình chị em. Bà này cũng đề nghị làm giấy tờ, tách sổ đỏ cho chị”, luật sư Toản cho biết.
Vụ án kết thúc tuy nhiên, sau vụ việc này, luật sư Toản hy vọng những vụ việc anh thụ lý sẽ luôn có những kết thúc nhân văn. Bởi anh em trong gia đình, đứng trước những biến cố lớn thì nên bao dung, độ lượng với nhau, đừng vì chút của cải rồi từ mặt nhau.