Hạt nhân nhóm 5% sinh viên xuất sắc
Cao Thị Thanh Huyền (SN 1992, sinh viên Viện Quản trị Kinh doanh FSB - Đại học FPT) dễ gây ấn tượng với nụ cười rạng rỡ và những dấu ấn của sự “bùng nổ”. Đáng kể, năm 2010, thi đỗ vào trường ĐH Ngoại thương, Huyền lại chọn trường ĐH FPT để theo học. Cô cho hay: “Trường Ngoại thương là niềm mơ ước từ thuở nhỏ, nhưng Viện quản trị Kinh doanh FSB, ĐH FPT lại là cơ hội bất ngờ.
Thanh Huyền (thứ hai từ phải sang) tham dự chương trình tại Mỹ tháng 3/2014. Ảnh: NVCC. |
Với người thân của mình lúc ấy, ĐH FPT là lựa chọn “thiếu an toàn” vì trường mới thành lập. Nhưng với mình, đây là đại dương xanh đầy hứa hẹn khẳng định bản thân”. Huyền thích nhất câu nói của Steve Jobs, người sáng lập ra Apple: “Chỉ những người đủ điên để nghĩ rằng họ có thể thay đổi thế giới mới là những người làm được điều đó”.
Từ quyết định tưởng rất “điên” này, Thanh Huyền liên tiếp có cơ hội khẳng định bản thân và giới thiệu hình ảnh đất nước Việt Nam ở những diễn đàn, hội trại quốc tế. Cơ duyên đầu tiên là Diễn đàn Kinh tế - Chính trị châu Âu (EAF) tại Áo, năm 2012.
Huyền cho biết: “Mình tình cờ biết đến EAF qua sự giới thiệu và lời khuyên của một thầy giáo nên cố gắng tham gia các sự kiện quốc tế. Thầy cũng là người sửa từng lỗi nhỏ, thiết kế lại cách trình bày trong hồ sơ cá nhân, bài luận để tham gia diễn đàn”.
Trong các hoạt động tại EAF, Huyền tạo ấn tượng tốt về nữ sinh Việt Nam nhỏ nhắn, sắc sảo, kỹ năng thuyết trình, sử dụng tiếng Anh, lãnh đạo nhóm, cùng những câu hỏi hóc búa xoay quanh chủ đề của Diễn đàn là Kỳ vọng - Tương lai của thế hệ trẻ thế giới.
Chính những điều này đã thuyết phục, tạo niềm tin để Giáo sư Howard Williamson (chuyên gia chính sách thanh niên châu Âu, giảng dạy tại ĐH Glamorgan, Anh) viết thư giới thiệu cô tham dự Hội trại khởi nghiệp toàn cầu (GESS) tại Munich, Đức (năm 2013).
Trong bức thư, Giáo sư H. Williamson viết: “Tôi xếp em Huyền vào nhóm 5% sinh viên xuất sắc...”. Và GESS lại tiếp tục đưa Thanh Huyền sang Mỹ tham dự Clinton Global Initiative University (tháng 3/2014) để gặp thần tượng Bill Clinton và đại diện cho nhóm (gồm Huyền và 4 sinh viên đến từ Palestine, Đức, Nigeria và Brazil) tìm kiếm vốn đầu tư cho dự án Eskillator.
Trong chuyến đến Mỹ tham dự Clinton Global Initiative University, Huyền đã cố gắng để nắm lấy cơ hội, bởi đây là sự kiện quy tụ nhiều nhà đầu tư và nhiều dự án hay có thể học hỏi. Tuy chỉ dừng lại ở vòng bán kết của Clinton Global Initiative University, nhưng dự án Eskillator cũng có thêm 3.000 USD tài trợ, nâng tổng quỹ thực hiện dự án lên 8.000 USD.
Thanh Huyền cho biết, một trong những động lực vượt qua những trở ngại, khó khăn khi tham gia các sự kiện quốc tế chính là khát khao khẳng định hình ảnh Việt Nam. Cô cho hay, có lúc đã bất ngờ và tự ti khi có không ít bạn trẻ nước ngoài chưa biết nhiều về Việt Nam. Bên cạnh việc tìm hiểu văn hóa các nước, cô đã cố gắng giới thiệu cho các thành viên tham gia diễn đàn, hội trại về Việt Nam thông qua trang phục, các món ăn… Huyền từng chia sẻ: “Khi vươn tầm ra thế giới, Tổ quốc sẽ là động lực lớn nhất để mình cố gắng”.
Dự án tài chính hướng về người nghèo
Theo học ngành Tài chính – Ngân hàng, Thanh Huyền luôn ấp ủ và hướng tới những dự án, mô hình tài chính phân khúc đối tượng là những người nghèo, nhất là phụ nữ và trẻ em vì đó là đối tượng ít có cơ hội tiếp cận, gắn kết với các tổ chức tài chính ngân hàng. Huyền ấn tượng và tìm hiểu về mô hình Ngân hàng Grameen vì người nghèo được giáo sư kinh tế Muhammad Yunus, người đoạt giải Nobel Hòa bình sáng lập ra ở Bangladesh.
Thanh Huyền ấp ủ những dự định hướng về người nghèo. Ảnh: Xuân Tùng. |
Những người nghèo, đặc biệt là phụ nữ sẽ được vay vốn mà không cần điều kiện đảm bảo. Không chỉ vậy, những dự án gắn với những lần tham dự diễn đàn, hội trại quốc tế, Thanh Huyền hướng về mô hình tài chính vì cộng đồng. Cô từng mang đến GESS (năm 2013) dự án kinh doanh Sản phẩm tài chính cho trẻ em.
Trình bày về dự án này, Huyền cho hay, không ít thanh niên Việt Nam thông minh, học toán rất tốt, nhưng tư duy tài chính chưa tốt nên gặp khó khăn trong vấn đề quản lý tài chính. Những tư duy này nên được tiếp cận khi còn bé để dần hình thành những thói quen quản lý tài chính mà không phải học về kinh tế. Dự án này của Huyền đã vượt qua hơn 1.000 dự án khác của các bạn trẻ trên thế giới để trở thành một trong 35 dự án tham gia GESS.
Tại GESS, Huyền cùng với 4 thành viên khác tập trung vào vấn đề nổi cộm tại những nước đang phát triển và kém phát triển liên quan tới giới trẻ như: Tỷ lệ học sinh bỏ học cao vì không đủ kinh phí duy trì theo đuổi giáo dục; Tỷ lệ thất nghiệp cao vì thiếu kỹ năng, trình độ. “Sau hai tuần, cả nhóm đã xây dự án Eskillator tập trung tiếp cận giáo dục, giảm đói nghèo, tạo ra công ăn việc làm, thúc đẩy thế hệ trẻ”, Huyền cho hay.
“Với mô hình này, dự án liên kết với các doanh nghiệp, công ty, nhà hàng đào tạo kỹ năng, dạy nghề để thanh thiếu niên có thể kiếm sống và tích lũy tiền và quay lại đi học. Nếu cơ hội học, họ sẽ có thể phát hiện ra khả năng khác của bản thân”.
Đến nay, dự án Eskillator của Huyền và các thành viên trong nhóm đang thực hiện tại Nigeria (nơi có tỷ lệ bỏ học 17%). Dự án đã tiến hành liên kết với công ty về công nghệ thông tin để đào tạo nghề cho 100 bạn trẻ. “Nigeria là giai đoạn 1 của dự án, kéo dài đến 2016. Sau đó sẽ tiếp tục tiến hành tại các nước đang phát triển khác với mô hình social franchise (nhượng quyền xã hội). Việt Nam thuộc giai đoạn 3, năm 2018”, Huyền cho biết.
Theo Huyền, nếu thực hiện dự án ở Việt Nam sẽ mở rộng theo hướng liên kết với các nhà hàng khách sạn. “Đến nay mình đã liên hệ và có những trao đổi để học tập kinh nghiệm, tìm sự giúp đỡ từ ông Jimmy Phạm (Việt kiều Australia) – người sáng lập mô hình KOTO đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho những người trẻ có hoàn cảnh khó khăn, lang thang cơ nhỡ”, Huyền chia sẻ. Để tiếp nhận tốt và triển khai Eskillator phiên bản Việt, Huyền cho hay sau khi tốt nghiệp ĐH FPT, sẽ học tiếp cao học ngành quản trị dự án ở nước ngoài.
Tại diễn đàn EAF, Thanh Huyền được xướng danh là nữ sinh viên Việt Nam đầu tiên tham dự và có cơ hội “diễn thuyết” giới thiệu về bản thân; giới thiệu Việt Nam bước qua nỗi đau của chiến tranh để phát triển, hội nhập và có những người trẻ thông minh, năng động…