Sau liveshow Khánh Ly tại HN và Đà Nẵng, câu chuyện tác quyền âm nhạc đã trở thành chủ đề nóng. Đặc biệt, câu chuyện này càng trở nên phức tạp khi gần đây nhạc sĩ Phú Quang lên tiếng chấm dứt hợp đồng ủy quyền với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả VN (VCPMC) và tiết lộ "động trời" về việc thu chi thiếu minh bạch của trung tâm.
NS Phó Đức Phương trong cuộc gặp gỡ báo chí chiều 22/8. |
Trước những vấn đề này, chiều 22/8, Trung tâm VCPMC đã gặp gỡ báo chí giải đáp những thắc mắc liên quan đến vấn đề thu chi tác quyền trong thời gian vừa qua.
Ý kiến của Phú Quang là thiếu căn cứ
Tại buổi họp báo, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết các bộ cán bộ nhân viên trung tâm phải nghỉ một buổi làm việc để trực tiếp gặp gỡ các nhà báo với đầy đủ sổ sách, giấy tờ chứng minh sự minh bạch trong hoạt động của trung tâm.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết, ý kiến của Phú Quang khi nói trung tâm thu chi tiền tác quyền không minh bạch là thiếu căn cứ và có dụng ý không tốt.
"Phú Quang nói nhận được nhận tiền tác quyền trung bình 200 - 300/một bài, tuy nhiên nếu tính trung bình thì vô cùng lắm, vì tùy từng loại hình, tùy từng nơi lại có sự khác nhau. Ví dụ thu tác quyền ở các quận huyện xa xôi khác với tác quyền ở trung tâm thành phố. Bởi vậy, không thể trả lời trung bình tác quyền một bài hát là bao nhiêu. Có bài tác quyền mấy chục triệu nhưng cũng có bài hát tiền tác quyền chỉ có 122 đồng.
Ví dụ một chương trình Kpop diễn ra ở sân vận động Mỹ Đình, chúng tôi thu tới 525 triệu chưa tính thuế, tiền tác quyền đã lên tới 25 triệu/bài. Trong khi đó, với một nhà hàng karaoke ở tỉnh chúng tôi thu trọn gói 880 nghìn/phòng/năm. Với khoảng 3000 ca khúc được sử dụng, tính ra tiền tác quyền chỉ được 29 đồng/bài.
Nói vậy cũng để thấy, tiền tác quyền thấp chúng tôi vẫn cặm cụi thu. Điều đó thể hiện sự kiên nhẫn, vất vả của các nhân viên trung tâm. Còn ý kiến Phú Quang nhận tác quyền cao nhất cho một bài là một triệu thì sai vì có bài Phú Quang được nhận 5,9 triệu".
Nhạc sĩ Phó Đức Phương lắng nghe và giải đáp các câu hỏi về vấn đề thu chi tiền tác quyền. |
Thu tác quyền âm nhạc ở miền Bắc: rối ren và thê thảm
Về cách tính tiền tác quyền các show diễn, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết: "Nhạc sĩ có quyền đòi đến 10 % tổng doanh thu của một chương trình (10% của 75% số ghế nhân với tiền vé trung bình), tuy nhiên chúng tôi chỉ khiêm tốn thu có 5%.
Vấn đề tác quyền ở phía Nam làm rất nghiêm túc, nhưng miền Bắc vấn đề này lại vô cùng rối ren, nói đúng ra là thê thảm. Trước tình trạng này, trong khoảng thời gian 11/2011 - 10/2013 chúng tôi đã linh động áp dụng cách tính riêng cho miền Bắc là thu trọn gói theo chương trình: show diễn tại Nhà Hát Lớn thu 18 triệu, show diễn tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô và trung tâm Hội nghị Quốc gia thu bằng nhau với mức giá 25 triệu. Tuy nhiên, từ 10/2013 chúng tôi áp dụng theo cách tính chung, dẫu vậy vẫn tính cho miền Bắc 5% x 65% số ghế x giá vé trung bình".
Trước việc Phú Quang lên tiếng show Bằng Kiều trung tâm thu 4 triệu/bài, sau đó đơn vị không chịu nộp lại hạ xuống 700 nghìn/bài, đại diện VCPMC giải thích: "Show Bằng Kiều diễn ra vào ngày 28/10/2012, khi đó đang áp mức tác quyền trọn gói là 25 triệu/chương trình thì hoàn toàn không có chuyện tác quyền 1 bài là 4 triệu. Hơn nữa, đây là chương trình từ thiện nên trung tâm giảm 25% tiền tác quyền, chỉ thu hơn 18 triệu/26 bài, tính ra mỗi bài chỉ 720 nghìn".
Trả lời ý kiến của nhạc sĩ Phú Quang về việc thu 5 bài của cố NS Đoàn Chuẩn 80 triệu đồng tiền bản quyền + 8 triệu đồng tiền thuế, trong khi các nhạc phẩm của cố NS Văn Cao, cùng chương trình đó lại chỉ có mức giá 1 triệu đồng/bài, trung tâm VCPMC cho biết: "Đây là chương trình Nghìn trùng xa cách diễn ra tại TP. HCM. Thực tế chương trình chỉ thu hơn 20 triệu. Đêm nhạc sử dụng 21 ca khúc của các nhạc sĩ Văn Cao, Đoàn Chuẩn và Phạm Duy. Tuy nhiên, đơn vị tổ chức cho biết họ trực tiếp thanh toán tiền tác quyền các ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao, thế nên trung tâm chỉ thu tác quyền 8/21 ca khúc, tương ứng với 20 triệu".
Phía trung tâm cũng tiết lộ, 6 ca khúc của cố nhạc sĩ Văn Cao thực tế đơn vị tổ chức đêm nhạc chỉ trả tác quyền 1,8 triệu. Như vậy tiền tác quyền cho một ca khúc chỉ 300 nghìn đồng.
Đơn vị tổ chức đêm nhạc tự trả tác quyền ca khúc của cố nhạc sĩ Văn Cao là 1,8 triệu cho 6 bài. |
Tác quyền show Khánh Ly: Thanh tra Bộ VH vào cuộc
Về việc tác quyền các ca khúc sử dụng trên truyền hình, NSND Trần Bình - GĐ Nhà hát Nghệ thuật đương đại VN cho biết, tiền bản quyền một ca khúc phát sóng trên truyền hình được nhà đài trả 300.000 đồng/ca khúc suốt 3 năm nay chưa đến được tay các NS. Đáp lại, nhạc sĩ Phó Đức Phương bức xúc: "Nói vậy chết không cơ chứ. Ông Trần Bình chỉ nói vu vơ, thích nói gì thì nói".
"Tác quyền các ca khúc sử dụng trên truyền hình có nhiều cách tính khác nhau, cao nhất là 300, thấp nhất là 10 ngàn đồng. Từ khi chúng tôi ký hợp đồng hợp tác, trung tâm đã thực hiện thu và phân phối tiền tác quyền đến hết năm 2013" - đại diện trung tâm trả lời.
Riêng việc Phú Quang đề nghị chấm dứt hợp đồng ủy quyền từ 1/9, nhạc sĩ Phó Đức Phương chia sẻ, trung tâm sẽ tôn trọng quyết định của nhạc sĩ: "Nếu sau này Phú Quang muốn ký hợp đồng trở lại trung tâm vẫn sẵn sàng".
Trở lại lùm xùm tác quyền show Khánh Ly, theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, ngày 27/8, thanh tra Bộ Văn hóa sẽ họp cùng với trung tâm và đơn vị tổ chức để giải quyết dứt điểm. Nhạc sĩ cũng chia sẻ, về phía gia đình Trịnh Công Sơn ngay từ đầu gia đình đã yêu cầu và động viên trung tâm thực hiện nghiêm túc việc thu tác quyền các show diễn này.