Công chúa Ấn Độ
Noor Inayat Khan sinh năm 1914, nữ điệp viên này có gốc gác người Hồi giáo Sufi ở Ấn Độ nhưng chào đời tại Nga. Cha bà là Hazrat Inayat Khan, cháu nội vua Tipu Sultan của Vương quốc Mysore, một xứ sở Hồi giáo thuộc miền nam Ấn Độ trước đây. Mẹ bà là Ora Meena Ray Baker, người gốc vùng Albuquerque, bang New Mexico, Mỹ. Xét về nguồn gốc, Noor là một công chúa.
Chân dung “công chúa điệp viên” Noor Inayat Khan. Ảnh: Mensxp.com. |
Noor theo gia đình di chuyển khắp châu Âu, từ Nga, sang Anh, rồi đến Pháp. Sau khi cha bà qua đời vào năm 1927, Noor thay cha cáng đáng nhiều công việc gia đình, cùng mẹ chăm sóc các em. Dù cuộc sống bề bộn với nhiều lo toan, bà vẫn nỗ lực học tập, tốt nghiệp Đại học Sorbonne ngành tâm lý trẻ em và Nhạc viên Paris. Noor là học trò của nhạc sĩ Pháp nổi tiếng thế giới Nadia Boulanger.
Thế chiến II bùng nổ, gia đình Noor tiếp tục di cư đến Bordeaux rồi sau đó trở về Anh. Dù bị ảnh hưởng sâu sắc bởi học thuyết hòa bình của cha và là một người mông mơ, Noor vẫn quyết định gia nhập quân đội Anh để chống phát xít.
Bà nộp đơn vào Lực lượng Nữ Không quân Trợ chiến (WAAF) và được huấn luyện thành liên lạc viên vô tuyến điện ngầm. Đến tháng 6/1941, khi đang huấn luyện kỹ thuật, Noor xin gia nhập một ban tác chiến và được nhận vào Ban F (Pháp) thuộc Cục Tác chiến Đặc biệt (SOE). Sau đấy, Noor trải qua nhiều đơn vị khác nhau và có cơ hội tham gia hàng loạt khóa huấn luyện của SOE.
Vì thông thạo tiếng Pháp và giỏi kỹ thuật vô tuyến điện, Noor là ứng viên sáng giá cho nhiệm vụ hoạt động trong lòng nước Pháp, lúc bấy giờ đang bị phát xít Đức chiếm đóng.
Điệp viên quả cảm
Nhảy dù xuống Paris tháng 6/1943, Noor, 29 tuổi, là nữ liên lạc viên vô tuyến điện đầu tiên của SOE hoạt động tại Pháp. Noor tham gia một mạng lưới gián điệp Anh có bí danh “Thầy thuốc” do Francis Suttill, mật danh “Prosper” dẫn đầu.
Nhưng tai họa ập đến. Gần một tuần sau khi Noor thâm nhập Paris, hầu như tất cả các điệp viên SOE trong thành phố đều bị bắt giữ bởi một chiến dịch truy quét diện rộng do Gestapo (mật vụ phát xít Đức) thực hiện.
Noor bằng cách nào đó đã thoát được cuộc truy quét. Bà trở thành liên lạc viên vô tuyến điện duy nhất còn lại ở Paris. Người Anh đề nghị đưa bà khỏi Pháp nhưng Noor từ chối bởi bà biết tầm quan trọng của nhiệm vụ mà mình gánh trên vai. Điều Noor làm tiếp theo vượt quá cả kỳ vọng mọi người dành cho bà.
Ba tháng sau đó, Noor luôn phải vất vả trốn tránh và che giấu thân phận nhằm thoát khỏi vòng vây ráp của Gestapo. Bà không ngừng thay đổi chỗ ở, cải trang gần như mỗi ngày. Trong lúc đó, bà vẫn miệt mài gửi thông tin về trụ sở ở London thông qua chiếc máy phát vô tuyến điện. Noor đóng vai trò như cầu nối giữa quân kháng chiến ở Paris với London.
Tuy nhiên, ngày 13/10/1943, Noor cuối cùng cũng bị phát xít Đức bắt vì một điệp viên hai mang đã phản bội và chỉ điểm bà với Gestapo. Kẻ bán đứng Noor chính là người đã đón bà tới Pháp: Henri Dericourt, một sĩ quan SOE và từng là phi công không quân Pháp.
Không chịu khuất phục, công chúa Ấn Độ chống trả bằng tất cả những gì mình có: Đấm, đá và cắn. Gestapo phải cần đến 6 gã đàn ông lực lưỡng mới có thể giữ được Noor.
Vài giờ sau khi bị tống giam, Noor tìm cách vượt ngục. Để bảo vệ sự danh giá, Noor yêu cầu cánh cửa buồng giam phải được đóng trong lúc bà tắm. Noor đã tận dụng cơ hội này để bỏ trốn qua cửa sổ buồng tắm rồi leo lên mái nhà. Nhưng tiếng động đã khiến lính gác chú ý và kế hoạch tẩu thoát đầu tiên của Noor thất bại.
Sau một lần bỏ trốn bất thành khác, Noor bị xích chân, bị biệt giam và bị tra tấn dã man suốt ngày đêm. Dù vậy, bà vẫn không hé nửa lời với kẻ thù.
Qua gần một năm bị bắt giữ, Noor được chuyển tới trại tập trung Dachau cùng ba điệp viên khác. Những người đi cùng bà gần như ngay lập tức bị hành quyết khi đến nơi nhưng Noor thì không. Phát xít Đức tiếp tục tra tấn bà. Ngày 13/9/1944, chúng mới bắn chết bà. Theo những người chứng kiến sự việc, từ cuối cùng mà Noor nói là “Độc lập”.
Noor được chính phủ Pháp truy tặng Huân chương Croix de Guerre Sao Vàng và được Chính phủ Anh truy tặng Huân chương Thập tự George, phần thưởng cao quý nhất dành cho kỵ binh không ra chiến trường.
Năm 2006, tác giả Basu Shrabani viết một cuốn sách về tiểu sử của Noor với tựa đề “Điệp viên Công chúa” nhằm tưởng nhớ bà. Năm 2012, tượng đài Noor Inayat Khan được dựng lên ở London.
“Tôi nhận ra câu chuyện của Noor đã chạm tới trái tim những người bình thường nhiều như thế nào, đặc biệt là đối với người trẻ… Tôi cũng cảm thấy chúng ta cần ghi nhớ thông điệp, tư tưởng và sự quả cảm của Noor trong thời đại ta đang sống”, Basu chia sẻ.