NS Nguyễn Văn Tý: “Người thương mình ít quá“
(Kiến Thức) - "Tôi vốn là người giàu tình thương, thấy ai cũng dễ mủi lòng mà sao người thương mình thì ít quá", nhạc sỹ của Dư âm bộc bạch.
Đến thăm vị nhạc sĩ già vào một buổi chiều náo nhiêt và oi nồng của ngày đầu hè. Căn nhà nằm nép mình trong con hẻm nhỏ bị lấn át bởi những thiết kế hiện đại và màu sắc. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã bước sang tuổi 91, đang ngồi ăn bữa cơm chiều, trệu trạo nhai từng miếng khó nhọc. Bữa cơm đạm bạc, chỉ có hai món đơn giản. Ông bảo, tôi nhiều tuổi rồi, bộ máy tiêu hóa kém, không dám ăn nhiều... lại khổ mình. Người viết chờ ông kết thúc bữa cơm chiều và chệnh choạng từng bước khó nhọc ra phòng khách.
|
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý bước vào tuổi 90. |
Một đời lụi dần qua ô cửa nhỏ
Ngôi nhà hơn 30m2 được mua từ đầu thập niên 90, sửa sang lại chút ít rồi dọn về từ đó. Căn nhà được xây theo kiểu cũ, trần khá thấp, thiếu không khí và đầy ắp những món đồ gắn với cuộc đời của vị nhạc sĩ lừng danh. Căn phòng riêng chưa đầy 6m2 của nhạc sĩ Dư âm được ngăn và chắp vá bởi những tấm ván ép cũ kỹ, tạm bợ. Một, hai năm trở lại đây, khi chân ông yếu đi nhiều, mọi sinh hoạt, ăn, ngủ, vệ sinh đều diễn ra trong không gian này.
Căn gác gần như bỏ trống, không người lau dọn tới. Trước đây, nhạc sỹ cho thuê trọ để thêm chút tiền chợ nhưng gần đây, cô cháu gái viện lý do bất tiện và khó quản lý nên ông đành thôi.
Ngồi trò chuyện với người viết giữa phòng khách bộn bề đồ đạc, vài chiếc ghế đơn, chiếc bàn trà bằng gỗ cũ kỹ, chiếc sô pha, ti vi nhỏ, vài ba món đồ chơi con trẻ. Nhạc sĩ kể, hơn một năm nay, cô cháu gái (bà Lệ Thương - PV) ngoài việc chăm tôi, còn trông nom hai đứa cháu ngoại của bà. Căn nhà nhỏ vốn chật chội, lại luôn vang tiếng trẻ nhỏ khóc, cười không ngớt. Có tiếng trẻ cũng vui, nhà bớt cô quạnh, nhưng ông chỉ được nhìn cháu chơi từ xa, mà không được lại gần vì người lớn không cho. Ông vốn giàu tình thương, có quà bánh đều để phần lại không có cơ hội đưa cho cháu ăn.
Kể đến đây, người nhạc sĩ lừng danh một thời, rơm rớm nước mắt: "Niềm vui của tôi cứ bị cắt ngang như vậy. Nhiều khi khiến tôi bực mình lắm. Tôi già cả rồi nên cũng dễ sinh cáu gắt."
Ông kể chuyện đời sống bằng cái giọng trầm buồn, thỉnh thoảng có từ còn không thành tiếng vì mệt mỏi. Lâu lắm, ông mới cố gồng mình ra phòng khách để thay đổi không khí. Bên chiếc ghế và chiếc bàn trà nhỏ đã nhuốm màu thời gian, ánh mắt lúc nào cũng như trông ngóng về ô cửa sổ nhỏ. Ông bảo, vẫn luôn để ý ra đầu hẻm để xem có bóng dáng nào quen thuộc không. Giờ mắt đã không còn tinh tường như xưa thì chỉ thấy hình dáng, đến gần mới phân biệt được lạ - quen. Nhưng hầu hết, chỉ là gương mặt xa lạ đi qua cửa nhà mình. Tuổi già cô quạnh, giờ không còn gì làm thú vui nữa. Bạn bè gần như không còn một ai, mong có người đến để trò chuyện với mình cũng là điều khó. Lâu lắm mới có một nhà báo đến hỏi han ông để viết bài, còn người quen thì gần như bặt tin.
Tuổi già cô quạnh trong căn hẻm nhỏ
Từ ngày vợ ông (bà Bạch Lê) qua đời, ông gần như sống cô độc trong căn nhà này. Dù có lần cô con gái mời ông về sống chung, ông lại sợ chỗ lạ, khó thích nghi, ông cũng không muốn rời xa căn nhà của mình nên từ chối. Mọi sinh hoạt của ông đều nhờ cô cháu gái bên nhà vợ chăm lo. Ông một minh, thân già với khoản lương hưu còm cõi, vừa xoay xở với bệnh tật, vừa lo sinh hoạt cho hai người, chưa kể khoản tiền "gọi là trợ cấp" cho cô cháu gái.
Cô cháu gái của ông đã ngoại lục tuần, chỉ giúp ông ngày hai bữa cơm đơn giản, giặt giũ, nhắc ông uống thuốc. Còn chuyện vệ sinh cá nhân từ ngày ông bị tai biến, cô cháu lấy cớ ngại, cứ lần nữa. Có khi, ba, bốn tháng, ông mới được tắm rửa một lần. Ông kể: “tôi là người không biết ghét ai bao giờ, gặp ai cũng thương mà sao tôi không được nhiều người thương. Tôi bây giờ thiếu một người trông nom, để nhờ cậy. Nhiều khi có những việc không đáng làm nhưng tôi phải tự làm lấy. Có khi ngã trong nhà vệ sinh, không kêu lên được, phải nằm mấy tiếng đồng hồ, cô cháu mới phát hiện ra, nhờ người bên hàng xóm vực dậy”.
Ở giữa thành phố 8 triệu dân, vị nhạc sĩ từng gây tiếng vang một thời vẫn từng ngày nằm đếm thời gian trôi qua khung cửa. Nhạc sĩ bảo: "hết nằm, lại ngồi. Xem tivi rồi đọc báo để giết thời gian. Thỉnh thoảng nghe lại vài bản nhạc của mình nhưng ngày nào cũng thế nên buồn lắm." Tiếng ông đều đều giữa tiếng máy khoan, đục, tiếng xe cộ hối hả chạy ngang nhà, nhiều khi tiếng được, tiếng mất. Ông nhắc chuyển xưa, kể chuyện nay mà giọt nước mắt cứ chực trào ra khóe mi một cách khó nhọc. Ấy thế mà, ông chưa một lời nhắc về những ý nghĩ tiêu cực. Ông bảo chỉ buồn, vì giờ ai hình như cũng thiếu tình thương.
Ở Sài Gòn ông chỉ có một cậu em trai và cô con gái thứ. Nhưng lâu lắm, chả ai đến thăm ông. Ông bảo: "Nhiều khi, chỉ mong những người bước vào đầu hẻm kia là người mình quen, hay người qua đường kia dừng chân ở cửa nhà mình, nói dăm ba câu chuyện là ông thấy vui rồi".
Ở vào tuổi xế chiều hắt bóng, người từng viết nên bao tác phẩm đi vào lòng người này chỉ thèm có một người để được chia sẻ đôi ba câu chuyện, được chăm sóc. Không biết là tri kỷ hay ông cần một tình thương từ đáy lòng hay hơn nữa. Hình ảnh người nhạc sĩ già ngày ngày ngóng trông ra ô cửa sổ sẽ còn đọng lại trong tâm trí những ai từng một lần ghé chân.