NSƯT Nguyệt Hằng và kỷ niệm về Tết Nguyên đán

"Năm đầu tiên có ngôi nhà 18 m2 cũng là lần đầu tiên chúng tôi được mời họ hàng đến ăn Tết trong ngôi nhà của riêng mình. Đó là cảm giác tôi không bao giờ quên", NSƯT Nguyệt Hằng xúc động chia sẻ với Dân Việt.

NSƯT Nguyệt Hằng và kỷ niệm về Tết Nguyên đán

Vợ chồng diễn viên Anh Tuấn – Nguyệt Hằng là gia đình đáng ngưỡng mộ của làng phim Việt. Cả hai đã nắm tay nhau suốt 27 năm hôn nhân nhiều sóng gió. Hiện tại, Anh Tuấn – Nguyệt Hằng có cuộc sống gia đình viên mãn đáng ngưỡng mộ với 4 người con đáng yêu.

Hai vợ chồng Anh Tuấn – Nguyệt Hằng liên tục góp mặt trong những bộ phim giờ vàng của VFC. Họ nhận được sự quan tâm, yêu mến đặc biệt của khán giả. Trong cuộc trò chuyện với Dân Việt trước thềm Tết Nguyên đán 2023, vợ chồng diễn viên Anh Tuấn – Nguyệt Hằng đã chia sẻ nhiều ký ức đẹp về ngày Tết.

NSUT Nguyet Hang va ky niem ve Tet Nguyen dan

Vợ chồng diễn viên Anh Tuấn - Nguyệt Hằng với tình cảm mặn nồng suốt nhiều năm chung sống (Ảnh: Ngọc Linh)

Tết đầu tiên ở nhà chồng của diễn viên Nguyệt Hằng

Vợ chồng Anh Tuấn – Nguyệt Hằng kết hôn khi cả hai mới 23 tuổi. Cái Tết đầu tiên sau khi có cho mình một gia đình nhỏ có gì khác biệt nhiều không?

- Diễn viên Anh Tuấn: Lúc đó, tôi mới 23 tuổi, cũng còn rất trẻ và cũng ham chơi. Cuộc sống lúc trước và sau khi có vợ cũng không khác gì mấy. Tự nhiên tôi có người kìm kẹp và bớt đi chơi. Lúc trước mình tự do thoải mái bây giờ tự nhiên có người "xiềng xích" nên không đi chơi được nữa (cười). Trước khi cưới bà xã, tôi ở nhà tôi rộng lắm vì bố mẹ định cư bên nước ngoài hết. Tôi chỉ ăn Tết cùng mỗi bà nội thôi. Ngày mùng 1 Tết, các cô các chú sẽ cùng quây quần ăn cơm, mừng tuổi cho nhau. Như vậy với tôi là xong Tết rồi. Lúc đó, tôi vẫn còn thanh niên, ít mối quan hệ nên cái Tết của tôi không kéo dài quá. Cho đến khi lấy vợ, tôi có gia đình nhỏ cho riêng mình thì Tết cũng trở nên ấm cúng hơn.

Diễn viên Nguyệt Hằng: Anh Tuấn sống với bà nội cho nên năm đầu tiên tôi ăn Tết tại nhà chồng cho đến khi bà mất thì năm nào chúng tôi cũng quây quần bên nhà bà nội. Các cô các chú về cùng tề tựu ăn cơm. Mặc dù bố mẹ chồng đều ở nước ngoài nhưng không khí Tết vẫn ấm cúng.

Vậy năm đầu tiên làm dâu, Nguyệt Hằng có sự chuẩn bị Tết như thế nào?

- Diễn viên Nguyệt Hằng: Tết đầu tiên về nhà chồng đối với tôi là nhẹ nhàng và đơn giản. Gia đình chồng tôi theo Đạo Công giáo. Tết của những gia đình Công giáo hết sức đơn giản. Đêm giao thừa tôi được quây quần bên gia đình, thắp nến, đọc kinh cầu nguyện bình an cho một năm mới. Đó là nét văn hóa mới mà tôi được tham gia cùng cả nhà chồng. Cho đến nay, chúng tôi vẫn duy trì nề nếp như vậy để giữ gìn truyền thống tốt đẹp của gia đình. Thực ra, trước khi đi đến hôn nhân, chúng tôi cũng yêu nhau rất lâu. Hai bên thường xuyên qua lại nên tôi cũng không còn cảm giác bỡ ngỡ gì cả. Mỗi lần làm cỗ bàn anh Tuấn sẽ là người lo chính. Còn tôi chỉ phụ những việc dọn dẹp thôi.

NSUT Nguyet Hang va ky niem ve Tet Nguyen dan-Hinh-2

Vợ chồng Anh Tuấn - Nguyệt Hằng trong dự án cận Tết Nguyên đán. (Ảnh: FBNV)

Nếp sống gia đình, truyền thống văn hóa trong dịp Tết của hai bên gia đình Nguyệt Hằng - Anh Tuấn có những điểm khác nhau như thế nào?

- Diễn viên Nguyệt Hằng: Trước kia khi chưa lấy chồng, tôi đón Tết bên nhà ngoại vẫn giữ được gần như trọn vẹn những gì được gọi là truyền thống nhất. Bác cả năm nào cũng gói bánh chưng. Anh em con cháu tề tựu quây quần bên nhau để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán. Tôi vẫn nhớ cảm giác gói bánh, chờ luộc rồi đem đi chia cho từng nhà. Sáng mùng 1 Tết thắp hương tại nhà, buổi trưa lên nhà nội, buổi chiều lên nhà ngoại. Năm nào cũng giữ y nguyên nếp đó. Mùng 2 Tết, cả nhà lại kéo về nhà ngoại, mùng 3 cả nhà đi thăm gia đình cô chú, anh em. Cứ như vậy đến mùng 5, 6 thì gia đình tôi kéo nhau cả một đoàn đi hết các nhà. Đó là truyền thống của riêng nhà tôi.

Vậy trong gia đình riêng của anh chị có còn những nét đẹp truyền thống của Tết Nguyên Đán như gói bánh, chuẩn bị mâm cỗ, đón giao thừa?

- Diễn viên Anh Tuấn: Thông thường cứ mỗi 27, 28 Tết thì vợ chồng chúng tôi được nghỉ, bắt đầu lo mua sắm đồ đạc cần thiết cho dịp Tết. Dịp Tết người giúp việc về quê nên bao nhiêu việc nhà cũng đều hai vợ chồng tự tay làm. Với tôi việc ăn uống ngày Tết cũng hết sức đơn giản, không còn cầu kỳ như ngày xưa. Bây giờ, nếu cần một mâm cỗ thì chỉ cần gọi điện đặt hàng, cũng có rất nhiều nơi phục vụ, vừa ngon, sạch sẽ, bày trí đẹp mắt. Nhìn chung lại tôi thấy rằng dịp Tết nên hạn chế làm quá nhiều để có thể dành thời gian tận hưởng và nghỉ ngơi bên gia đình. Tôi thường ra khỏi nhà trước giao thừa khoảng 15 phút. Tôi mua một túi muối, một bó mía để đem về xông nhà. Tôi vẫn giữ nếp đó nhiều năm nay để mong một năm may mắn.

Diễn viên Nguyệt Hằng: Thực ra, bây giờ cuộc sống hiện đại hơn nhiều, dịch vụ đồ ăn dịp Tết cũng giúp vợ chồng tôi thuận tiện hơn trong việc chuẩn bị. Và quan trọng là vì chúng tôi cũng không có nhiều thời gian. Tính chất công việc biểu diễn là càng ngày lễ Tết lại càng phải đi phục vụ khán giả nên chúng tôi luôn làm thế nào để có thể nhanh, gọn, không cần quá bày vẽ, cầu kỳ trong dịp này. Như tôi có chia sẻ, ở quê tôi mọi người vẫn giữ nét đẹp gói bánh chưng ngày Tết, gia đình tôi cũng được mọi người gửi một cặp để ăn dịp Tết, còn gia đình tôi thì không còn gói bánh chưng.

NSUT Nguyet Hang va ky niem ve Tet Nguyen dan-Hinh-3

Cặp đôi luôn dành cho nhau cử chỉ và nụ cười ngọt ngào khi xuất hiện chung. (Ảnh: Ngọc Linh)

Ngôi nhà 18 m2 và cái Tết đáng nhớ nhất cuộc đời

Trong 27 năm từ khi kết hôn đến nay, vợ chồng diễn viên Anh Tuấn – Nguyệt Hằng chắc hẳn cũng đã có nhiều lần đón Tết ở những ngôi nhà khác nhau. Tính đến bây giờ, để điểm lại những ngôi nhà đã từng chứng kiến gia đình nhỏ của anh chị quây quần với nhau dịp Tết anh chị có thể chia sẻ?

- Diễn viên Anh Tuấn: Ôi! Quá nhiều, tôi không thể đếm nổi (cười). Hồi mới cưới, chúng tôi giàu lắm, hứng lên là chúng tôi chuyển nhà, không thích nữa là chúng tôi chuyển nhà.

Diễn viên Nguyệt Hằng: Con gái lớn của tôi còn thắc mắc sao nhà mình lắm nhà thế. Bố mẹ bảo đi thăm nhà cũ là con hỏi đi thăm nhà cũ nào. Thực ra, toàn là nhà đi thuê. (cười)

Cho đến khi nào anh chị mới chính thức có cho mình một ngôi nhà của riêng mình?

- Diễn viên Anh Tuấn: Chúng tôi cưới nhau từ năm 1994, đến năm 2003 mới có một ngôi nhà đầu tiên cho hai vợ chồng. Mà ngôi nhà ấy không phải tự hai vợ chồng kiếm ra mà do hai bên nội ngoại hỗ trợ để mua.

Diễn viên Nguyệt Hằng: Đó là ngôi nhà mặt đất khá nhỏ, chỉ vỏn vẹn 18 mét vuông, nằm ở Đội Cấn. Đó là ngôi nhà đã ôm ấp, chứng kiến cuộc sống hôn nhân của chúng tôi ngót nghét 10 năm. Đến khi có cậu bé thứ 3, chúng tôi thấy nhà chật quá nên quyết tâm liều mua một căn chung cư và đó cũng là căn nhà mà chúng tôi đang ở hiện tại đến nay cũng đã được 7 năm.

NSUT Nguyet Hang va ky niem ve Tet Nguyen dan-Hinh-4

Gia đình nghệ sĩ Anh Tuấn và Nguyệt Hằng có thêm cháu ngoại vô cùng đáng yêu. (Ảnh: FBNV)

Vậy đốn Tết đầu tiên trong căn nhà của riêng mình, không phải là một căn nhà đi thuê mang đến cho anh chị cảm giác như thế nào?

- Diễn viên Anh Tuấn: Đó là cảm giác sung sướng không gì diễn tả được. Từ lúc lấy nhau, chúng tôi đi thuê nhà, cho đến khi hai vợ chồng mua được căn nhà 18 m2 là nhà của mình đó là cảm giác bình an, hạnh phúc. Cho đến khi được chuyển sang căn chung cư rộng hơn 100 mét vuông, cảm giác lại càng sung sướng hơn. Bây giờ, chúng tôi chuẩn bị chuyển xuống ở biệt thự 30 tỷ đồng rồi. Tôi đang để dành được 100 triệu đồng, chỉ còn thiếu 29 tỷ 900 triệu đồng nữa thôi là tôi mua được biệt thự (cười).

Cái Tết đầu tiên tại ngôi nhà 18 m2 ấy có phải là cái Tết đáng nhớ nhất của vợ chồng Anh Tuấn – Nguyệt Hằng?

- Diễn viên Nguyệt Hằng: Tất nhiên rồi! Bởi vì theo truyền thống chúng tôi sẽ về ăn Tết với bà nội. Bà nội ở đâu thì bàn thờ gia tiên ở đó và ngày mùng 1 Tết, tất cả mọi người quây quần về nhà bà nội. Nhưng năm đầu tiên có ngôi nhà 18 m2, chúng tôi lần đầu được chăm sóc hương khói cho bàn thờ gia tiên. Và lần đầu tiên chúng tôi được mời họ hàng đến ăn Tết trong ngôi nhà của riêng chúng tôi. Dù không gian rất nhỏ, 18 m2 cho mỗi tầng. Nhà có 3 tầng, vợ chồng chúng tôi bố trí mỗi tầng nhà 1 mâm để mời mọi người quây quần. Đó là cái Tết trong ngôi nhà nhỏ đầu tiên của chúng tôi. Đó là cảm giác rất tuyệt vời mà tôi không bao giờ quên được.

Xin cảm ơn anh chị với những chia sẻ thú vị!

Còn tiếp...


Công Lý lấy lại phong độ, vui đón Tết cùng vợ trẻ Ngọc Hà

Sau khi ra viện và hai lần sang Nhật điều trị, sức khỏe của Công Lý đã tạm ổn. Anh đang dần trở lại với công việc.

Công Lý lấy lại phong độ, vui đón Tết cùng vợ trẻ Ngọc Hà
Cong Ly lay lai phong do, vui don Tet cung vo tre Ngoc Ha
 Sau một thời gian nằm viện và về nhà điều trị, Công Lý đã lấy lại phong độ và dần trở lại với cuộc sống, công việc.

Mẹ chồng khó chịu khi biết tôi sắp về ngoại ăn Tết

Tôi đang mang thai 8 tháng, ra Tết sẽ sinh. Để tiện việc sinh nở, chồng định đưa tôi về ngoại ăn Tết. Thế nhưng, mẹ chồng không đồng ý.

Mẹ chồng khó chịu khi biết tôi sắp về ngoại ăn Tết

Tôi 25 tuổi, đang mang thai con đầu lòng được 8 tháng. Hiện tại, tôi sống cảnh nhà thuê với chồng ở TP.HCM.

Từ năm 20 tuổi, chồng tôi đã lên TP.HCM sống và làm việc, ít liên lạc với gia đình. Bố của anh mất sớm và mẹ chồng tôi đã đi thêm bước nữa. Hiện tại, bà sống ở quê cùng người chồng mới.

Cuộc sống của vợ chồng tôi cách biệt và không có sự hỗ trợ của mẹ chồng. Thế nhưng, hầu hết chuyện nhà tôi mẹ chồng đều bắt phải làm theo.

Năm nay, chồng tôi phải làm việc xuyên Tết, không có thời gian ở nhà. Tôi sắp sinh nên chồng bảo tôi về nhà ngoại ăn Tết để bố mẹ chăm cho tiện. Anh đưa tôi 10 triệu đồng bảo gửi bố mẹ vừa tiêu Tết vừa lo chuyện sinh con.

Me chong kho chiu khi biet toi sap ve ngoai an Tet

Mặc dù, chồng yêu thương và thấu hiểu nhưng mẹ chồng lại làm khó. (Ảnh minh họa: Pexels).

Tôi rất hài lòng trước sự chu đáo và tâm lý của chồng. Thế nhưng, khi mẹ chồng biết tôi về nhà mẹ đẻ ăn Tết, bà lại làm lớn chuyện. Bà gọi điện cằn nhằn chồng tôi: “Tết năm đầu sao lại để vợ về nhà mẹ đẻ? Bà con dưới quê không thấy về sẽ nói mẹ chồng không ra gì, con dâu xem thường…”.

Chồng tôi giải thích tôi sắp sinh nên một công đôi chuyện về nhà ngoại ăn Tết, rồi chuẩn bị sinh con, ở cữ.

Mẹ chồng tôi lại quả quyết, bầu mới 8 tháng, về nhà nội ăn Tết xong thì về ngoại đi đẻ. Lúc này, chồng tôi không giữ được bình tĩnh mà nói thẳng: “Mẹ đã có gia đình riêng, bao lâu nay mạnh ai nấy sống, sao bây giờ mẹ lại thích quản. Về nhà nội 300km, rồi chạy ngược ra ngoại 400km nữa thì vợ con lấy sức đâu mà đẻ”.

Thế là, mẹ chồng tôi khóc lu loa trong điện thoại. Bà bảo anh bất hiếu chỉ nghĩ cho vợ không thương mẹ.

Chưa dừng lại ở đó, tôi có kể chuyện được chồng đưa 10 triệu đồng đem về ngoại cho em chồng nghe. Người này liền thuật lại với mẹ.

Khỏi phải nói, bà gọi thẳng cho tôi, chửi như tát nước: “Cô làm gì khiến con trai tôi lú lẫn, rồi bòn rút tiền đem về lo cho cha mẹ cô phải không? Con tôi ngu dại thì còn có tôi, cô đừng hòng lấy một đồng nào mang đi”.

Sau khi nói một tràng, bà cúp máy và kèm theo lời đe dọa lên TP.HCM xử lý chuyện vợ chồng tôi. Tôi tin chồng sẽ hiểu chuyện và bênh vực cho tôi. Thế nhưng, khi bị mẹ chồng nghĩ xấu, tôi rất buồn.

Chẳng còn bao lâu nữa, tôi sẽ sinh con mà tâm trạng cứ tệ thế này thì không an tâm chút nào. Nếu mẹ chồng tôi lên đây, vợ chồng tôi phải giải quyết thế nào để hạn chế mâu thuẫn?

Từ miền Nam về quê ăn Tết, vợ chồng nghèo gặp cảnh đỏ mặt

Trong bữa ăn, tôi hỏi vợ xem Tết này công ty thưởng cho bao nhiêu, nhà tiết kiệm được bằng nào để sắp xếp về quê nhưng tôi chưa nói xong cô ấy đã kêu trời.

Từ miền Nam về quê ăn Tết, vợ chồng nghèo gặp cảnh đỏ mặt

Vợ chồng tôi sinh ra ở miền Bắc nhưng đi lập nghiệp ở miền Nam. Vì kinh tế không dư dả nên phải mấy năm, chúng tôi mới về quê ăn Tết một lần.

Hai năm trước dịch bệnh, vợ chồng tôi bị mất việc nên không thể về quê. Năm nay, tuy đã tìm được việc làm, muốn đưa cả nhà về quê ăn Tết nhưng tôi nhẩm tính sơ sơ cũng hết 40 triệu đồng.

Nhìn lại số tiền tiết kiệm của hai vợ chồng, tôi chắc chắn không đủ tiền để về quê.

Biết rõ vậy nhưng trong bữa ăn, tôi vẫn hỏi vợ xem Tết này công ty thưởng cho bao nhiêu, nhà tiết kiệm được bằng nào để sắp xếp về quê. Tôi chưa nói xong cô ấy đã kêu trời: “Chi tiêu hàng ngày anh không thấy tôi phải tính toán chi li, bớt chỗ nọ, bù chỗ kia để làm sao dư ra một chút còn phòng lúc ốm đau bệnh tật à? Anh có tiền thì anh về. Còn tôi, không có tiền thì tôi ở lại. Về quê mà ít tiền mọi người khinh thường anh không thấy ngại à?”.

Tu mien Nam ve que an Tet, vo chong ngheo gap canh do mat

Ảnh minh họa

Vợ nói vậy tôi bỗng nhớ lại mấy năm trước. Đúng là vợ chồng tôi rơi vào tình huống dở khóc dở cười. Sau mấy năm không về, vợ chồng tôi thu xếp tiền nong, chuẩn bị quà cáp để biếu anh em, họ hàng gần.

Quà tôi chuẩn bị biếu mỗi gia đình là 1 kg cà phê xay thơm lừng, mấy lạng tiêu sọ mà tôi phải cất công đến tận xưởng mua cho đảm bảo chất lượng.

Nhưng tôi chưa kịp mang biếu, bà chị dâu đi qua thấy tôi đang sắp xếp liền cầm gói quà lên và hỏi: “Chú thím có gì cho mọi người vậy? Tôi chẳng mua gì vì mang vác vất vả mà chắc gì mọi người thích nên cứ cho mỗi nhà 1 triệu, muốn mua gì thì tùy”.

Tôi chưa kịp trả lời chị lại bồi tiếp một câu: “Bằng cà phê à? Lại phải pha nữa chứ. Giờ có ai pha đâu, bẩn cốc chén; còn hạt tiêu người ta xay sẵn bán đầy ra, chú lôi tha về làm gì cho mệt”. Tôi á khẩu không nói được câu nào.

Không chỉ có thế, trong mấy ngày Tết, vợ chồng tôi lại thêm một lần sượng sùng nữa. Sáng mùng 1 Tết, theo thông lệ, con cháu sẽ mừng tuổi ông bà và người lớn mừng tuổi cho trẻ nhỏ. Vợ tôi đã chuẩn bị các bao lì xì để mừng tuổi bố mẹ và các cháu.

Vừa mừng xong, bà chị lại bô bô: “Năm nay chắc chú thím làm ăn được nên mừng tuổi mọi người nhiều đây. Chị không có nhiều, chỉ có bây nhiêu mừng tuổi mọi người thôi. Mà cứ mừng thẳng luôn, làm gì phải phong bao, phong bì, mất công bỏ, mất công bóc, không may lại nhầm lẫn của người nọ với người kia, rắc rối ra”.

Vừa nói chị vừa rút trong túi ra xấp tiền 500 nghìn mới cứng, xỉa ra mừng tuổi mọi người. Nhìn chị xỉa tiền như múa mà tôi hoa cả mắt. Đã vậy đứa cháu nội của chị cầm bao lì xì vợ tôi vừa đưa, bóc ngay trước mặt rồi hét toáng lên: “Có 50 nghìn bọ, thôi cháu không cầm đâu. Cháu chả có đồng tiền nào bé như vậy”. Nó nói xong vứt trả lại bao lì xì trên bàn. Vợ tôi cúi mặt thở dài.

Tôi bất ngờ, không hiểu sao một đứa trẻ lại thốt ra những lời như vậy. Nhưng nghĩ cũng phải, chị tôi có cách suy nghĩ, hành xử như vậy thì đương nhiên cháu chị sẽ bị nhiễm thôi. Nghĩ mà buồn!

Theo phong tục Tết xưa, mừng tuổi cho người già là để mong tuổi thọ, con trẻ là ngoan ngoãn khỏe mạnh… Việc mừng tuổi chỉ để lấy may nên số tiền không đáng kể. Nhưng ngày nay như các cụ nói: “Phú quý sinh lễ nghĩa” thì việc mừng tuổi cũng như nhiều tục lệ đã bị biến tướng.

Có người dùng hình thức lì xì để biếu xén, trả ơn, hoặc thể hiện đẳng cấp của mình. Trong các bao lì xì là những tờ tiền đủ mệnh giá khác nhau tùy vào mối quan hệ với gia chủ. Năm này qua năm khác, mọi người theo nhau làm mất đi nét đẹp của tập tục này. Thậm chí việc mừng tuổi còn ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ trong gia đình, anh em, bè bạn, làm nảy sinh sự so bì tị nạnh hay coi thường nhau.

Đặc biệt nó có ảnh hưởng không nhỏ tới các suy nghĩ, hành động của các em nhỏ, khiến người lớn nhiều khi rơi vào tình cảnh trớ trêu. Và tôi là một trong những người gặp phải tình cảnh này ngay trong gia đình mình. Không biết rồi sau này còn bao phong tục tập quán đẹp của dân tộc bị mai một và biến tướng nữa. Tôi thấy nuối tiếc cho một thời.

Đọc nhiều nhất

Tin mới