Nỗi ám ảnh mang tên thuốc diệt cỏ

Để tăng năng suất cây trồng, có mùa màng bội thu thì thuốc diệt cỏ là một phần không thể thiếu của bà con nông dân. Song, gần đây nó lại trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình khi sản phẩm này được sử dụng sai mục đích.

Có người dùng nó để tự kết liễu đời mình, người lại dùng để hãm hại người khác, để rồi họ phải hứng chịu những hậu quả đau lòng. Với những con số thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, chúng tôi đã không khỏi giật mình bởi số người ngộ độc thuốc diệt cỏ ngày càng có xu hướng gia tăng.
Không khó khăn gì để mua thuốc diệt cỏ.
 Không khó khăn gì để mua thuốc diệt cỏ.
1. Tháng 7 – 2017 là thời gian không thể nào quên của người dân xã Tư Mại (Yên Dũng, Bắc Giang). Bởi, chỉ trong chưa đầy 10 ngày đã có tới 2 người dùng thuốc trừ cỏ để kết liễu đời mình.
Để thực hư câu chuyện đau lòng này, chúng tôi được cán bộ xã đưa vào thăm gia đình chị Lưu Thị T, thôn Bắc Am có mẹ chồng là bà Nguyễn Thị Đ (67 tuổi) tử vong do uống thuốc cỏ cháy.
Nhà chị T liệt vào hàng khá giả, ngôi nhà khang trang nằm sâu trong ngõ nhỏ nhưng từ khi bà Đ mất nó trở nên hiu quạnh. Gần 1 năm nay chỉ có chị và hai đứa con nhỏ sống trong nỗi ám ảnh, xót xa.
Đôi mắt chị nặng trĩu, rưng rưng kể về gia cảnh của mình: “Chồng tôi làm thuê ở miền Nam, thi thoảng mới về. Mẹ chồng tôi mất khiến ngôi nhà trở nên trống vắng, hiu quạnh. Tôi đến giờ vẫn còn ám ảnh và không biết nguyên nhân tại sao bà lại quyết định như vậy”.
Bà Ngụy Thị H, hàng xóm với bà Đ, người chứng kiến vụ việc từ đầu đến cuối còn nhớ như in ngày hôm đó. Mấy hôm trước khi xảy ra sự việc đau lòng, bà Đ có kêu với bà là mệt mỏi và rất buồn, có gặng hỏi cũng không chịu nói tại sao. Vài hôm sau, mấy người cao tuổi trong xóm rủ nhau đi tập thể dục, khi đi ngang nhà bà Đ thì thấy mảnh giấy gắn ở cổng.
“Tôi tò mò mở ra xem mới hay bà Đ đã uống thuốc trừ cỏ. Chúng tôi đã chạy vào nhà và đưa bà ấy đi cấp cứu. Lúc vào thì thấy bà Đ nằm quằn quại, nôn ói đang bò từng bậc cầu thang. Sau khi được rửa ruột tại bệnh viện, bà ấy vẫn tỉnh táo lắm, còn tâm sự với tôi là do chán nản, buồn phiền mà nghĩ quẩn. Thế mà 2 ngày sau, bà Đ yếu dần, bị bệnh viện trả về vì đã bó tay” – Bà H. nhớ lại.
Bố chồng chị T mất chưa được bao lâu thì mẹ chồng cũng qua đời. Nhìn các con, cặp song sinh chưa đầy 2 tuổi chị lại ứa nước mắt. Chị bảo: “Khi bà còn sống, cả nhà quây quần sớm tối. Có bà ở nhà, tôi cũng có thể chạy đi chạy lại lo việc đồng áng. Giờ đây thì không thể làm gì được, chỉ riêng chăm sóc hai con đã ngốn hết thời gian rồi”.
Bà Đ mất chưa đầy một tuần thì bà Nguyễn Thị H (thôn Tân Hưng) cũng lại dùng thuốc trừ cỏ cháy để kết liễu cuộc đời mình. Theo tìm hiểu của chúng tôi, bà H là mẹ đơn thân có một con trai. Bao hy vọng, tình yêu thương bà dồn hết cho con, thế nhưng càng lớn cậu con trai này càng tỏ ra nghịch ngợm, phá phách.
Ngày ngày không chịu làm ăn, đắm chìm vào cờ bạc, rượu chè khiến tiền của trong nhà “đội nón ra đi” hết. Bất lực trước sự ngỗ ngược của con, bà H đã lựa chọn cái chết bằng cách uống thuốc cỏ cháy, rồi qua đời vào ngày 7 - 7-2017.
Ông Nguyễn Văn Phương, cán bộ Tư pháp xã Tự Mai chia sẻ: “Ngoài những trường hợp đó, còn một trường hợp mà chính tay tôi đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng không cứu được là anh Phạm Trí T., thôn Tân Ninh.
Anh T. là hàng xóm của tôi, khi nghe mọi người hô hoán tôi liền chạy sang để giúp đỡ. Thế nhưng nhìn thấy anh ấy nằm vật ra, sùi bọt mép, chân tay co quắp, da thì tím đen đi tôi nghĩ khó lòng mà cứu được.
Cũng chỉ vì hai vợ chồng cãi vã nhỏ vậy mà anh ấy đã tìm đến cái chết bằng thuốc diệt cỏ. Bây giờ chỉ còn vợ phải gồng mình xốc vác mọi công việc, vừa làm mẹ lại vừa phải làm cha, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn lắm.
Tôi nghĩ nhiều người sử dụng thuốc diệt cỏ để tự vẫn là vì loại thuốc này được bán rất nhiều. Hơn nữa ở nông thôn nhà nào cũng có để phục vụ trồng trọt. Tôi cho rằng cần phải tìm ra loại thuốc diệt cỏ nào không hại tới con người, hoặc có biện pháp hạn chế mua bán và sử dụng loại thuốc độc hại này”.
Theo vị cán bộ này thì nguyên nhân những người tự tử bằng thuốc bảo vệ thực vật là do mâu thuẫn tình cảm, cuộc sống gia đình. Họ rơi vào tâm lý chán nản, không kìm chế được cảm xúc dẫn tới hành động dại dột.
Như trường hợp của chị Ngụy Thị V., thông Hưng Thịnh, xã Tư Mại cũng uống thuốc bảo vệ thực vật vì có khúc mắc chuyện gia đình. Khoảng tháng 7 năm 2017, hai vợ chồng chị đã to tiếng với nhau, người chồng đã nói những câu khó nghe.
Thấy mình bị xúc phạm và không còn được yêu thương chị V liền lấy thuốc diệt chuột uống. Tuy nhiên chị V. may mắn được đưa đi cấp cứu kịp thời và đã thoát khỏi thần chết một cách hy hữu.
Rất nhiều người đã tự hỏi, vì sao ở Bắc Giang lại nhiều người tìm đến cái chết bằng thuốc bảo vệ thực vật đến vậy? Nó nhiều đến nỗi, chuyện tự tử vì thuốc bảo vệ thực vật không còn là quá sốc, thậm chí là chuyện quá đỗi bình thường.
Mới đây vào tháng 2, tại xã Tân Dĩnh (Lạng Giang, Bắc Giang) xảy ra vụ tự tử được coi là thương tâm nhất. Vốn chịu nhiều áp lực từ cuộc sống và có dấu hiệu bị trầm cảm, trong một lần giận chồng, chị đã ép hai con nhỏ cùng mình uống thuốc diệt cỏ.
Hay câu chuyện của anh Nguyễn Văn V (24 tuổi. Xuân Hương, Lạng Giang) cũng khiến nhiều người đau đớn. Dù vụ việc đã xảy ra gần 1 năm nhưng khi nhắc lại anh V. lại không giấu được những giọt nước mắt đau đớn.
Anh V. buồn bã kể lại về cái chết đột ngột của người vợ sắp cưới: “Cuối năm ngoái, hai bên gia đình đã chuẩn bị đầy đủ cho đám cưới của chúng em. Vậy mà, trước hôm diễn ra lễ đính hôn, em nhận được tin cô dâu đã uống thuốc trừ cỏ, đang cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai.
Em vội vã đến viện thì cô ấy cũng chỉ kịp nói với em hai chữ “xin lỗi” rồi ra đi. Em không những đau khổ vì mất vợ trước ngày cưới đúng 1 ngày mà còn bị người ta dị nghị, thêu dệt ra hàng trăm lý do cho cái chết đó.
Người thì bảo cô dâu chết vì phát hiện ra chú rể có bồ. Người thì nói cô dâu tự tử vì người lớn em cưới. Thực sự cho đến hôm nay em cũng chưa biết tại sao vợ em lại tìm đến cái chết đột ngột như vậy. Chúng em yêu nhau, đến với nhau hoàn toàn tự nguyện, không hề bị cấm cản hay gán ghép gì cả”.
2. Qua tìm hiểu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, năm 2017, tại đây ghi nhận có hơn 200 trường hợp bị ngộ độc các chất chủ yếu nguồn gốc dước phẩm, trong đó chủ yếu liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật.
Đặc biệt hơn, theo thống kê của Khoa Hồi sức tích cực, chống độc của bệnh viện, từ đầu năm đến nay, bình quân mỗi tháng, khoa xử lý khoảng 10 ca ngộc độc thuốc bảo vệ thực vật. Đây là những trường hợp ngộ độc là do tự uống.
Trường hợp mới nhất là anh Đào Văn T (xã Đông Lỗ, Hiệp Hòa) nhập viện trong tình trạng nguy kịch do uống thuốc trừ sâu. Đến ngày 2 -5, bệnh không thuyên giảm nên gia đình đã tự nguyện xin đưa về nhà để lo hậu sự.
Nói về vấn đề này, bác sĩ Trần Quốc Hưng, Khoa Hồi sức tích cực, chống độc cho biết: "Những trường hợp uống thuốc trừ sâu, bệnh nếu được cấp cứu kịp thời thường qua khỏi. Riêng đối với thuốc trừ cỏ có chất Paraquat, người lớn uống với lượng khoảng 2 thìa cà phê thì tỷ lệ tử vong cao, chỉ khoảng trong 24 giờ. Đây là thuốc nằm trong nhóm cực độc làm suy đa tạng, nếu được lọc máu, bệnh nhân có thể ổn định nhưng sau đó thường chết do sơ phổi".
Từ những vụ việc và con số đáng báo động trên có thể thấy, ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật có xu hướng ngày một gia tăng ở khu vực nông thôn.
Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do những mâu thuẫn trong gia đình, buồn rầu chuyện tình cảm. Bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân thì việc quản lý chặt hơn việc mua bán các loại thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có nhóm diệt cỏ Praquat là cần thiết.
Vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản chỉ đạo hạn chế nhập khẩu thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất Paraquat và dần tiến tới cấm sử dụng.
Dù vậy thì yếu tố quan trọng vẫn là thuốc bảo vệ thực vật phải được sử dụng đúng mục đích trong nông nghiệp để bảo vệ cây trồng. Hơn nữa cần có phiên tòa lưu động xét xử những đối tượng phạm pháp hình sự liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật nhằm tạo sức răn đe trong cộng đồng.

Tin mới