NSND Bùi Bài Bình bước ra khỏi buổi chiếu phim "Nhà tiên tri" với ánh mắt lấp lánh niềm hạnh phúc. Anh nhận được sự chúc mừng nồng nhiệt của người thân và đồng nghiệp. Sau nhân vật Hòa trong phim "Mùa ổi" thì vai Bác Hồ trong "Nhà tiên tri" là một vai đáng nhớ trong sự nghiệp diễn xuất của anh. Anh hào hứng chia sẻ với PV cảm xúc về phim và những trăn trở trong nghề.
NSND Bùi Bài Bình ghi dấu ấn trong lòng khán giả qua nhiều bộ phim như: Mùa ổi, Gió làng Kình, Ma làng. |
Không mong đoạt giải là dối lòng
Vào vai Bác Hồ trong phim "Nhà tiên tri", anh gặp phải những áp lực gì?
- Đóng vai cụ Hồ rất khó vì những tư liệu về Bác không có nhiều. Để tái hiện chân thật nhân cách, tâm hồn của Bác thì tôi phải đọc nhiều tài liệu, thậm chí tìm tài liệu của Trung Quốc, Liên xô cũ, kể cả tác giả người Mỹ rất hâm mộ Bác. Ngoài ra, tôi còn xem lại những bộ phim đồng nghiệp mình đã từng đóng Bác như anh Tiến Hợi, Trần Lực.
Là người đi sau, tôi có thuận lợi là học được những cái tốt của họ nhưng áp lực là sao để không bị đánh giá là diễn dở hơn. Áp lực lớn nhất của tôi là làm sao khắc họa được chân dung của Bác – một người nhân hậu, khí phách, tình cảm. Tôi và đạo diễn Vương Đức đều thống nhất xây dựng hình tượng Bác Hồ áo nâu, chân đất, nằm gai nếm mật chứ không phải một ông Thánh. Cụ Hồ sống chan hòa với mọi người, bao dung với mọi người, kể cả kẻ thù.
"Nhà tiên tri" cũng như vai diễn lãnh tụ của anh được đánh giá cao và được dự đoán sẽ đoạt giải phim hay nhất, nam diễn viên xuất sắc nhất trong LHP năm nay. Còn anh, anh có kỳ vọng vào vai diễn này?
- Đối với bất kỳ người làm nghệ thuật thì tác phẩm, vai diễn của mình được đánh giá cao cũng vui, hạnh phúc. Bản thân tôi dành nhiều tâm huyết cho vai diễn này nên cũng hi vọng sẽ có giải. Tham gia liên hoan phim mà không mong được giải thì dối lòng nhưng quan trọng nhất với tôi là lột tả được thần thái của Bác Hồ. Một sự trùng hợp thú vị là năm tôi đóng phim bằng tuổi Bác trong phim – 48 tuổi.
Có những nhận xét rằng, phim nhà nước như "Nhà tiên tri" luôn được ưu ái, thường sẽ giành giải cao. Anh nghĩ sao về điều này?
- Tôi không nghĩ thế, phim tư nhân hay nhà nước đều được nhìn nhận như nhau, quan trọng là nội dung và thông điệp của bộ phim thế nào, đem đến cho khán giả những cảm xúc gì mới quan trọng. "Nhà tiên tri" thuộc dòng phim kén khách nên không thể có sự ủng hộ ồn ào như những phim thương mại khác. Nhưng làm nghệ thuật, nếu chỉ có giải trí, đấm đá, những thứ vô thưởng vô phạt … thì đáng buồn lắm.
Điện ảnh như một mâm cơm, có nhiều món ăn để khán giả lựa chọn nhưng dù thay đổi thế nào thì cơm vẫn không thể thiếu. Những phim lịch sử, nghệ thuật dù không kịch tính, không câu khách bằng chuyện tình tay ba, bệnh tật nhưng lại góp phần nhắc thế hệ sau không quên khó khăn, xương máu của những người đi trước.
Diễn viên Bùi Bài Bình tại buổi giới thiệu phim "Nhà tiên tri". |
Phim lịch sử rất ý nghĩa nhưng khó nhất là cách truyền tải làm sao chạm đến trái tim người xem mà không khô khan, sách vở. Có ý kiến cho rằng "Nhà tiên tri" vẫn chưa thoát khỏi sự khô khan ấy. Anh nghĩ sao về nhận định này?
- "Nhà tiên tri" hay các phim lịch sử khác có khô khan là điều đương nhiên. Làm phim về Bác thì không thể có tình yêu sướt mướt, nóng bỏng. Tuy nhiên, tôi nghĩ bộ phim này cũng đạt được một điều, đó là sự đẹp đẽ, xúc động và giản dị như tính cách của Người.
Không buồn khi đứng lặng lẽ trên thảm đỏ
Trong lễ khai mạc liên hoan phim vừa qua, có một thực tế hơi buồn là mọi ống phóng viên, sự quan tâm của khán giả thường chú ý đến diễn viên trẻ với những váy áo hào nhoáng. Nghệ sĩ già như anh lại ngồi một góc lặng lẽ. Anh có buồn vì điều này?
- Tôi không buồn, không nhỏ nhặt khi nghĩ đến điều đó vì mỗi người có một chỗ đứng, có thời khác nhau. Ví dụ, ngày trẻ, tôi cũng được săn đón nhiều. Còn chuyện khán giả thích những cô gái xinh đẹp, chưng diện lộng lẫy thì cũng là điều bình thường. Phụ nữ đẹp thì ai chả thích. Tôi quan niệm là diễn viên phải có vai hay, đạo diễn phải có tác phẩm ý nghĩa… , tự mình trân trọng mình trước thì mới mong được khán giả trân trọng.
Dù không thu hút ống kính phóng viên hay sự chào đón nhiệt liệt từ khán giả thì đi LHP tôi và những nghệ sĩ lớn tuổi vẫn được ngồi hàng ghế đầu, được trọng vọng. Chúng ta không thể bắt ai đó tôn trọng, tung hô mình. Đó là sở thích của mỗi người. Như tôi đã nói, mỗi dòng phim có khán giả riêng.
Anh chia sẻ về vai diễn Bác Hồ trong phim "Nhà tiên tri" với khán giả trẻ. |
Sự khác biệt ấy còn thể hiện ở cuộc sống hàng ngày. Những nghệ sĩ gạo cội, đóng góp những bộ phim hay như anh chỉ có cuộc sống giản dị, ở ngôi nhà nhỏ 30 m2, trong khi đó người nổi tiếng bây giờ không cần có thành quả, chỉ cần scandal, xinh đẹp, cũng có nhà lầu xe hơi. Anh có thấy bất công?
- Đương nhiên mỗi người sẽ có cách kiếm tiền từ công việc khác nhau. Bản thân tôi đã trót yêu nghề này thì không tính toán dù lương ít, chế độ vừa phải. Ngày xưa, đi đóng phim không có tiền nhưng tôi vẫn thấy vui. Những năm 80-90, tôi đi đóng phim chỉ có lương cơ bản, không có cát – sê nhưng rất vui vì không bị gò ép bởi cái gì như đóng phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", chúng tôi quay mấy năm mới xong. Tuy nhiên, ngoài tiền, nghề cho tôi được nhiều cái khác mà người có tiền không có được.
Ngôi nhà tôi ở chỉ 30m2 đối với mọi người thì nó quá nhỏ nhắn nhưng có khi là niềm mơ ước của nhiều người và đối với tôi thì tôi hài lòng. Ở dưới tầng 1, nhà tôi bán café, còn ở trên lầu. Bán cà phê vừa bán được tiền, vừa vui.
Tôi chưa bao giờ từng suy nghĩ và đặt câu hỏi tại sao ca sĩ hát 1 bài được mấy chục triệu, thậm chí cả trăm triệu trong khi mình đi phim cả tháng mới được vài chục triệu. Xã hội phân cấp như thế nên không thể vì ca sĩ lương cao mà mình chuyển sang làm ca sĩ. Nhiều người có tiền, lại mơ được hát, đóng phim đấy. Nói đến mơ ước thì vô cùng lắm. Ông trời rất công bằng, cho mình cái này thì mất cái khác.