Trong nông nghiệp, đi trước đón đầu khoa học công nghệ là bước tiến rất quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng cũng như thu nhập cho người làm nông nghiệp.
Từ năm 2011, nhờ ứng dụng tri thức, kỹ thuật vào chăn nuôi, Bùi Công Trung tìm ra hướng phát triển cho trang trại con giống gia cầm của gia đình, thu về gần nửa tỷ đồng tiền lãi mỗi năm.
Theo Thanh niên, Bùi Công Trung, sinh năm 1986 (thôn Đồng Ăng, xã Kim Long, H.Tam Dương, Vĩnh Phúc) ngày đó được xếp vào hàng những thanh niên triệu phú ở vùng đất bán sơn địa nằm dưới chân dãy núi Tam Đảo. Không những thế, chàng trai này còn là người thức thời, hiện đại. Ngoài quán xuyến công việc ở trang trại, Trung còn tận dụng, khai thác hiệu quả mạng internet trong tìm tài liệu học tập về chăn nuôi, sử dụng dịch vụ ngân hàng giao dịch tài chính với khách hàng. Thế nên từ nhận đơn đặt hàng, trao đổi với khách đa phần đều thông qua điện thoại và internet.
Bùi Công Trung tìm làm giàu từ trang trại con giống gia cầm. Ảnh: Thanh Niên |
Thời còn học phổ thông, từ số tiền tiết kiệm, Trung đầu tư nuôi riêng đàn vịt 300 con thương phẩm. Do chưa có nhiều kinh nghiệm, đàn vịt lần lượt chết sạch. Không cam chịu, Trung lấy mẫu mang đi xét nghiệm tìm nguyên nhân khiến người lớn vừa ngạc nhiên vừa nể phục. Sau một thời gian, Trung vận động nhiều hộ gia đình cùng chăn nuôi góp vốn nâng cấp thành trang trại “con” với quy mô vừa và nhỏ. Ghi nhận của PV báo Thanh niên, năm 2011, ngoài 2 trang trại chính, Trung phát triển hệ thống trang trại “con” đến gần 20 hộ gia đình, đảm bảo cung cấp mỗi tháng hàng vạn con giống gia cầm cho người chăn nuôi tại các tỉnh khu vực phía Bắc.
Thep CAND, năm 2015 trong khi nhiều địa phương cả nước vẫn còn loay hoay với cánh đồng 50 triệu đồng/ha thì tại nông trại của gia đình bà Nguyễn Thị Huệ, tổ dân phố Phước Thành, phường 7, TP Đà Lạt (Lâm Đồng), mỗi ha đất canh tác nông nghiệp ở đây đã cho lãi tới 5 tỷ đồng/năm.
Nông trại của gia đình bà Nguyễn Thị Huệ làm giàu tới 5 tỉ đồng/năm. Ảnh: CAND |
Tại khu vực trồng rau thủy canh, trên 1.000m2 đất sản xuất loại nông sản này, gia đình bà đã đầu tư khoảng 1 tỷ đồng bao gồm nhập khẩu toàn bộ các trang thiết bị tiên tiến từ nước ngoài. Xây dựng nhà kính đúng kỹ thuật đảm bảo cho cây sinh trưởng, phát triển một cách tốt và an toàn nhất. Rau thủy canh được trồng trên những thanh giá thể, cho nước chạy 24/24 giờ. Các chất dinh dưỡng đều được hòa lẫn trong nước. Rau thủy canh không có sâu bệnh nên nhà vườn không sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật nên rất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
So với cách làm nông nghiệp truyền thống, hoạt động sản xuất nông nghiệp thông minh làm giàu khủng.
Về hiệu quả kinh tế, so với cách làm nông nghiệp truyền thống, hoạt động sản xuất nông nghiệp thông minh cho lợi nhuận khủng. Bà Nguyễn Thị Huệ tiết lộ với PV CAND, với 1ha nông sản tại gia đình bà mỗi năm trừ mọi chi phí đầu tư, nhân công, bà còn thu về khoảng 5 tỷ đồng tiền lãi. Đây là số tiền cao nhất tại Lâm Đồng và hầu như trong cả nước trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp.
Năm 2015, lãi ròng mỗi năm khoảng 7 tỷ đồng nhờ chuối, thông tin ấy của anh Phạm Năng Thành ở xã Đại Tập (Khoái Châu) khiến nhiều người kinh ngạc. Chuối là loại cây trồng nơi nào ở Hưng Yên cũng có, nhiều khi giá rẻ như cho, vậy mà anh nông dân trẻ ấy đã chinh phục và “biến” thành “vàng” nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến.
Anh Phạm Năng Thành ở xã Đại Tập (Khoái Châu) biến chuối thành “vàng” nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến. Ảnh: Báo Hưng Yên |
Theo báo Hưng Yên, nút thắt đầu tiên là cách trồng. Những năm đầu, anh cũng áp dụng cách trồng truyền thống là lấy cây con từ gốc cây mẹ, Anh nhận ra rằng, một trong những nguyên nhân làm cho năng suất chuối không cao chính là việc chọn cây giống. Từ năm 2012, với 20 ha chuối, anh không trồng theo phương pháp truyền thống nữa mà sử dụng cây giống từ nuôi cấy mô và đây chính là bước đột phá giúp anh thành công.
Anh trồng chuối theo quy trình VietGAP. Anh xây dựng xưởng sơ chế, đóng gói chuối có hệ thống xử lý bảo quản hiện đại… Nhờ cập nhật, áp dụng kịp thời tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, toàn bộ diện tích 30 ha chuối của anh tại xã Đại Tập đã được cấp chứng nhận VietGAP. Anh Thành cũng là người đầu tiên ở miền Bắc đưa được chuối “đi Tây”, với số lượng xuất khẩu khoảng 40 tấn mỗi tuần. Anh đang dự tính đầu tư công nghệ tưới nước nhỏ giọt để bảo đảm cung cấp nước cho cây chuối vì đây là một trong các yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng chuối…
Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, không chỉ gặt hái thành công trong trồng trọt như anh Thành, mà một trường hợp khác cũng rất thành công trong chăn nuôi là anh Vũ Đức Chính ở xã Tân Tiến (Văn Giang).
Cũng theo báo Hưng Yên, trại nuôi của anh Chính năm 2015 đang khai thác hơn 200 con lợn nái trong chuồng có lắp hệ thống điều hòa không khí. Mỗi tháng anh xuất chuồng hơn 400 con lợn giống. Năm vừa qua, mới “tính vội” anh đã lãi ngót 2 tỷ đồng.
Khi tìm hiểu cặn kẽ những ưu điểm của công nghệ nuôi lợn trong “chuồng lạnh”, anh sẵn sàng đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng hệ thống chuồng trại theo mô hình khép kín, điều hòa nhiệt độ, con giống đạt tiêu chuẩn. Việc theo dõi từng con lợn nái được anh ghi chép đầy đủ, tỉ mỉ về độ tuổi, ngày tiêm vắc xin phòng từng bệnh, ngày cho thụ tinh, ngày đẻ.. Điều đặc biệt ở trại nuôi của anh còn là, lợn giống bán ra được anh Chính cam kết “bảo hành” bằng cách bồi thường cho người nuôi toàn bộ giá trị của con lợn giống tại thời điểm bị chết nếu mắc những bệnh đã được tiêm vắc xin phòng bệnh trước khi xuất bán. Khoa học công nghệ đã giúp người làm kinh tế như anh phát triển những bước tiến lớn.
Khái niệm nông nghiệp công nghệ cao, hay gọi nôm na là nông nghiệp thông minh, đang dần trở thành cụm từ quen thuộc. Những người làm trong lĩnh vực này cũng rất đa dạng, từ một người nông dân học chưa hết tiểu học, một kỹ sư chế tạo máy đến những công ty có tiềm lực tài chính. Tất cả đều có thể làm giàu nhờ áp dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp.