Gặp nông dân Hoàng Văn Hòa (ở thôn Tiên Sơn, xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) khi đang ôm bao tải đứng trên bờ ruộng để chờ máy tới gặt lúa, ông Hòa vui vẻ nói: "Thấy lúa nhà tôi đẹp không, chín vàng nhỉ? Đây là kết quả mà tôi vừa liên kết với Tổng Công ty Sông Gianh để làm 3 sào 10 bằng giống lúa Hương Bình. Quá trình gieo trồng, phía công ty đưa máy bay không người lái về hỗ trợ gieo, phun thuốc, bón phân, tới khi thu hoạch họ còn hỗ trợ bao tải để đựng lúa".
"Hôm nay tôi thuê máy về gặt, nhìn lúa trĩu hạt tôi mừng lắm, năng suất ước đạt 75 tạ/ha, phía công ty còn tới thu mua tận ruộng với giá 7.200 đồng/kg", ông Hoàng Văn Hòa cho biết.
Giống lúa Hương Bình trên ruộng lúa ở thôn Tiên Sơn (xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) trĩu hạt, cho năng suất cao. |
Ông Hoàng Văn Ngừng – Bí thư Đảng ủy xã Quảng Tiên (TX. Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình), chia sẻ: "Vụ hè – thu này, địa phương liên kết với Tổng Công ty Sông Gianh xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp không dấu chân ở thôn Tiên Sơn trên diện tích gần 5ha với giống lúa Hương Bình. Quá trình làm đã giúp nông dân rút ngắn thời gian gieo trồng, an toàn cho bản thân và bớt vất vả hơn khi có máy bay không người lái ôm hết việc".
"Ra thăm đồng chúng tôi nhìn lúa phát triển đều, trĩu hạt mừng lắm, năng suất phải hơn 75 tạ/ha. Hạt gạo từ cánh đồng không dấu chân này, chúng tôi sẽ xây dựng, trình các cấp công nhận sản phẩm OCOP, tới đây, chúng tôi tiếp tục liên kết với Tổng Công ty Sông Gianh để nhân rộng mô hình này", ông Hoàng Văn Ngừng, cho hay.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Khánh - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Bước đầu đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác trên diện tích gần 5 ha ở thôn Tiên Sơn, xã Quảng Tiên đã thu về kết quả tích cực. Lúa lên đều, đẹp, cho năng suất 75 tạ/ha, phía công ty thu mua lúa tươi ngay tại ruộng với giá 7.200 đồng là được giá cho bà con. Thời gian tới, phòng tiếp tục tham mưu với UBND thị xã Ba Đồn để triển khai các kế hoạch nhân rộng mô hình nông nghiệp không dấu chân trên địa bàn".
Được biết, vụ đông – xuân 2024, trên cánh đồng 22ha ở xã Xuân Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) Tổng Công ty Sông Gianh cũng đã cùng Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình liên kết với nông dân Trần Duy Khánh sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ ứng dụng cơ giới hóa gắn với bao tiêu sản phẩm. Cuối vụ, lúa phát triển tốt, cho năng suất cao và được Tổng công ty Sông Gianh thu mua với giá cao hơn thị trường.