Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai đã có lãi trong quý 1 nhưng còn tồn vấn đề gì?
(Kiến Thức) - Trong quý 1/2020, HNG đã bắt đầu có lãi hơn 1,8 tỷ đồng sau 6 quý liên tiếp chìm trong thua lỗ. Tuy nhiên, vay nợ tài chính của HNG vẫn ở mức cao tới 9.689 tỷ đồng.
Quý 1/2020 cải thiện tỷ suất lãi gộp biên và bắt đầu có lãi
CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HNG) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2020 với doanh thu thuần 666 tỷ đồng, gấp 1,9 lần cùng kỳ 2019.
Giá vốn chiếm 393 tỷ đồng nên lãi gộp về mức 273 tỷ đồng, gấp 2,8 lần cùng kỳ. Tương ứng tỷ suất lãi gộp biên tăng từ 28% của cùng kỳ lên 40,9%.
Hoạt động tài chính của HNG tiếp tục ghi âm 122 tỷ đồng, trong đó ảnh hưởng của chi phí lãi vay là 80 tỷ đồng, giảm đáng kể so mức 167 tỷ đồng của cùng kỳ. Lợi nhuận từ liên doanh liên kết tiếp tục chỉ ở mức hơn 4 tỷ đồng.
Trong khi chi phí bán hàng gần gấp đôi cùng kỳ lên 71 tỷ đồng thì chi phí quản lý được HNG cắt giảm 59% xuống còn 56 tỷ đồng.
Đáng nói, kỳ này HNG lỗ khác hơn 24 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi tới 157 tỷ đồng.
Do đó, sau cùng, HNG ghi nhận hơn 1,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, khả quan hơn nhiều so với mức lỗ 98 tỷ đồng của cùng kỳ 2019.
Vay nợ tài chính của HNG vẫn ở mức cao tới 9.689 tỷ đồng
Tại thời điểm 31/3/2020, tổng nguồn vốn của HNG tăng thêm 853 tỷ đồng, lên mức 24.133 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của HNG vẫn ở mức cao khi tăng thêm 1.105 tỷ, lên 14.647 tỷ đồng. Vay nợ tài chính ngắn hạn giảm phân nửa xuống 2.127 tỷ đồng; còn vay nợ tài chính dài hạn lại tăng lên gần gấp đôi với 7.562 tỷ đồng.
Cụ thể, HNG đang vay ngắn hạn gần 600 tỷ tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và 20 tỷ tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Ngoài ra, HNG còn vay ngắn hạn CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) số tiền gần 37 tỷ, và các tổ chức cá nhân khác số tiền 220,7 tỷ.
Còn vay dài hạn, lớn nhất là tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) số tiền 1.885 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank) là 94 4tỷ đồng, Ngân hàng Liên doanh Lào Việt - chi nhánh Attapeu 805 tỷ, Sacombank 554 tỷ, TPBank 100 tỷ. Đồng thời, vay 2.575 tỷ của HAG, CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) 1.769 tỷ...
Hiện HNG đang có lỗ luỹ kế tớ 2.322 tỷ đồng do ảnh hưởng của việc kinh doanh thua lỗ thời gian qua.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của HNG cũng đã bắt đầu dương 932 tỷ đồng, trong khi năm trước âm 114 tỷ đồng. Tuy nhiên lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 1.235 tỷ nên sau cùng lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của HNG vẫn âm 92 tỷ đồng.
Hiện HNG có 14 công ty con đang hoạt động tại Việt Nam, Lào và Campuchia.
Trong đó, hồi tháng 2/2020, HNG đã mua thêm 35,9 triệu cổ phần được phát hành mới từ CTCP Hoàng Anh Đắc Lắc với giá trị 359 tỷ đồng, tăng sở hữu từ 99,53% lên 99,78%. Chênh lệch giữa giá phí và giá trị ghi sổ tương ứng với phần sở hữu mua thêm vào ngày giao dịch là 280 tỷ đồng đã được ghi nhận tăng lỗ luỹ kế của HNG.
Cổ phiếu HAG tiếp tục bị cảnh báo, HNG vào diện kiểm soát
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM vừa ra quyết định tiếp tục duy trì diện cảnh báo đối với HAG và đưa cổ phiếu HNG vào diện kiểm soát kể từ ngày 23/4/2020.
Cụ thể, theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2019 của HAG, lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ HAG ghi nhận gần 217 tỷ đồng và lãi sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2019 hơn 290 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Công ty kiểm toán tiếp tục đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ liên quan đến các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn (tồn tại từ BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2017, 2018 và BCTC hợp nhất soát xét bán niên năm 2019) và thêm ý kiến ngoại trừ liên quan đến thuế TNDN.
BCTC của HAG còn có ý kiến kiểm toán nhấn mạnh liên quan đến việc khoản nợ ngắn hạn của HAG tại ngày 31/12/2019 đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 1,016 tỷ đồng, cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.
Như vậy, căn cứ theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2019 của Công ty tồn tại ý kiến kiểm toán ngoại trừ trọng yếu, HAG chưa khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo.
Đối với cổ phiếu HNG, lãi sau thuế của cổ đông Công ty mẹ HNG năm 2018 âm hơn 659 tỷ đồng và năm 2019 âm gần 2,426 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2019 ghi nhận âm 2,324 tỷ đồng.
Do đó, cổ phiếu HNG bị đưa vào diện kiểm soát và sẽ bị hạn chế về thời gian giao dịch (chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận) kể từ ngày 23/04/2020.