Với tất cả những gì đã xảy ra trong năm 2013, ngành y tế Việt Nam chắc hẳn đã rút ra được nhiều bài học thấm thía và sâu sắc, để từ đó nâng cao hơn nữa y đức trong một số cán bộ y, bác sĩ hiện nay. Đề cập về vấn đề này trong buổi họp báo nhân dịp kỷ niệm 59 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, các chuyên gia trong lĩnh vực y tế đã có những cái nhìn thẳn thắn.
Đừng viện cớ về tỷ lệ tai biến?
Đó là ý kiến của GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng Hội y học Việt Nam, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, khi bàn về những tai biến y khoa đã xảy ra trong thời gian qua. Theo GS. Hùng: “Thầy thuốc không được viện cớ về tỷ lệ tai biến y khoa nằm trong giới hạn cho phép để biện minh cho những sai sót y khoa của mình. Nhưng khi xảy ra tai biến nên bình tĩnh nhìn nhận một cách khách quan và khoa học về tai biến đó”.
GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng Hội y học Việt Nam, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế. |
Để minh chứng cho vấn đề trên, ông Hùng đã nhắc lại vụ bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường vứt xác phi tang bệnh nhân khi xảy ra tai biến. Theo ông, đây là trường hợp mà những người công tác trong ngành không thể hiểu nổi, một bác sỹ không những không đặt tính mạng, lợi ích của bệnh nhân lên trên mà còn có hành vi giấu dốt, không dám thừa nhận sai phạm, yếu kém của bản thân, thật là đáng buồn. Tai biến y khoa hay sai sót trong nghiệp vụ là điều mà không người làm ngành Y nào mong muốn tuy nhiên để có bản lĩnh đối diện với sai sót này thì cần cả một quá trình.
Để không để xảy ra những trường hợp trên, theo GS. Phạm Mạnh Hùng, ngành y tế, cần phải giáo dục cho các thầy thuốc không chỉ về y đức mà còn cả về y nghiệp. “Nói y đức và y nghiệp gắn với nhau là cả đức lẫn tài. Nhiều khi người ta hiểu chữ đức chỉ cần cười nói, không nhận phong bì, săn sóc, xoa bóp bệnh nhân thế là đủ nhưng nếu tài năng chữa bệnh kém thì y đức cũng không cao. Y đức và y nghiệp mang tính dài lâu, suốt cuộc đời gắn với vận mệnh của người thầy thuốc”, GS. Hùng chia sẻ.
Ngoài ra, với tâm huyết của người thầy thuốc đã cống hiến cả cuộc đời cho ngành y tế, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng trăn trở: “Chúng ta chưa gắn kết vấn đề y tế với xóa đói giảm nghèo một cách chặt chẽ. Chính bệnh tật là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nghèo đói”.
Bởi theo giáo sư, khi con người ta mất sức lao động nên ảnh hưởng đến sự mưu sinh. Hơn nữa, trong cơ chế thị trường, giá dịch vụ y tế ngày càng cao, vì vậy nó chiếm một tỉ lệ lớn trong thu nhập của người dân. Vậy nên, một nền y tế tốt phải gắn liền với việc xóa đói giảm nghèo cho người dân.
“Ngành y hãy lấy lại niềm tin sau bão”
Đó là ý kiến của ông Phạm Đức Liêm, cán bộ hưu trí tại khu tập thể Học viện Báo chí và Tuyên Truyền.
“Là một cán bộ về hưu, nên tôi thường xuyên đọc báo, theo dõi thông tin thời sự. Quả thật năm vừa qua (năm 2013 – p/v) là một năm đầy “sóng gió” đối với ngành y tế Việt Nam. Khi liên tiếp xảy ra các sự việc đau lòng, làm mất dần lòng tin của người dân. Tôi nói vậy không phải đánh đồng tất cả các bác sĩ đều xấu, mà đó chỉ là một số thành phần đã bị thoa hoá về y đức. Nhưng tôi hy vọng từ những sự việc không mong muốn đã xảy ra đó, năm 2014, ngành y hãy lấy lại niềm tin sau những cơn “bão” đã đi qua”, ông Liêm thẳng thắn chia sẻ.
Người dân hy vọng sẽ không còn những vụ nhân bản xảy ra. |
Đồng quan điểm trên, bà Hồ Thị Khởi ( 68 tuổi, trú tại Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Tôi nghĩ, sau những tuyên bố quyết liệt của các lãnh đạo “chóp bu” ngành y tế, thì hy vọng trong thời gian tớ sẽ không còn những chuyện nhân bản xét nghiệm hay ăn bớt vắc xin như năm 2013 nữa. Chứ đài báo suốt ngày đưa những tin đó, ai dám đến bệnh viện nữa. Chẳng nhẽ, mỗi nhà lại cho 1 người đi học ngành y”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có quan điểm như ông Liêm hay bà Khởi, bởi đối với những người lao động nghèo, những thông tin về “bê bối” của ngành y thì họ chỉ nghe loáng thoáng, nhưng những gì họ tận mắt chứng kiến tại bệnh viện khiến họ có một suy nghĩ khác.
“Tôi cũng có nghe mấy vụ nhân bản, chết do vắc xin, nhưng cũng không biết chi tiết lắm. Còn nói về bệnh viện bây giờ à, chúng tôi thấy ngán ngẩm lắm. Ngay như bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi không có tiền phải đi khám bảo hiểm, theo đúng tuyến nhưng đợi cả ngày mới đến lượt. Còn mấy người lắm tiền nhiều của, ù vào bên khám tự nguyện kia, gớm được mấy anh chị áo trắng dắt vào tận phòng”, chị Liên, một công nhân môi trường tại Phường Quan Hoa (Cầu Giấy) chia sẻ.
Với thực tế hiện nay, hy vọng trong thời gian tới ngành y tế sẽ đi sâu sát hơn nữa, tiếp xúc gần hơn nữa với người bệnh, để lắng nghe những tâm tư nguyện vọng chính đáng của người bệnh. Từ đó, có những điều chỉnh và thay đổi kịp thời để làm sao cho công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân đạt hiệu quả cao nhất.