Thạc sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết, hiện dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và chuyện chăn gối của các cặp đôi.
Thực tế, có không ít bệnh nhân phải nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ vì những vấn đề tế nhị mình gặp phải, trong đó có cả các giáo viên, nhân văn văn phòng, doanh nhân... Trường hợp gần đây nhất là một nữ thư ký ngoài 30 tuổi ở Hà Nội, gặp trục trặc trong chuyện phòng the khi không thể "lên đỉnh" mỗi lần gần gũi chồng.
Theo chia sẻ của bệnh nhân, tình hình dịch bệnh khiến việc làm ăn của công ty không được suôn sẻ, từ đó ảnh hưởng đến công việc và thu nhập của chị. Chán nản về điều này, chị dần cũng chẳng còn cảm hứng mỗi khi gần chồng.
“Có những lúc gần chồng dù chẳng cảm giác gì nhưng em vẫn ối á cho chồng vui. Hơn một năm như vậy rồi, em sợ bị chai sạn cảm xúc mất”, người vợ bộc bạch với bác sĩ.
Với trường hợp này, bác sĩ Thành khuyên, cần tuyệt đối tránh giả cực khoái để chiều chồng. “Thực tế không chỉ có nữ bệnh nhân trên, rất nhiều chị em khi không có hứng thú chuyện chăn gối thì vẫn chiều chồng và giả vờ là mình lên đỉnh để chồng vui. Điều này gây rất nhiều hiểu lầm trong mối quan hệ.
Chồng bạn sẽ hiểu nhầm và ngày càng ép bạn tham gia nhiều hơn vào các hoạt động tình dục mà bạn không mong muốn. Mặt khác các lần quan hệ giả vở lên đỉnh sẽ để lại những ký ức xấu về đời sống tình dục, lâu ngày sẽ thành những vết sẹo tinh thần gây cùn mòn cảm xúc..
Do đó quan hệ tình dục đòi hỏi thẳng thắn và chân tình cũng như sẻ chia và thấu cảm giữa 2 vợ chồng”, bác sĩ Thành tư vấn.
Không phải chỉ có ở nữ giới, stress căng thẳng cũng triệt tiêu ham muốn tình dục của nam giới, nhất là trong thời buổi điểm dịch bệnh này. Nghiêm trọng hơn, khi một trong hai người suy giảm ham muốn, giảm tần suất quan hệ, và chất lượng giao hợp thì sẽ ảnh hưởng đến người còn lại, khiến người kia cũng khó tìm được ham muốn và đạt cực khoái như mong đợi. Lâu dần sẽ tạo ra khoảng cách và đe dọa hạnh phúc gia đình.
“Nhiều bằng chứng đã chỉ ra rằng, virus SARS-CoV-2 gây tổn thương tinh hoàn của nam giới bị nhiễm bệnh. Chất lượng tinh trùng cũng bị giảm đáng kể ở các bệnh nhân sau khi đã nhiễm bệnh. May mắn hơn đàn ông, chưa có các bằng chứng về việc Covid-19 gây tổn thương tại buồng trứng ở phụ nữ”, bác sĩ Thành chia sẻ.
Theo bác sĩ Thành, rối loạn chức năng tình dục liên quan đến Covid-19 ở cả 2 giới có thể ngắn hạn hoặc kéo dài như: suy giảm ham muốn, rối loạn cương dương… Tuy nhiên vấn đề tình dục thường bị bỏ qua trong tình hình đại dịch lan tràn như hiện nay, gây ảnh hưởng nghiêm trong tới chất lượng cuộc sống của các cặp đôi. Do đó vấn đề chăm sóc sức khoẻ tinh thần trong đại dịch là vô cùng quan trọng.
Ngoài ra, đứng trước đại dịch mọi người hãy lạc quan tránh suy nghĩ tiêu cực để hướng tới tương lai. Điều này đặc biệt quan trọng với các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Bởi lạc quan tinh thần sẽ giúp nâng cao hệ miễn dịch để đấu tranh với virus. Chúng ta cần sống tối đa ở hiện tại tránh quá lo nghĩ cho tương lại cũng như quá hoài niệm về quá khứ.
“Các bạn không nên coi tình dục là nhiệm vụ mà hãy tận dụng tình dục như là liều thuốc tinh thần, là công cụ giao tiếp sẻ chia hay hóa giải mâu thuẫn giữa 2 vợ chồng để cả gia đình đồng hành vượt qua đại dịch.
Tình dục là cách tốt nhất để giải toả stress, tăng miễn dịch, tăng sức đề kháng, tăng kết nối. Các bạn hãy sáng tạo, đa dạng và phong phú hơn nữa trong đời sống tình dục của mình. Hãy mở rộng hơn nữa khái niệm quan hệ tình dục, đó không chỉ có giao hợp mà có thể kết hợp bằng nhiều hình thức, sử dụng tay, miệng...”, bác sĩ Thành tư vấn.
Bác sĩ Thành cho rằng, cơ quan tình dục lớn nhất là não bộ. "Mọi người thực tế quan hệ giữa 2 tai nhiều hơn giữa 2 chân. Đừng giới hạn các hoạt động tình dục chỉ ở cơ quan sinh dục. Hãy biến cả cơ thể bạn thành những thụ thể cảm nhận tình dục", bác sĩ nói.