Mấy ngày qua, tình trạng cá nuôi lồng trên sông Thái Bình qua thành phố Hải Dương chết hàng loạt khiến người nuôi cá lồng chịu thiệt hại lớn.
Hơn 300 tấn cá chết, các hộ nuôi thiệt hại nặng nề
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Sở NN&PTNT, có khoảng 300 tấn cá nuôi lồng bị chết. Con số thiệt hại cụ thể đang được các cơ quan chức năng thống kê, còn theo thông tin từ những hộ nuôi cá lồng, số lượng cá chết, thiệt hại có thể lớn hơn.
Chiều ngày 8/4, hiện tượng cá nuôi lồng chết vẫn diễn ra dù số lượng ít hơn. |
Chiều ngày 8/4, PV Tri thức và Cuộc sống đã đi thực tế tại lồng nuôi cá của ông Đỗ Văn Nhạ (54 tuổi) trên sông Thái Bình khu vực Đồng Ngọ, phường Nam Đồng, TP Hải Dương. Thời điểm này, rất nhiều người đến hỗ trợ chủ lồng thu gom xác cá chết vào bao, bơm nước tạo oxy để cứu lượng cá còn lại trong các lồng.
Nhìn những bao cá chết xếp chồng lên nhau để bên thành lồng và số cá ít ỏi đang bơi yếu trong các lồng nuôi cá, ông Đỗ Văn Nhạ cho biết, ngày hôm qua, khu vực lồng còn không có chỗ xếp cá chết, bởi cứ vớt lên lại nổi. “Phường đã cử nhân lực cùng lực lượng của Thành đoàn Hải Dương đã hỗ trợ thu gom cá chết nên nay mới vãn đi”, ông Nhạ nói.
Ông Đỗ Văn Nhạ nói về tình trạng cá chết. |
Theo chủ nuôi cá lồng này, cách đây 18 ngày, cá nuôi lồng nhà ông đã có một số triệu chứng như bỏ ăn. Khi đó ông đã xử lý bằng cách sục oxy nhưng không hiệu quả. Một tuần gần đây cá bắt đầu chết lác đác và 3 ngày nay cá chết hàng loạt.
“Khu nuôi cá nhà tôi có 56 lồng, mỗi lồng 72m2 nuôi bình quân từ 15 đến 20 tấn cá. Số lượng cá chết những ngày qua cũng lên đến hàng trăm tấn”, ông Nhạ nói và cho biết, bản thân ông làm nghề nuôi cá lồng trên sông Thái Bình đã được 7 năm, nhưng đây là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng cá chết nhiều đến thế.
Nói về thiệt hại khi cá lồng bị chết, ông Nhạ tỏ rõ vẻ lo lắng cho biết: “Nếu đến kỳ thu hoạch, cá khỏe mạnh, chúng tôi bán 62 nghìn đồng/kg nhưng nay cá chết chỉ bán được từ 1 đến 2 nghìn/kg. Mấy ngày qua, số cá bán giải cứu có giá 20 nghìn/kg nhưng số lượng không đáng bao nhiêu. Với lượng cá chết lớn những ngày qua, ước tính thiệt hại của gia đình tôi khoảng hơn 20 tỷ. Trong khi đó nợ ngân hàng gần 20 tỷ và nợ tiền cám hơn 10 tỷ đồng”.
Ông Nhạ mong muốn các nhà chức trách sớm làm rõ nguyên nhân cá chết, từ đó có giải pháp khắc phục.
Ông Vũ Phạm Thiên, Chủ tịch UBND phường Nam Đồng cho biết, địa bàn phường có 86 hộ nuôi cá lồng. Trong đó, hộ ông Nhạ nuôi nhiều cá nhất và cũng là hộ thiệt hại nặng nhất. Các khác chỉ có từ 5 - 7 lồng. Tổng lượng cá lồng chết trên địa bàn xã đến ngày 8/4 khoảng 360 tấn, thiệt hại của các hộ nuôi cá rất nặng nề.
Cá chết hàng loạt khiến người nuôi cá chịu thiệt hại lớn. |
Cách khu nuôi cá phường Nam Đồng không xa, người nuôi cá lồng ở xã Tiền Tiến, TP Hải Dương cũng đang chịu nhiều thiệt hại khi lượng cá lồng chết lớn và chưa dừng lại.
Hộ bà Nguyễn Thị Mật nuôi 18 lồng cá với mật độ nuôi từ 5.000 - 6.000 con/lồng. Thời điểm xảy ra hiện tượng cá chết, cá nhà bà Mật đang vào đợt thu hoạch với trọng lượng từ 4 - 7kg/con. “Mỗi ngày hàng tấn cá chết những ngày qua, ước tính thiệt hại hàng tỷ đồng. Số tiền đầu tư lên đến 8 tỷ đồng, chủ yếu vay ngân hàng”, người phụ nữ này nói.
Bà Lê Thị Hợp, Chủ tịch UBND xã Tiền Tiến trao đổi với báo chí cho biết, địa bàn xã có 24 hộ nuôi cá lồng có hiện tượng cá chết. Trong đó, có 9 hộ có lượng cá chết từ 0,5 tấn đến 2 tấn, 9 hộ có lượng cá chết từ 3 – 7 tấn; có 6 hộ có cá chết trọng lượng từ 9 tấn đến 60 tấn. “Để giảm thiểu thiệt hại kinh tế, một số hộ đã bán "chạy" số cá còn lại trên lồng với giá rẻ khoảng 20.000-30.000 đồng/kg . Ước tính, các hộ dân chịu thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đồng”, bà Hợp nói.
Những bao tải chứa đầy cá chết được xếp ở thành lồng để mang đi bán với giá 2000 đồng/kg. |
Bàn giải pháp khắc phục tình trạng cá nuôi lồng bị chết
Trước tình trạng cá nuôi lồng trên sông Thái Bình bị chết bất thường, UBND tỉnh Hải Dương và các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc.
Ngay ngày 5/4, UBND tỉnh Hải Dương đã có văn bản chỉ đạo về việc khắc phục và xác định nguyên nhân cá nuôi lồng chết. Trong đó, giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương xác định các nguyên nhân gây chết cá.
Đồng thời tăng cường theo dõi, nắm bắt diễn biến tình hình nuôi cá lồng trên sông; hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống, khắc phục tình trạng cá chết.
Người dân tiếp tục bơm nước tạo ôxy |
Cứu lượng cá còn lại trong lồng. |
Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện quan trắc chất lượng nguồn nước trên các tuyến sông, tập trung tại các khu vực có nuôi cá lồng bị chết; chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị liên quan, tổ chức rà soát các nguồn thải vào các khu vực sông có nuôi cá lồng.
UBND huyện, thành phố, thị xã tăng cường theo dõi, nắm bắt diễn biến tình hình cá chết và hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống, khắc phục, thu gom, xử lý cá chết; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát các nguồn thải trên các tuyến sông. Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương đảm bảo cung cấp điện đầy đủ, liên tục cho các vùng nuôi cá lồng.
Cá chết được thu mua với giá rẻ để làm phân bón. |
Chiều ngày 8/4, Sở NN&PTNT Hải Dương đã chủ trì cuộc họp với 3 Sở TN&MT, Sở Tài chính, Sở KH&CN cùng lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố để bàn giải pháp khắc phục tình trạng cá nuôi lồng bị chết trong những ngày qua.
Theo một cán bộ Sở NN&PTNT, tại cuộc họp, lãnh đạo Sở yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố xác minh số liệu cá chết cụ thể chứ không chỉ nghe người nuôi cá báo cáo để tránh tình trạng khai khống. Xác định ban đầu của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho thấy, cá nuôi lồng không phải do bị bệnh mà chết hàng loạt. Nguyên nhân ban đầu theo cơ quan quan trắc của Sở Tài nguyên Môi trường và Sở NN&PTNT cùng xác định, nồng độ oxy rất thấp trước và trong thời điểm cá chết. Cùng với đó, biểu hiện cá chết thiếu oxy là mang cá sưng đỏ.
Trước đó, ngày 5/4, Cục Thủy sản và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I của Bộ NN&PTNT đã về địa phương kiểm tra nhanh hiện tượng cá chết. Đoàn công tác đã lấy các mẫu nước trong lồng cá, lấy mẫu nước ở sông để kiểm tra. Kiểm tra nhanh tại vị trí có nhiều cá chết cho thấy nồng độ oxy hòa tan trong nước rất thấp, nồng độ khí độc cao dẫn tới cá thiếu oxy.
Theo nhận định vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi bất thường, tại các lồng nuôi với mật độ cao, các con yếu sẽ bị chết rải rác. Cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân khi thời tiết thay đổi cần giảm cho ăn hoặc dừng cho ăn, tăng cường sục khí. Khi cá chết cần phải vớt lên mang đi chôn lấp tránh ô nhiễm môi trường làm lây lan dịch bệnh.
Huyện Nam Sách cũng có tình trạng cá nuôi lồng bị chết
Không chỉ thành phố Hải Dương, huyện Nam Sách cũng có hiện tượng cá nuôi lồng bị chết tại các xã Thái Tân, Nam Tân…Trong đó, hộ bị chết nhiều lên tới hàng tấn, hộ ít cũng khoảng 2-3 tạ.
Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Nam Tân cho biết, khi địa bàn xã có hiện tượng cá nuôi lồng bị chết, lãnh đạo xã và một số hộ nuôi đã nhờ đơn vị có máy về đo nồng độ oxy trong nước, kết quả cho thấy nồng độ chỉ đạt ở ngưỡng từ dưới 1 - 1,9mg/lít nước, trong khi nồng độ đảm bảo cho cá sống được và hô hấp bình thường phải đảm bảo từ 7,5 - 8,5 mg/lít nước.
UBND xã Nam Tân đã hướng dẫn các hộ nuôi tạm ngừng cho cá ăn, tăng cường sục khí oxy; đối với cá bị chết cần vớt triệt để và xử lý đúng quy trình để đảm bảo vệ sinh môi trường. Đến nay, việc khắc phục đã có những kết quả khả quan. Nồng độ oxy trong nước tại các khu lồng nuôi đo được đã tăng hơn, tình trạng cá nổi đầu đã giảm, cá khỏe hơn, chịu bơi, đòi ăn, lượng cá chết tại các lồng nuôi trên địa bàn xã đã giảm rõ rệt.
>>> Mời quý độc giả xem video: Bà Lê Thị Kim Loan, quận Tây Hồ, Hà Nội nói về việc không nên vứt bát hương, tro... xuống Hồ Tây gây ô nhiễm môi trường.