Mối quan hệ của bà và nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ trong âm nhạc và ngoài đời?
NSND Thanh Hoa: Tôi hát ít bài của anh Tuệ lắm. Tôi chỉ hát “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” thôi. Những bài nổi tiếng khác của anh như “Xa khơi” tôi chưa từng hát. Mà không phải tôi hát “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” và làm cho ca khúc này nổi tiếng đâu. Sau này tôi hát dòng nhạc về Bác Hồ thì mới hát “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”. Bài đó nổi tiếng đầu tiên phải nhắc đến các bậc tiền bối. Ngoài đời, tôi chỉ được gặp nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ đôi lần. Đáng nhớ là lần tôi dựng bài “Xa khơi” cho học sinh đi thi Sao Mai.
Bà cảm nhận thế nào về âm nhạc Nguyễn Tài Tuệ?
NSND Thanh Hoa: Mỗi người nghệ sỹ hay nhạc sỹ chỉ cần một tác phẩm để đời đã đủ để mọi người nhớ đến tên tuổi hay cả sự nghiệp. Về riêng nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ, tôi dành cho ông sự kính trọng. Tôi chỉ gọi nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ là “anh”, không gọi là “chú”. Đó là tấm gương âm nhạc mẫu mực. Ca sỹ cảm nhận về âm nhạc đa dạng, vì hát nhiều tác phẩm. Cho nên, không phải ca sỹ nào cũng hiểu và hát đúng chủ đề âm nhạc của tác phẩm và sự trăn trở của người nhạc sỹ. Nhưng đặc biệt với anh Tuệ ai hát ca khúc nào của anh, anh cũng gặp, cũng giảng giải rất chi tiết. Anh nói chủ đề âm nhạc để ca sỹ thẩm thấu, nếu là ca sỹ biết trân trọng tác phẩm mình thể hiện thì đều thấm nhuần lời chỉ bảo của anh.
Đã bao giờ nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ thắc mắc: Vì sao Thanh Hoa không hát “Xa khơi”?
NSND Thanh Hoa: Khi tôi hát “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” anh có gặp. Trước đây, anh từng hỏi tôi: “Tại sao giọng em cao thế mà không hát “Xa khơi”?”. Tôi có đáp: Đối với “Xa khơi” thần tượng của tôi là chị Tân Nhân, sau chị Tân Nhân rất nhiều người hát. Bạn thân của tôi là NSND Lê Dung từng hát “Xa khơi” cũng rất hay. Đến lớp học sinh của tôi là Anh Thơ, Tân Nhàn đều là những người rất say sưa với “Xa khơi”. Tôi từng nói với anh Tuệ: “Anh đừng trách em bởi vì em rất biết em. Em chỉ có thể hát “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”, đó là bài em rất thích. Còn “Xa khơi” đã quá nổi tiếng và trở thành ấn tượng sâu sắc của những ca sỹ khác, mà em cũng trân trọng họ, nên em không thể khai thác hay hơn được”.
Nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ (Ảnh: Internet)
Chị làm thế nào để “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” vẫn ghi dấu ấn riêng, dù là “người đến sau”?
NSND Thanh Hoa: Khi tôi hát “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” thì tôi phải có tốp ca nam, để tôi dùng bè trầm. Âm nhạc luôn luôn phải theo thời đại và luôn luôn phải sáng tạo. Nếu như tôi hát đơn ca mỏng manh thì không tôn vinh được tác phẩm viết về Bác Hồ. Tôi rất trân trọng hình ảnh Pác Bó, tôi cũng rất yêu thiên nhiên Việt Nam, rừng núi Việt Nam.
Trước khi thể hiện, tôi đã hỏi ý kiến anh Tuệ: “Em muốn cho bè tốp ca nam đệm để tăng bề dày của rừng núi”. Anh bảo: “Sáng tạo của em rất tốt”. Anh chỉ dặn: “Khi nào thu xong thì cho anh nghe”. Anh cũng nói: “Với Hoa hát anh rất yên tâm. Anh thích nghe em hát. Bởi em trân trọng một cách tinh tế trong cách nhả lời, nhả chữ các ca khúc Việt Nam”. Tôi không bao giờ quên được lời khen của nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ dành cho tôi. Khi anh nghe xong bản “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” của tôi, anh khen: “Thú vị. Đúng như em nói, cho tốp ca nam vào tự nhiên cảm thấy cái mênh mang của núi rừng”.
Khi dựng “Xa khơi” cho học trò hát, nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ có góp ý với chị không?
NSND Thanh Hoa: Anh lại hỏi ngược lại tôi: “Em nghĩ gì về “Xa khơi”?”. Đến khi tôi nói, khi nghĩ đến “Xa khơi” tôi thường nghĩ đến một buổi chiều rất đẹp, hoàng hôn xuống, mặt biển trở nên yên ả, con thuyền trở về với khoang cá đầy. Tôi cũng là người yêu biển. Tôi từng ngồi thẫn thờ trước hoàng hôn biển, mà ở rất nhiều biển không chỉ biển Việt Nam. Tôi từng thẫn thờ ở biển Cu Ba hay nhiều nơi có biển đẹp và mỗi lần như thế lại nghĩ đến cái mênh mang của “Xa khơi”.
NSND Thanh Hoa (Ảnh: Internet)
“Xa khơi” của anh Tuệ có nét rất riêng. Thường người ta nói về biển là nói đến sóng ồn ào, sóng bạc đầu, dữ dội, gào thét… như một sự trả giá để dành lấy sự yên ả. Anh Nguyễn Tài Tuệ lại bắt được sự êm ả, thanh bình của biển khi con người ta trở về với thành quả lao động của họ trong một buổi chiều. Khi tôi chia sẻ xong thì anh nói: “Em đã cảm nhận được như thế thì anh chẳng còn điều gì để yêu cầu em nữa. Em cứ dựng thôi”.
Những tác giả nổi tiếng tôi đều có vinh dự trò chuyện một đôi lần. Như anh Trịnh Công Sơn tôi được nói chuyện một lần. Anh Nguyễn Tài Tuệ tôi được nói chuyện đôi lần. Riêng anh Phạm Tuyên tôi được đi cùng nhiều. Tôi chỉ có thể nói: Những bậc nhạc sỹ như Nguyễn Tài Tuệ, như Hoàng Vân, Phạm Tuyên, Hồ Bắc, Tân Huyền… đều rất đáng trân trọng, những nghệ sỹ như tôi luôn biết ơn “tiền bối”. Các anh như một sự mẫu mực về đam mê nghề, để nghệ sỹ chúng tôi noi theo. Các anh yêu, nhiệt huyết, trân trọng âm nhạc. Tất cả những nốt nhạc của các anh sẽ tồn tại mãi mãi. Đó là những bài ca đi cùng sự trưởng thành của đất nước. Có lẽ, không bao giờ người Việt Nam có thể quên được “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” hay “Xa khơi” của Nguyễn Tài Tuệ.