Ông Zhang là người tỉnh Quế Châu, Trung Quốc, qua Việt Nam làm thầu xây dựng đã 17 năm. Do có mối quan hệ thân thiết với nhiều bạn bè tại Đài Loan và Quảng Châu, từ đó họ giới thiệu để ông nhận nhiều công trình nên công việc làm ăn cũng thuận buồm xuôi gió.
Có nhiều người nước ngoài vẫn "lăn tăn" khi quyết định mua nhà tại Việt Nam. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
17 năm ở Việt Nam là khoảng thời gian không hề ngắn, đã tạo cho ông một tình cảm gắn bó với mảnh đất phía Nam Việt Nam. Ông kể, mỗi khi trở về Quế Châu thì thường bị bệnh nhức đầu sổ mũi, mà cứ qua lại Sài Gòn sẽ hết bệnh ngay. Có lẽ thời tiết ấm áp phù hợp với ông hơn là khí hậu lạnh. Bởi vậy mà ông tính gắn bó quãng đời còn lại tại đây.
Gần 20 năm qua, ông Zhang đi thuê nhà ở nhiều nơi. Khi thì ông ở riêng một mình tại quận 6, có lúc ông ở chung với bạn bè tại quận Tân Bình.
Có căn nhà ông thích lắm, nhưng đang ở yên lành đến năm thuê thứ hai, thì chủ nhà bí tiền bán đi. Hoặc có căn nhà vừa hết hợp đồng thì chủ đòi tăng tiền lên cao quá không chịu nổi phải trả nhà đi kiếm nơi khác. Cứ như vậy nhiều năm trời khiến ông chỉ muốn mua một căn nhà an cư lạc nghiệp.
Vào đầu tháng 5, ông Zhang gặp tôi trong một buổi ra mắt một sản phẩm vật liệu xây dựng, ông chia sẻ rằng rất vui vì sắp được đứng tên mua nhà để ở rồi.
Nếu không có gì thay đổi, đến cuối năm gom được đủ tiền thì ông sẽ mua một căn nhà ngoại ô để có nơi có chốn cố định, không cần phải lang bạt chỗ này chỗ kia nữa. Ông hỏi tôi, lúc đi ra ký hợp đồng mua bán ngoài công chứng thì phải làm sao. Rồi đi đóng thuế trước bạ thế nào.
Tôi chưa biết rõ việc này nên điện thoại hỏi một người bạn môi giới nhà đất. Anh trả lời rằng, trước mắt phải lên phường để xác nhận căn nhà ấy có nằm trong số 25% được cho phép bán cho người nước ngoài trên địa bàn phường không. Rồi căn nhà ấy có nằm trong khu vực “nhạy cảm” không. Rồi nếu người nước ngoài lấy người Việt Nam thì coi như thêm điều kiện tốt. Rồi nếu người nước ngoài ở Việt Nam, có công ty ở Việt Nam cũng là thêm điều kiện tốt nữa…
Nghe rất nhiều lời khuyên, nhưng tôi hỏi rằng, việc này ở phường nếu vì nhát hoặc chưa có tiền lệ, hoặc chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, mà họ không dám xác nhận, thì sao. Cũng giống như có bạn đọc đã từng phản ánh chạy tới lui hàng chục lần đến phường mà vẫn không xin được xác nhận tình trạng chưa có nhà tại địa bàn để mua căn hộ nằm trong gói 30.000 tỷ, dù cho người đó đã đăng ký hộ khẩu tạm trú 3 năm nay.
Tất cả những việc ấy, người nước ngoài họ không biết đã đành, mà thực sự người bán là người Việt Nam cũng rất khó để hoàn tất các thủ tục. Vậy thì sao, chẳng lẽ bó tay?
Sau rất nhiều thắc mắc như vậy, thì anh bạn tư vấn kia cũng đành chịu. Vì theo bạn, “hình như vẫn chưa có văn bản hướng dẫn gì rõ ràng cả”.
Để hỏi thêm về tình hình người nước ngoài mua chung cư tại Việt Nam, tôi liên lạc với cậu em ở một công ty đang bán vài dự án tại quận Tân Bình, TP. HCM và Vũng Tàu. Cậu nói, mọi chuyện rất dễ dàng và bình thường. Công ty cậu tạo điều kiện cho người nước ngoài mua. Đến khi bàn giao căn hộ và cấp sổ thì sẽ chờ tới khi nào người nước ngoài đủ điều kiện theo luật pháp quy định thì trao luôn.
Điều kiện đó là gì? Dạ, là kết hôn với người Việt Nam, hoặc làm việc ở Việt Nam trên 6 tháng, hoặc có công ty tại Việt Nam là ổn. Còn việc sở hữu bao nhiêu phần trăm, thì quả thực là hên xui, chẳng ai nói trước được điều gì cả. Nếu số lượng người nước ngoài đã vượt quá phần trăm cho phép, thì đành phải đi kiếm nơi khác mua thôi!
Đúng là mỗi người mỗi tư vấn khác nhau, và đều có nhấn mạnh hai từ “hình như” nên chẳng ai dám khẳng định. Việc sở hữu 50 năm là chuyện rõ như ban ngày rồi, không cần phải bàn tới nữa. Làm sao để giấy tờ nhà đất đứng tên người nước ngoài mua, thuế má đóng ra sao, mới là điều cần thiết và cần biết nhất.
Tôi vì một lời hứa giúp cho ông Zhang đó hỏi han mọi sự mua nhà, mà tới khi được tư vấn cũng còn thấy nhiều điều cần hỏi thêm, hỏi nữa. Ngại quá, cứ mỗi khi thứ Bảy rảnh rỗi, ông Zhang đều điện thoại nhắc tôi có hỏi dùm chắc chắn chưa. Mà quả thật, tôi rất muốn xin lỗi ông vì chưa thể giúp ông ngay bây giờ được!