Nóng giá điện, xăng tăng: Chính phủ báo cáo Quốc hội

(VietnamDaily) - Báo cáo của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa ủy quyền của Thủ tướng gửi QH có đoạn, trong đợt điều chỉnh giá điện vừa qua, các bộ, ngành, EVN có lúc còn lúng túng chưa phối hợp chặt chẽ và kịp thời để làm tốt công tác thông tin, công khai minh bạch giá điện.

EVN đã thực hiện thoái toàn bộ vốn đầu tư ngoài ngành
Đối với việc điều hành giá điện, báo cáo dẫn cơ sở pháp lý của việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 là luật Điện lực, Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, Quyết định 34/2017 của Thủ tướng về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn này được quy định tối thiểu là 1.606,19 đồng/kwh, tối đa 1.906,42 đồng/kwh.
Báo cáo cũng cho biết quy trình thực hiện tăng giá điện. Cụ thể, theo quyết định 24, giá điện sẽ được xem xét điều chỉnh từ tháng 6/2018. Tuy nhiên, căn cứ thực tế các yếu tố chi phí đầu vào cấu thành giá điện và để đảm bảo ổn định giá cả, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã quyết định không điều chỉnh giá điện trong năm 2018. Việc này đã góp phần kiềm chế lạm phát ở mức 3,54% và giúp tăng trưởng tổng sản phẩm GDP 7,08%.
Nong gia dien, xang tang: Chinh phu bao cao Quoc hoi
Ảnh minh họa. 
Trong quá trình xây dựng và ban hành giá, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có báo cáo. Qua nhiều cuộc họp, Thủ tướng kết luận chủ trương điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2019 theo phương án tăng 8,36% so với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và yêu cầu Bộ Công Thương lựa chọn thời điểm thích hợp trong khoảng từ ngày 15-30/3 để điều chỉnh.
Sau đó, Bộ Công Thương có văn bản báo cáo Thủ tướng về điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019, trong đó đề nghị Thủ tướng cho ý kiến chỉ đạo về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 lên 1.864,44 đồng/kWh, tăng 8,36% kể từ ngày 20/3. Ngày 20/3, VPCP có văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý về đề nghị của Bộ Công Thương.
Về việc cân nhắc lựa chọn thời điểm tăng giá, Bộ Công thương lý giải là theo đề xuất của liên Bộ và Tổng cục Thống kê.
"Việc cân nhắc thời điểm điều chỉnh giá điện vào ngày 20/3, đã được Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá tính toán tổng thể để đồng bộ với các điều chỉnh về giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế, học phí, đảm bảo CPI của cả năm nằm trong khoảng từ 3,3 - 3,9%, thấp hơn 4% mức CPI chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua" - báo cáo nêu rõ.
Về thông tin cho rằng giá điện “gánh” các chi phí, lỗ đầu tư ngoài ngành của EVN, báo cáo cho biết, EVN đã thực hiện thoái toàn bộ vốn đầu tư ngoài ngành sản xuất kinh doanh điện với tổng giá trị vốn thoái vốn thành công theo mệnh giá thực hiện là 2.214 tỷ đồng, tổng giá trị vốn thu về 2.341 tỷ đồng, thặng dư vốn 127 tỷ đồng. Riêng khoản vốn đầu tư còn lại 7,5% vốn điều lệ tương ứng 187,5 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Tài chính Điện lực đang kinh doanh có lợi nhuận và trả cổ tức hàng năm sẽ được EVN thực hiện thoái vốn trong năm 2019.
“Các khoản chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán và không bao gồm các khoản chi phí đầu tư ra ngoài nghành của EVN”, báo cáo nêu.
Chính phủ báo cáo gì về số dư tiền gửi ngân hàng 42.798 tỷ đồng của EVN?
Báo cáo về số dư tiền gửi ngân hàng 42.798 tỷ đồng của EVN, Chính phủ cho biết, đây là số liệu tại báo cáo tài chính hợp nhất toàn EVN thời điểm 30/6/2018. Đây là tổng số tiền gửi ngân hàng tại 253 đơn vị thành viên cấp 2 và cấp 3 thuộc Tập đoàn để phục vụ sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng.
So với số dư nợ phải trả ngắn hạn tại cùng thời điểm trả của EVN (hơn 106 nghìn tỷ đồng), thì số dư tiền gửi nêu trên chưa đủ để sử dụng cho trả nợ ngay các nhà cung cấp nhiên liệu (khí, than, dầu), bán điện (55 nghìn tỷ đồng), chi phí phải trả ngắn hạn tiền mua điện của các nhà máy điện (10 nghìn tỷ đồng), trả nợ ngân hàng đến hạn (22 nghìn tỷ đồng), thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (2,5 nghìn tỷ đồng) và các khoản phải trả phục vụ sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng (16,5 nghìn tỷ đồng).
Do đặc thù của ngành nghề kinh doanh, tiền điện thường tập trung vào cuối tháng nên số dư tiền gửi của EVN vào các ngày cuối tháng (thời điểm lập báo cáo quyết toán) thường cao hơn so với các ngày còn lại. Bên cạnh đó, một số khoản vay nước ngoài các đơn vị phải sử dụng tài khoản đặc biệt hoặc giải ngân một lần về tài khoản chuyên dụng của người vay theo quy định của Hiệp định vay nên đã tăng thêm số dư tiền gửi của các đơn vị.
Do nhu cầu vốn cho đầu tư và sản xuất kinh doanh quá lớn nên với số dư tiền gửi trên mới giúp cho EVN và các đơn vị thành viên hoàn thành nhiệm vụ được giao. Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, mỗi đơn vị phải duy trì một số dư tiền gửi phục vụ cho công việc thường xuyên và xử lý đột xuất, theo báo cáo. Trong lĩnh vực đầu tư, EVN có số dư nợ vay rất lớn vì thế nhu cầu trả nợ trong năm tương đối cao đòi hỏi EVN phải duy trì số dư đủ để trả nợ khi đến hạn để đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho các khoản vay trong tương lai.
Lý giải nguyên nhân tiền điện tăng cao trong tháng 4
Báo cáo cho biết, khi có thông tin từ khách hàng về giá điện tăng cao đột xuất trong tháng 4, Thủ tướng đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua; làm rõ đúng, sai, báo cáo Thủ tướng trong tháng 6.
Bộ Công Thương đang phối hợp tích cực với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua, để sớm có kết luận cụ thể, công bố công khai theo chỉ đạo của Thủ tướng và Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá. Bộ Công Thương đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành, trong đó có cả Hội Bảo vệ người tiêu dùng VN, Ủy ban Kinh tế QH, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, EVN.
Trước ý kiến của một số khách hàng thắc mắc về hoá đơn tiền điện tháng 4 tăng cao, Bộ Công Thương đã thành lập đoàn kiểm tra hoạt động niêm yết công khai giá, công tác ghi chỉ số công tơ, công tác chốt chỉ số, tính tiền điện, thanh toán tiền điện. Kết quả, công tác niêm yết công khai giá điện mới đã được các đơn vị thực hiện đúng quy định, đảm bảo thông tin về việc điều chỉnh giá điện đến các khách hàng kịp thời.
Công tác ghi chỉ số công tơ, chốt chỉ số, tính tiền điện, áp giá bán lẻ điện và thanh toán tiền điện được các đơn vị thực hiện đúng quy trình kinh doanh của EVN, tuân thủ theo Nghị định số 137/2013/ của Chính phủ về ghi chỉ số công tơ, thanh toán tiền điện và Thông tư số 16/2014 của Bộ Công Thương.
Qua kiểm tra thực tế cho thấy, hóa đơn tiền điện của nhiều khách hàng sinh hoạt trong tháng 4 tăng là do 3 nguyên nhân. Cụ thể sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao; tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36%; kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 4 là 31 ngày, dài hơn 3 ngày so với kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 3.
Khách hàng chủ động gỡ bài viết trên mạng xã hội
Báo cáo cho biết, theo thống kê của EVN từ số liệu phần mềm quản lý chăm sóc khách hàng, từ ngày 20/3-4 /5, Tập đoàn tiếp nhận và giải đáp 71.504 yêu cầu của khách hàng liên quan đến hóa đơn tiền điện. Trong đó có 14.541 kiến nghị của khách hàng, chiếm tỷ lệ gần 20% thắc mắc về chỉ số công tơ điện, hoá đơn tiền điện. Các thắc mắc đã được trả lời 100%, khách hàng đều hài lòng, đồng ý với kết quả giải quyết.
Từ ngày 20/3-4/5 có 11 bài báo trên các báo mạng và báo in, 8 trường hợp đăng trên Facebook nêu thắc mắc, phản ánh của khách hàng có địa chỉ cụ thể. Các thắc mắc, phản ánh của khách hàng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền hình, báo đài đã được đơn vị chủ động liên hệ xử lý, giải thích cặn kẽ, khách hàng đã đồng ý với cách giải quyết của đơn vị.
8 thắc mắc, phản ánh của khách hàng qua Facebook đã được đơn vị chủ động liên hệ xử lý, sau khi được giải thích, khách hàng đã hiểu nguyên nhân và chủ động gỡ bài viết trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, trong báo cáo, Chính phủ cho biết, trong đợt điều chỉnh giá điện vừa qua, các bộ, ngành, EVN có lúc còn lúng túng chưa phối họp chặt chẽ và kịp thời để làm tốt công tác thông tin, công khai minh bạch giá điện.
Báo cáo Chính phủ cũng khẳng định tới đây sẽ chỉ đạo Ban điều hành giá tiếp tục theo dõi diễn biến giá cả thị trường, kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%. Chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông làm tốt công tác tuyên truyền về tiết kiệm điện, công bố kết quả kiểm tra điều chỉnh giá bán điện, phương pháp tính giá, thu tiền điện. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá tác động điều chỉnh giá điện tới hộ kinh doanh, sản xuất; Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh gia giá điện, sớm công bố công khai; nghiên cứu sửa biểu giá điện lũy tiến, đẩy mạnh phát triển thị trường điện.

Giá điện tăng hơn 8% từ chiều nay 20/3

(VietnamDaily) - Theo lãnh đạo Bộ Công thương, quyết định điều chỉnh giá điện sẽ có hiệu lực từ hôm nay 20/3. Theo đó, giá điện sẽ tăng 8,36%, từ mức 1.720,65 đồng/kWh như hiện nay lên mức 1.864,04 đồng/kWh.

Sau nhiều lần họp với các bộ ngành liên quan và được Thường trực Chính phủ cho ý kiến, Bộ Công Thương cho biết, giá điện sẽ tăng thêm 8,36% từ ngày hôm nay 20/3.
Theo đó giá bán điện bình quân sẽ tăng từ 1.720,65 đồng lên hơn 1.864 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).

Giá xăng đang hướng đến mốc cao nhất lịch sử, người tiêu dùng sốc nặng

Áp thuế kịch khung, quỹ bình ổn âm... biểu hiện chưa từng có khiến giá xăng dầu liên tục tăng mạnh. Điều này có thể đẩy giá xăng hướng đến vùng cao nhất lịch sử thiết lập vào 6/2014.

Giá xăng cao nhất lịch sử là bao nhiêu?

Tin mới