Nợ xấu vẫn đáng lo
Không phải ngẫu nhiên mà 2 tổ chức quốc tế lớn tuần qua đều có chung một quan điểm: Thách thức nợ xấu tại Việt Nam còn rất lớn.
Thực tế, nợ xấu chưa được xử lý, nợ tiềm ẩn phát sinh tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các ngân hàng đang rình rập.
Tăng thêm vì mua vào
Theo Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tính đến hết tháng 7/2017, việc giải quyết nợ xấu đã có những tiến bộ đáng kể, có khoảng 10.000 tỷ đồng nợ xấu được VAMC xử lý thành công. Nhưng thách thức xử lý nợ xấu với VAMC còn rất lớn, cũng trong 7 tháng VAMC đã mua vào thêm 16.000 tỷ đồng nợ xấu. “Điều này cho thấy, thực tế nợ xấu tại VAMC đã tăng thêm 6.000 tỷ đồng. Chính phủ cần xác định việc mua vào nợ xấu của VAMC sẽ dừng ở mức nào, vì nếu không các ngân hàng sẽ tiếp tục phát sinh nợ xấu, và vấn đề nợ xấu không bao giờ khắc phục được” - ADB khuyến cáo.
Hoạt động nghiệp vụ tại EximBank. Ảnh: Minh Hòa
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhận định: Mặc dù tỷ lệ nợ xấu được xác định là 2,6% tổng dư nợ tại thời điểm cuối tháng 3/2017, song tổng nợ xấu – bao gồm cả nợ xấu được báo cáo, nợ xấu chưa xử lý do VAMC quản lý và nợ được phân loại có rủi ro trở thành nợ xấu – ước tính lên đến 10,1% tổng dư nợ trong toàn bộ hệ thống ngân hàng.
Cải cách trong khu vực ngân hàng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm bảo đảm năng lực phục vụ nền kinh tế của hệ thống, hạn chế nợ xấu. Tuy vậy, trong 6 tháng đầu năm 2017 không có một trường hợp sáp nhập hay mua lại ngân hàng nào được thực hiện. Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường hoạt động thanh tra giám sát ngân hàng, tuy nhiên vẫn cần có thêm các biện pháp khác.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên 21 -22% cũng khiến các tổ chức lo ngại sẽ làm tăng rủi ro. Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Sebastian Eckardt khuyến nghị: “Tỷ lệ tín dụng/GDP ở mức 130% đã là quá lớn. Tăng trưởng tín dụng gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng danh nghĩa của GDP. Chúng tôi không cho rằng quỹ đạo như vậy là bền vững”.
Còn nhiều vướng mắc khi xử lý
Cùng với những sửa đổi về khung pháp lý và thể chế, gần đây, Chính phủ đã ban hành các biện pháp mới giúp các ngân hàng và VAMC dễ dàng hơn trong việc phát mãi tài sản thế chấp, thu hồi nợ. Tuy nhiên, đại diện VAMC cho rằng, cơ quan này cần được hỗ trợ về hệ thống công nghệ thông tin để kết nối với các tổ chức tín dụng ở Việt Nam theo dõi các khoản nợ và tài sản bảo đảm. Đồng thời, VAMC cũng cần sự hỗ trợ từ các tổ chức tư vấn khi hiện nay đang triển khai mua nợ bằng tiền thật, nên cần kinh nghiệm về mua nợ và quản lý khoản nợ.
Về phía các ngân hàng, không những còn tồn đọng khoảng 250.000 tỷ đồng nợ xấu đang gửi tại VAMC, mà còn 153.000 tỷ đồng vẫn nằm tại hệ thống, hàng loạt ngân hàng phải tăng cường trích lập dự phòng. Một lãnh đạo ngân hàng cho biết, theo định kỳ hàng quý, các ngân hàng phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro tín dụng và dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành trên cơ sở dồn tích.
Việc trích lập dự phòng rủi ro cao còn do tỷ lệ nợ xấu tính đến giữa năm nay cũng không giảm nhiều so với cuối năm 2016 do nợ xấu mới phát sinh trong bối cảnh kinh tế vĩ mô chưa có nhiều cải thiện, hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nhiều ngân hàng cho biết, dù Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu đã có hiệu lực, nếu không có sự hợp tác của con nợ, ngân hàng vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thu giữ tài sản thế chấp.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu cũng gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi phải học hỏi kinh nghiệm từ thế giới. Bởi vì, với các nước trên thế giới, quá trình tái cơ cấu cũng mất rất nhiều thời gian và nguồn lực về tài chính. Nên Việt Nam rất muốn học hỏi các kinh nghiệm từ các nước, kể cả kinh nghiệm thành công hay thất bại.
Để bảo đảm quản lý tốt những rủi ro, điều then chốt là phải tăng cường các quy định và giám sát chất lượng khoản vay vào đúng địa chỉ, cũng như tiếp tục đưa vào áp dụng các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn theo Hiệp ước Basel II trong vòng từ 12 – 18 tháng tới. Ngân hàng Nhà nước nên tìm các giải pháp khuyến khích hệ thống ngân hàng tăng vốn nhanh, đồng thời quản lý chất lượng cho vay.
Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Sebastian Eckardt
Từ khi VAMC được thành lập ngày 1/10/2013, trên 40% nợ xấu của các tổ chức tín dụng được chuyển qua VAMC. Tính đến 31/8/2017, VAMC đã mua 26.110 khoản nợ xấu tương đương 266.335 tỷ đồng (gần 12 tỷ USD). Bán được 139 khoản nợ với giá bán 7.816 tỷ đồng, bán tài sản đảm bảo với giá bán 11.026 tỷ đồng. Như vậy, vẫn còn khoảng 250.000 tỷ đồng nợ xấu tồn đọng. Số nợ xấu bán được chưa bằng 10% tổng số nợ xấu mua về.