Đối tượng Phạm Thanh Tâm hiện đang cắt giữ khoảng 1 tỷ đồng của Tuấn "khỉ" cướp trên sới bạc. |
Trước đó, tối 30/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra quyết định truy nã đối với Lê Quốc Tuấn về 3 tội danh gồm các tội “giết người”, “cướp tài sản” và “tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”. Đối tượng Lê Quốc Tuấn là nghi can trong vụ bắn chết 4 người trên sới bạc ở huyện Củ Chi ngày 29/1 vừa qua.
Vậy đối tượng Phạm Thanh Tâm người đang cất giữ 1 tỷ đồng cho nghi phạm Tuấn "khỉ" có thể sẽ bị xử lý thế nào? Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi cướp tài sản đã nảy sinh và thực hiện như thế nào.
Trong trường hợp có căn cứ đối tượng Tuấn và Tâm đã bàn bạc với nhau, cùng nhau có ý định thực hiện hành vi cướp tài sản và thực tế đã cướp được số tiền đó thì cả Tuấn và Tâm đều bị xử lý hình sự về tội cướp tài sản theo quy định tại điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội. |
Trong trường hợp cơ quan điều tra không chứng minh được hành vi cùng ý chí thực hiện việc cướp tài sản giữa Tuấn và Tâm thì sẽ không đủ căn cứ xử lý Tâm về tội cướp tài sản. Tuy nhiên, nếu có căn cứ cho thấy Tâm biết rõ số tiền đó là do phạm tội mà có mà vẫn chứa chấp hoặc tiêu thụ thì đối tượng này sẽ bị xử lý hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, tội danh và hình phạt được bộ luật hình sự quy định như sau:
Điều 323 Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Nguồn: Thanh Niên.