Trong hậu cung nhà Minh, chỉ cần nhắc đến "Triều Thiên Nữ" là từ phi tần đến cung nữ đều khiếp sợ cực độ. Trên thực tế, đây chính là tên gọi thay thế cho những người bị tuẫn táng.
Sau khi Hoàng đế băng hà, một số phi tần và cung nữ có dung mạo xinh đẹp được chọn để chôn cất cùng vị Hoàng đế đó. Điều này được thực hiện với hi vọng họ sẽ tiếp tục hầu hạ Hoàng đế ở bên kia thế giới. Và những nữ nhân đó sẽ được gọi với một cái tên mỹ miều là "Triều Thiên Nữ".
Trong lịch sử Trung Hoa, chế độ tuẫn táng đã xuất hiện từ xã hội nguyên thủy. Đến thời kỳ Xuân Thu, chế độ tuẫn táng vẫn còn tiếp diễn, thậm chí nam và nữ đều có thể trở thành người bị tuẫn táng. Thời nhà Tần vẫn còn tồn tại chế độ tuẫn táng nhưng đến thời nhà Hán, những người cầm quyền đã hủy bỏ chế độ này.
Tuy nhiên, đến thời nhà Minh, chế độ tuẫn táng lại được "tái sinh". Sau khi Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương băng hà, tất cả những phi tử không có con trai đều bị tuẫn táng.
Trong quyển "Triều Tiên Lý triều thực lục" có ghi chép, những phi tần đáng thương này khi đến ngày tuẫn táng sẽ được chiêu đãi một buổi tiệc an ủi, là bữa ăn thịnh soạn cuối cùng trong đời. Kết thúc buổi tiệc họ sẽ phải tự sát, có thể là treo cổ hoặc uống thuốc độc.
Tất nhiên cũng có những phi tử không tuân theo và chống trả mạnh mẽ. Về vấn đề này, các thái giám đều có cách xử lý, họ sẽ chia nhau giữ lấy cơ thể của vị phi tử kia rồi quấn vải trắng quanh cổ sau đó treo lên cho đến lúc chết. Đây là một thủ pháp vô cùng tàn nhẫn.
Các phi tần cung nữ nếu biết trước mình sẽ chết sớm thì làm sao họ có thể không buồn? Khi Hoàng đế sống, họ phải nỗ lực để hầu hạ Hoàng đế. Đến khi Hoàng đế qua đời, họ lạ bị bắt buộc tuẫn táng theo cùng.
Và điều quan trọng hơn thảy là triều đình sẽ trao cho người thân của "Triều Thiên Nữ" một số quyền lợi nhất định. Để an ủi, triều đình sẽ ban vinh hoa phú quý cả đời.
Tuy nhiên, đến thời kỳ Minh Anh Tông Chu Kỳ Trấn trị vì, ông đã đưa ra một quyết định quan trọng, đó chính là xóa bỏ chết độ tuẫn táng đáng sợ. Trước khi Minh Anh Tông qua đời, đã để lại di ngôn: "Dùng người tuẫn táng, ta cũng không chịu nổi, chuyện này để ta dừng lại đi, tử tôn hậu thế đừng thực hiện nữa".
Mặc dù là một vị Hoàng đế vô năng nhưng đến khoảnh khắc cuối đời, ông đã làm được một chuyện trọng đại, nhắc nhở hậu thế không cần thực hiện chế độ tuẫn táng.