|
Thẻ căn cước giả của nữ điệp viên Marie-Madeleine Fourcade. Ảnh: New York Post |
Người phụ nữ Pháp trẻ tuổi đã đứng đầu một trong những mạng lưới điệp viên quan trọng nhất trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai, thu thập nhiều thông tin giúp thay đổi cục diện trận chiến. Nhưng cái tên của bà sau này chưa được biết đến xứng tầm, một phần vì giới tính của bà.
Nhà sử học, nhà báo người Mỹ Lynne Olson đã viết cuốn sách có tên “Cuộc chiến bí mật của Madam Fourcade: Người phụ nữ dũng cảm dẫn đầu mạng lưới điệp viên lớn nhất Pháp đối đầu với Hitler” (2019) nhằm giúp công chúng có thêm thông tin về bà Marie-Madeleine Fourcade.
Bà Fourcade đã phá vỡ mọi luật lệ thời đó đối với phụ nữ, khiến nhiều đối thủ là nam giới phải "bại trận". Nữ điệp viên Fourcade có thành tích đáng nể tại xã hội gia trưởng nơi trước Chiến tranh Thế giới thứ hai phụ nữ vẫn không được phép bỏ phiếu bầu hoặc sở hữu bất động sản đứng tên họ.
Năm 1941, bà Fourcade được bổ nhiệm chỉ huy mạng lưới tình báo rộng lớn ở Pháp, quản lý 3.000 điệp viên khi mới 32 tuổi. Mạng lưới tình báo này có tên “Liên minh” nhưng phát xít Đức lại gọi là Tàu Noah bởi các thành viên đều dùng mật mã là động vật. Các điệp viên “Liên minh” đã đánh cược mạng sống của họ để thu thập thông tin về hoạt động di chuyển của quân đội, nơi bố trí vũ khí, hải trình tàu ngầm và công nghệ phát triển vũ khí của Phát xít Đức.
Fourcade sinh năm 1909 trong một gia đình Pháp khá giả tại Marseille. Tuổi thơ của bà gắn liền với Trung Quốc bởi cha bà làm việc cho một công ty vận tải và được điều động đến Thượng Hải. Từ khi còn trẻ, bà Fourcade đã rất yêu thích phiêu lưu và khám phá đường phố Thượng Hải. Năm 1917, cha của Fourcade đột ngột qua đời do mắc bệnh nhiệt đới. Biến cố đã buộc gia đình bà quay trở lại Pháp. Tuy nhiên, việc từng sống ở nước ngoài từ khi còn nhỏ khiến Fourcade khá khác biệt với những cô gái Pháp khác.
Một người thân miêu tả Fourcade hành động như nam giới, không tuân theo quy tắc xã hội mà chỉ theo quy tắc của bản thân. Năm 17 tuổi, Fourcade gặp sĩ quan quân đội Édouard-Jean Méric và họ nhanh chóng kết hôn rồi có 2 đứa con.
Fourcade sớm thấy bức bách trong cuộc hôn nhân khi chồng luôn yêu cầu bà phải theo vai trò truyền thống của phụ nữ. Đến năm 1933, họ chia tay. Năm 1935, Fourcade đã thực hiện điều hiếm có phụ nữ nào trong xã hội Pháp khi đó thực hiện được, đó là có việc làm, bà làm nhà sản xuất tại một đài phát thanh ở Paris.
|
Bà Marie-Madeleine Fourcade cùng hai đồng nghiệp. Ảnh: Times of Israel |
Năm 1936, qua các mối quan hệ xã hội, bà gặp sĩ quan tình báo quân đội Pháp Georges Loustaunau-Lacau có biệt danh “Navarre”. Không lâu sau khi gặp Fourcade, Navarre đề nghị người phụ nữ trẻ giúp đỡ trong nhiệm vụ bí mật thu thập thông tin tình báo về chương trình quân sự của Phát xít Đức. Do vậy, Navarre cử Fourcade đến Bỉ để nhận tài liệu nhạy cảm với thông tin chi tiết về ý định của Đức tại châu Âu.
Fourcade chấp thuận, bà cùng ông Navarre nhanh chóng xây dựng một mạng lưới cung cấp thông tin khắp châu Âu. Khi Đức xâm chiếm Pháp trong năm 1940, toàn bộ “Liên minh” làm việc ngầm.
Năm 1942, Navarre bị bắt, điều này khiến bà Fourcade phải chịu trách nhiệm cho cả mạng lưới điệp viên. Vì tình báo Anh cung cấp tiền bạc và thiết bị cho hoạt động của “Liên minh”, bà Fourcade quyết định tới Tây Ban Nha để gặp đại diện của MI6.
Để gặp được đối tác tại MI6, bà Fourcade phải vượt biên bằng biện pháp chui vào bao bố rồi nằm trong thùng xe ô tô. Fourcade phải cố gắng xoay sở cơ thể trong bao bố suốt 9 tiếng đồng hồ và chịu đựng nỗi đau trong cả quãng đường. Khi đến Tây Ban Nha bà được ra ngoài nhưng ngất lịm.
Thời điểm Fourcade gặp người của MI6, họ đã rất bất ngờ, không thể tin nổi người phụ nữ xinh đẹp, duyên dáng tóc vàng này lại là lãnh đạo của "Liên minh". Sau cuộc gặp này, phía Anh đồng ý duy trì hỗ trợ.
Những tháng sau đó, Fourcade và mạng lưới điệp viên của bà đã thu thập thông tin tình báo quan trọng khắp nước Pháp và truyền tải về London (Anh). Công việc này vô cùng rủi ro bởi Phát xít Đức khi đó giận dữ lùng sục điệp viên và triển khai hàng chục mật vụ tại trụ sở bí mật để tìm kiếm thông tin radio đáng nghi ngờ.
Điều nguy hiểm khác đối với "Liên minh" là chỉ có vài thành viên được đào tạo kỹ năng tình báo. Họ thường mắc sai lầm gây nguy hiểm đối với chính bản thân và mạng lưới. Hàng trăm người đã bị bắt hoặc sát hại.
Fourcade sống sót nhờ việc di chuyển quanh nước Pháp thường xuyên và đi trước kẻ thù. Bà dường như hình thành được giác quan thứ 6 có thể nhận thấy thời điểm bản thân và những người khác gặp nguy hiểm. Một vài lần trong cuộc chiến, Fourcade cảm nhận rằng cơ quan mật vụ Gestapo của Đức Quốc xã sẽ khám xét trụ sở và bà lập tức thoát ra ngoài. Điều bất ngờ là đến hôm sau Gestapo đã ở đó.
Một lý do khác khiến bà thoát khỏi những lần bị bắt giữ là vào thời điểm đó, người Đức không mấy tin tưởng về vai trò của phụ nữ và chỉ cho rằng họ có thể đóng vai người vợ người mẹ thay vì là điệp viên.
Tuy nhiên, năm 1944 bà Fourcade bị binh sĩ Đức bắt và giam trong doanh trại gần đó. Khi đó bà Fourcade đã tính chuyện tự tử bằng việc nuốt viên cực độc xyanua giấu trong người. Nhưng đến 3 giờ sáng, Fourcade tìm cách luồn qua được song sắt cửa sổ, bất chấp thâm tím mặt và cơ thể. Bà đã trốn thoát.
|
Bà Marie-Madeleine Fourcade năm 1980. Ảnh: Times of Israel |
Một tác động tâm lý từ công việc của Fourcade là nhiều năm, nhiều tháng không thể gặp con. Bà cho rằng gặp gỡ trực tiếp con cái quá nguy hiểm. Trong một ngày đặc biệt, Fourcade nhờ người giám hộ đưa con bà đi qua căn nhà nơi bà đang trốn. Khi đó, bà chỉ có thể rơi nước mắt ngắm nhìn con từ xa qua cửa sổ.
Công việc của Fourcade tiếp diễn cho đến những ngày cuối chiến tranh, khi quân đồng minh giải phóng Pháp trong tháng 8/1944, bà đang ở trong ngôi làng nhỏ ở Đông Bắc nước này. Một vài tuần sau đó, Fourcade quay trở lại Paris, nơi nhiều quan chức quân sự Anh và các nhà ngoại giao tập trung tại trụ sở ở Champs-Élysées và trao tước hiệu Sĩ quan Đế chế Anh cho bà.
Khi người Anh đề nghị làm thế nào để đền đáp, Fourcade nói rằng họ hãy mang con cái bà trở về từ Thụy Sĩ. Sau đó Fourcade đoàn tụ với các con. Đến năm 1946, bà cưới một doanh nhân Pháp và 3 năm sau đó họ có một con gái.
Hậu chiến tranh, Fourcade làm việc trao trả thi thể của thành viên "Liên minh" bị sát hại ở Đức. Bà còn dùng tài sản cá nhân để trả tiền học cho con cái của những đồng đội hy sinh. Bà và một số điệp viên còn sống sót vẫn gặp gỡ hàng tháng tại Paris. Năm 1989, bà qua đời ở tuổi 79 và là người phụ nữ đầu tiên có tang lễ tổ chức tại Điện Invalides – nơi an nghỉ cuối cùng của một số anh hùng Pháp như Hoàng đế Napoleon.