Cứ vào tháng 5, tháng 6, mùa hoa sú vẹt nở, anh Nguyễn Hùng Ái trú ở TP. Tam Điệp, Ninh Bình lại đưa đàn ong của mình về cánh rừng sú, vẹt ngập mặn của huyện Kim Sơn để khai thác mật hoa . Vốn đang làm thầu xây dựng với đồng lương tương đối ổn định, thế nhưng anh vẫn quyết định bỏ việc về quê nuôi ong lấy mật. Với công việc mới này, vào mỗi mùa hoa sú vẹt, anh Ái có thể kiếm được từ 2 đến 3 triệu đồng mỗi ngày.
Chia sẻ với báo điện tử Danviet.vn, anh Ái kể, trong một lần đi thầu công trình được tận mắt chứng kiến cảnh người dân quay mật, rồi tình cờ khám phá ra lợi ích của mật ong hoa sú vẹt, anh Ái đã mạnh dạn gác lại công việc, rẽ hướng sang nuôi ong và kinh doanh các sản phẩm từ ong.
Hàng năm, cứ vào mùa hoa sú vẹt bung nở là những người nuôi ong ở khắp mọi nơi đưa những đàn ong của mình về đây để khai thác. |
“Hiện đang là mùa hoa sú vẹt nở nên tôi cũng đưa hơn 400 đàn ong xuống vùng rừng ngập mặn ven biển huyện Kim Sơn để khai thác mật hoa.
Cây sú, vẹt là một loại cây mọc ở ven biển, đặc tính sống ở nửa nước và nửa cạn và sống trong điều kiện cực kỳ khắc nghiệt với độ mặn cao, nhưng hàng năm vẫn ra hoa từ tháng 5 cho đến tháng 7. Giữa cái mặn chát của nước biển nhưng vẫn hoa sú, vẹt vẫn có vị mật ngọt nên được mọi người gọi vui với nhau là mật ngọt của biển”, anh Ái nói thêm.
Cũng theo anh Ái, ở huyện Kim Sơn có diện tích rừng ngập mặn sú vẹt lên tới 12.000 ha. Với diện tích sú vẹt rộng lớn như vậy, nơi đây chính là vựa mật ngọt của biển nên được khá nhiều người mang ong đến đây khai thác và cũng kiếm được một khoản tiền không hề nhỏ.
Nhờ việc cho những đàn ong của mình đi kiếm phấn hoa sú, vẹt làm mật ngọt tại các cánh rừng ngập mặn đã giúp anh Nguyễn Hùng Ái thu được hàng trăm triệu đồng mỗi vụ. |
Vào mùa hoa sú vẹt nở, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi thì khoảng 5-7 ngày là có thể quay mật ong, song cũng có thời điểm thời tiết nắng nóng hay mưa nhiều thì khoảng hơn 10 ngày mới được thu hoạch mật 1 lần. Cách thu hoạch "mật ngọt của biển" cũng giống như cách thu hoạch của các loại mật ong bình thường khác. Khi ong đi kiếm đủ mật chúng ta sẽ vít nắp lại, sau đó cho các cầu ong này vào guồng quay để lấy mật.
“Năm nay nắng mưa thất thường ảnh hưởng nên sản lượng mật thu được thấp hơn mọi năm. Bình quân mỗi đợt quay mật ở những dịp như thế này cũng được vài tạ mật. Sản lượng mật ong hoa sú vẹt cũng chỉ đủ phục vụ khách trong và ngoài tỉnh cho đến cuối năm. Với giá bán mật ong hoa sú vẹt như hiện tại thì tính ra mỗi ngày tôi cũng kiếm được từ 2-3 triệu đồng. ”, anh Ái tiết lộ.
Anh Nguyễn Hùng Ái cho hay, hoa sú vẹt nở tự nhiên, không bị ảnh hưởng bởi các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật nên được người tiêu dùng coi là mật sạch. Ngoài đặc điểm sạch tự nhiên, mật ong hoa sú vẹt còn có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, trong đó được dùng làm thuốc chữa nhiều loại bệnh nên được thị trường rất ưa chuộng và có giá khá cao.
Hiện mỗi lít mật hoa sú vẹt có giá dao động từ 140-150 ngàn đồng/lít và mật vẹt có những tác dụng riêng cho sức khỏe mà không loại mật nào có được nên đầu ra cũng khá thuận lợi, có bao nhiêu thương lái cũng đến mua hết bấy nhiêu. Riêng việc bảo quản mật cũng khá đơn giản chỉ cần tránh ánh sáng trực tiếp là được. Do là mật nguyên chất nên để và sử dụng được rất lâu mà không lo bị hỏng.
“Nghề nuôi ong lấy mật cũng khá vất vả, cứ ở đâu có hoa là đi đến đó khai thác và mỗi lần như vậy phải di chuyển đàn ong vài trăm thùng đi theo nên khá vất vả. Chưa hết chỗ ở lại tạm bợ nên ảnh hưởng khá nhiều đến việc sinh hoạt. Tuy vất vả nhưng đổi lại nghề này lại cho thu nhập cao và ổn định hơn nghề khác...”, anh Áí tâm sự.
Cũng theo anh Ái, làm cái nghề này khá vất vả, ngoài chấp nhận xa gia đình, đi hết tỉnh này đến tỉnh khác còn đi quanh năm, có khi nhà có việc cũng chẳng về được. Mà nếu có bỏ về thì đàn ong cũng hỏng bét hết nên việc mà không quan trọng lắm thì chẳng bao giờ về nhà...Về xong việc lại phải đi ngay theo đàn ong...
Với sự cần cù và niềm đam mê với nghề, anh Nguyễn Hùng Ái đã thành công với nghề nuôi ong, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Cách làm của anh không chỉ giúp tận dụng lợi thế rừng ngập mặn tự nhiên của quê hương mà còn mở ra hướng đi mới trong việc chuyển đổi mô hình nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.